News from LCDF

7 bài học từ các lão làng ngành Thiết kế Đồ họa

7 bai hoc tu cac lao lang nganh thiet ke do hoa.png

“Một tác phẩm thiết kế sẽ tạo ra ba loại phản ứng – được, không được, và WOW! Wow chính là cái cần phải hướng tới.” Đó chỉ là một trong nhiều bài học đắt giá của Milton Glaser – “ông tổ” của ngành thiết kế đồ họa đương đại – và những huyền thoại thiết kế khác muốn gửi gắm tới các thế hệ nhà thiết kế tương lai.

Alexey Brodovitch: Thử nghiệm các trường phái mới

Alexey.png

Alexey Brodovitch là một nhiếp ảnh gia, nhà thiết kế và giảng viên thiết kế sinh tại Belarus. Ông đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu các trường phái thiết kế châu Âu tới Mỹ trong thập niên 1920, góp phần tạo ra một thế hệ nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia và họa sĩ hoàn toàn mới. Brodovitch chính là người lập ra nền móng cho sự thành công của tạp chí thời trang danh tiếng Harper’s Bazaar.

Alexey tác phẩm.jpg

Các tác phẩm của Alexey Brodovitch (Nguồn: lafremeuse.com)

Trong 15 năm lừng lẫy trong vai trò giám đốc nghệ thuật tại Harper’s Bazaar, ông là người đi tiên phong trong việc đưa đồ họa chữ (typography) và hình ảnh hòa quyện với nhau làm một – một ý tưởng khác biệt hoàn toàn các tạp chí đương thời khác vốn luôn tách chữ viết riêng khỏi hình ảnh trên trang. Cách kết hợp những bộ font chữ mượt mà, duyên dáng với những trường phái nhiếp ảnh mới của Brodovitch dần trở nên thịnh hành xuyên suốt thập niên 1940 – 50 và giúp Harper’s Bazaar giữ vững vị trí dẫn đầu trong mảng tạp chí thời trang nhiều thập kỉ về sau.

Alvin Lustig: Gợi ý, đừng giải thích

Alvin Lustig.png

Alvin Lustig là một nhà thiết kế đa tài người Mỹ. Ông từng thiết kế tạp chí, nội thất, bao bì sản phẩm, đến khách sạn và cả một chiếc trực thăng, ông lại nổi tiếng nhất với những bìa sách vô cùng phong cách và đặc trưng. Dấu ấn của Lustig rõ rệt tới mức ông đã khơi mào cả một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thiết kế bìa sách và tạp chí.

Alvin Lustig tác phẩm.jpg

Các tác phẩm của Alvin Lustig (Nguồn: Alvin Lustig Archives)

Theo tạp chí Fast Company, trong thập niên 1930 – 40, xu thế chủ đạo là dùng một bức ảnh tả lại nội dung quyển sách rõ nhất để làm bìa sách – một phương pháp rất truyền thống. Nhưng chính vì vậy mà nhiều nhà xuất bản không bán được sách, trong đó có New Directions. Họ nhờ Alvin Lustig thiết kế lại bìa sách cho các tác phẩm văn học đương đại của mình. Chỉ sau một thời gian ngắn, lượng sách bán được đã gấp ba trước đó!

Bí quyết của Lustig? Ông đọc và hiểu một cuốn sách trước, sau đó ông dựa vào cảm nhận của mình để tạo ra những thiết kế đầy trừu tượng và màu sắc, kích thích sự tò mò của người đọc, cũng như góp phần thể hiện ý nghĩa tổng thể của cuốn sách đó.

Saul Bass: Chú tâm tới những thứ hay bị bỏ quên

Saul Bass.png

Saul Bass được nhiều người đánh giá là một trong những nhà thiết kế vĩ đại nhất trong lịch sử. Với ông, “thiết kế là hình tượng hóa suy nghĩ của mình”. Nhờ bộ óc sáng tạo và tinh tường, Bass đã thiết kế những thiết kế phân cảnh tiêu đề (title sequence) và áp phích phim bất hủ cho hơn 30 bộ phim, làm việc với vô số nhà làm phim và tập đoàn nổi tiếng, và thậm chí còn giành được giải Oscar vào năm 1969.

Saul Bass tác phẩm.png

Những áp phích phim của Saul Bass (Nguồn: Wikipedia)

Trước Saul Bass, các đoạn tiêu đề mở đầu phim bị coi là một phần thừa thãi, đến mức rạp phim chỉ kéo rèm lên sau khi chúng kết thúc. Khi The Man with the Golden Arm (1955) được ra mắt kèm đoạn mở đầu của Bass, họ lại kéo chúng lên hết trước khi phim còn bắt đầu.

Chuyện gì đã xảy ra vậy? Lần đầu tiên, một phân cảnh tiêu đề lại giúp tạo không khí và trở thành một phần của bộ phim. Thay vì tập trung vào diễn viên chính là Frank Sinatra, Bass lại để tâm tới những chi tiết nhỏ nhất của phim, cắt ghép chúng lại để cuối cùng tạo ra hình ảnh biểu tượng cho nội dung của bộ phim: một cánh tay bị biến dạng – cánh tay của một chàng trai trẻ đang chống lại sức quyến rũ của ma túy.

Milton Glaser: Am hiểu và tôn trọng lịch sử

milton glaser.png

Milton Glaser thường được ví là “ông tổ” của ngành thiết kế đồ họa hiện đại. Với phương châm thiết kế nổi tiếng “Một tác phẩm thiết kế sẽ tạo ra ba loại phản ứng – được, không được, và WOW! Wow chính là cái cần phải hướng tới”, ông đã để vô số tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc, cũng như một danh sách giải thưởng công nhận dài xuyên suốt sự nghiệp hàng chục năm. Trong đó nổi bật nhất chính là “logo được bắt chước nhiều nhất trong lịch sử” I ♥ NY và áp phích cho huyền thoại âm nhạc Mỹ Bob Dylan.

milton glaser tác phẩm.png

Các tác phẩm tiêu biểu của Milton Glaser (Nguồn: Wikipedia)

Đằng sau sức ảnh hưởng lớn của Milton Glaser chính là một sự am hiểu lịch sử hội họa tường tận. Năm 1951, sau khi tốt nghiệp tại trường nghệ thuật Cooper Union tại New York, ông theo học mỹ thuật tại Bologna, Ý, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Giorgio Morandi. Theo tạp chí Success, chính tại đây Glaser đã thay đổi góc nhìn về thiết kế hội họa. Ông học được cách tôn trọng lịch sử và lấy nguồn cảm hứng từ những trường phái cổ điển từ quá khứ, trong khi trường phái hội họa hiện đại đang lên ngôi. Cùng với cách sử dụng màu bắt mắt và ngôn ngữ hình ảnh phong phú, ông đã tạo ra một phong cách hội họa sống động, tinh nghịch đậm chất “Milton Glaser”.

Dù Glaser đã qua đời gần đây trong ngày sinh nhật thứ 91 của mình, nhưng những tác phẩm, triết lý và phong cách của ông chắc chắn sẽ còn là nguồn cảm hứng lâu dài cho các thế hệ nhà thiết kế trong tương lai.

Paula Scher – Có công mài sắt có ngày nên kim

Paula Scher.png

Paula Scher là một trong những “cây đại thụ” của nền thiết kế đồ họa và thương hiệu hiện nay. Hầu hết chúng ta đã quen thuộc hoặc bắt gặp những tác phẩm của bà trên toàn thế giới như logo của Windows 8, CNN hay ngân hàng Citibank.

Sự nghiệp của Scher bắt đầu từ những thiết kế bìa album nhạc cho CBS Records vào năm 1972. Năm 1991, bà gia nhập Pentagram và trở thành nữ trưởng thiết kế đầu tiên của agency thiết kế lớn nhất thế giới này. Tại đây, bà từng phát triển bộ nhận diện thương hiệu cho vô số tập đoàn lớn như Bloomberg, Microsoft, Citibank hay Coca-Cola, cũng cho như các nhà hát và bảo tàng lớn tại Mỹ. Thành tựu đưa bà lên một tầm cao mới là những tấm áp phích cực kì khiêu khích, ầm ĩ và trẻ trung dành cho Nhà hát thành phố New York vào năm 1994. Cách bà đưa font chữ thành trọng tâm thiết kế đã thay đổi toàn bộ cách quảng cáo của các rạp hát và bảo tàng bởi ai cũng muốn học tập theo để đến gần hơn với giới trẻ.

Paula Scher tác phẩm.jpg

Những tấm áp phích tiêu biểu của Paula Scher

Bí quyết thành công của Scher đơn giản nhưng rất thiết thực: Có công mài sắt có ngày nên kim. Scher tin rằng không có gì thay thế được sự chăm chỉ rèn luyện trong nhiều năm – có khi nhiều thập kỉ. Bà từng chia sẻ: “Chỉ mất vài giây để tôi vẽ, nhưng phải mất 34 năm để tôi học cách vẽ trong một vài giây”. Cùng với phương châm “cách người xem hiểu thiết kế mới là quan trọng nhất”, bà đã và đang truyền niềm cảm hứng cho các thế hệ nhà thiết kế triển vọng, trong khi vẫn thành công với Pentagram cho tới tận ngày nay.

Susan Kare: Bản chất của thiết kế không bao giờ thực sự thay đổi

Susan Kare.png

Nếu bạn đang đọc bài viết này trên bất kì loại máy thông minh nào, bạn đang nợ Susan Kare một lời cảm ơn. Nhà thiết kế người Mỹ là một trong những người đi tiên phong trong ngành thiết kế đồ họa điện tử nhờ những font chữ và biểu tượng máy tính “đi vào lòng người” của bà trên thế hệ Apple Macintosh đầu tiên. Những “máy tính cười”, “command”, “đĩa mềm” hay “thùng rác” đã góp phần thay đổi toàn bộ góc nhìn của đại chúng về máy tính, giúp thiết bị khó dùng này “nhân hóa” hơn bao giờ hết. Ảnh hưởng của chúng lớn tới mức phần lớn biểu tượng vẫn thường xuyên được cải tiến và xuất hiện trên mọi hệ điều hành hiện nay.

Susan Kare tác phẩm.jpg

Vài biểu tượng của Susan Kare trên dòng máy Machintosh (Nguồn: kare.com)

Trong buổi phỏng vấn với tạp chí Fast Company, bà kể lại quãng thời gian làm việc tại Apple và đưa ra kinh nghiệm quý báu dành cho các nhà thiết kế trẻ. Không có kinh nghiệm về lập trình máy tính nhưng lại có thị giác nhạy bén, Kare sớm nhận ra chế tạo các biểu tượng 8-bit tí hon không khác mấy việc tạo ra các tác phẩm mosaic (ghép khảm) và thêu dệt thủ công. Với Kare, tất cả các loại thiết kế chỉ là giải quyết một vấn đề trong một khoảng giới hạn nhất định – bản chất thiết kế đẹp không bao giờ thực sự thay đổi.

Bà chia sẻ: “Đằng sau một thiết kế đẹp không phải là phương tiện bạn đang dùng, mà trước khi bắt đầu hãy suy nghĩ kĩ về điều bạn muốn và cái bạn phải làm.”

David Carson: Tin vào bản thân & phá bỏ luật lệ

Carson.png

David Carson thực sự có lẽ là nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng nhất hiện nay. Nhà phát minh, người đi tiên phong, kẻ đột phá - đây chỉ là một vài từ mà vô số các tạp chí, tổ chức và chuyên gia uy tín trong ngành dùng để ca ngợi ông. Theo tạp chí Eye Magazine, David Carson đơn thuần là “nhà thiết kế đồ họa được Google nhiều nhất trong lịch sử”.

Carson nổi tiếng toàn cầu với phong cách “phá vỡ mọi quy luật” của ông. Trong một buổi phỏng vấn với tạp chí designboom, ông tóm gọn cách tiếp cận thiết kế của mình: thử nghiệm, trực giác và cá nhân. Carson tự coi mình là một người không được đào tạo bài bản bởi đến tận 26 tuổi ông mới có lần đầu tiếp xúc với thiết kế đồ họa. Không có bất kì bố cục, công thức hay quy tắc – Carson chỉ làm theo cảm giác cá nhân. Cái quan trọng bật nhất với ông chính là mặt cảm xúc các tác phẩm mang lại. Vậy nên, thiết kế của David Carson là độc nhất, không thể bị lầm nhẫn với bất kì ai trong lịch sử và đương đại.

Carson tác phẩmt.jpg

Các thiết kế của David Carson cho tạp chí Ray Gun (Nguồn: tạp chí UNDER PRESSURE)

Tác phẩm làm nên tên tuổi của David Carson là tạp chí Ray Gun, chuyên về các dòng nhạc alternative đương đại. Carson chia sẻ: “Ray Gun không có bản lề, công thức hay quy luật gì, âm nhạc và từng bài viết một mới tự quyết định toàn bộ hướng thiết kế và bố cục của riêng chúng”. Cách thiết kế chữ và những bố cục rất “quái” của ông vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho thế hệ nhà thiết kế ngày nay.

Hiện tại, David Carson tiếp tục tham gia nhiều dự án với các tập đoàn lớn và truyền cảm hứng thông qua những buổi nói chuyện toàn thế giới. Ông có vài lời khuyên rất “Carson” dành cho các thế hệ người làm nghệ thuật triển vọng: “Tin vào bản thân. Chỉ làm khi toàn tâm. Đặt bản thân mình vào trong tác phẩm. Biến nó thành của mình. Bật nhạc bạn thích trong lúc làm việc. Nếu tất cả bạn bè và gia đình đều thích tác phẩm của bạn, bạn vẫn đang thận trọng quá đấy!”

Tìm tòi và thử nghiệm, gợi ý mà không giải thích, phá vỡ luật lệ,…Đó đều là những kinh nghiệm “xương máu” mà các bậc thầy thiết kế đồ họa của thế giới đã đúc kết lại, và cũng là những điều bạn sẽ được học tại khoa Thiết kế Đồ họa của Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hanoi – nơi luôn đề cao việc phát triển ý tưởng và thực hành. Tất nhiên, đừng quên rằng: “có công mài sắt có ngày nên kim”. Hãy chăm chỉ rèn luyện kỹ năng và tư duy nhé, bởi thiết kế thực sự là một công việc nghiêm túc, không chỉ đơn thuần là “ngồi một chỗ vẽ vời” nữa!