Thiết kế nội thất - những hiểu lầm của sinh viên trước khi học
- tuan
- Ngày 01 tháng 3 năm 2021
Cùng xem, những cái “tưởng thế mà không phải thế” đó là gì nhé!
1 -Thiết kế nội thất chỉ là tạo ra không gian, sắp xếp đồ đạc
Trước khi vào trường, suy nghĩ của mình về thiết kế nội thất còn khá mơ hồ: đó là tạo ra một không gian và sắp xếp đồ nội thất cho hài hòa. Nhưng học rồi mới thấy thiết kế nội thất còn nhiều thứ khác nữa. Phải có một quá trình rất công phu nghiên cứu ngữ cảnh địa điểm, thời gian, khách hàng, yêu cầu không gian, công nghệ xây dựng,vật liệu, yêu cầu kinh phí, đối tượng người dùng (khác với khách hàng), yêu cầu thẩm mỹ, nghiên cứu các giải pháp hiện có, tổng hợp để ra được giải pháp cân bằng.
Sinh viên Thiết kế Nội thất & Kiến trúc LCDF-Hanoi đi tới các nhà máy để hiểu về quy trình sản xuất, chất liệu đồ nội thất.
2 -Giỏi 3D, vẽ AutoCad là có thể bắt đầu hành nghề thiết kế nội thất
Giờ thì mình nhận ra để có được một bản thiết kế tốt không thể chỉ dừng ở một hình minh họa lung linh hay bổ kỹ thuật tốt. Bởi dù giỏi mấy kỹ năng đó nhưng trong đầu không có ý tưởng, giải pháp hiệu quả thì bản vẽ đẹp cũng vô dụng. Sẽ còn một tá thứ bạn cần phải trang bị để hành nghề: từ việc học cách nghiên cứu đến phát triển ý tưởng, tìm ra giải pháp, cách đặt câu hỏi giao tiếp với khách hàng…
Căn studio với diện tích 30m2 được thiết kế bởi Carlos Estrada - sinh viên Năm 1 chuyên ngành Thiết kế Nội thất và Kiến trúc. Thiếu những công đoạn quan trọng như tìm hiểu nhu cầu, lên ý tưởng…Nhà thiết kế không thể tạo ra bản vẽ như thế này.
3 -Học 1- 2 năm là đủ dài để tích lũy kiến thức, tạo chất riêng để đi thiết kế
Lúc đầu mình nghĩ vậy, và sau vài học kỳ thì nhận ra rằng nếu chỉ có một style và áp dụng y sì cho tất cả dự án về sau sẽ rất nhàm chán, không thể nào đáp ứng được các đề bài khác nhau. Cái rất hay của chuyên ngành Thiết kế Nội thất & Kiến trúc LCDF-Hanoi là bọn mình được dạy cách tự học , tự phát triển nghiên cứu thêm cái mình hứng thú. Nhờ đó sau khi ra trường mình tự tin là có thể học tiếp phát triển tiếp, không bị gắn cố định vào số lượng kiến thức có hạn.
Sinh viên Thiết kế Nội thất và Kiến trúc nghiên cứu nguyên vật liệu tại doanh nghiệp
4 -Thiết kế nội thất chỉ là phần việc nhỏ, ít quan trọng trong xây dựng
Trước khi học ở đây, mình để ý nhiều kiến trúc sư thường kiêm luôn nghề thiết kế nội thất, nên tưởng đây chỉ là phần việc nhỏ, không quan trọng, thế là cảm thấy hơi lo lắng về nghề Thiết kế nội thất. Nhưng sau khi nghiên cứu nhiều nhà thiết kế nội thất ở nước ngoài và được cô giáo động viên, mình đã tự tin hơn rất nhiều vào lựa chọn này vì mình biết được rằng thiết kế không gian nội thất liên quan rất nhiều đến hành vi, cảm xúc, tâm thức của người dùng, những thứ cũng rất quan trọng đấy chứ!
5 -Phải vẽ đẹp mới làm được nghề Thiết kế nội thất
Chắc có rất nhiều bạn cũng từng nghĩ thế này giống mình. Sau khi đã học thiết kế, mình có thể kết luận rằng kỹ năng vẽ rất quan trọng, nhưng…vẽ đẹp thì không quan trọng. Vấn đề là vẽ thế nào để lôi được ý tưởng ra khỏi đầu mình thôi.
Vẽ cũng chỉ là một trong rất rất nhiều cách để truyền đạt được ý tưởng của Nhà thiết kế. Ngoài ra, vẫn có thể dùng mô hình, dùng từ ngữ, dùng bảng ý tưởng, dùng ảnh ghép có thể dưới dạng 3D hoặc được Photoshop.
Sinh viên LCDF-Hanoi rất được chú trọng vào tạo dựng mô hình để có cái hình dung bao quát về không gian.
Nhiều bạn (đặc biệt là các bạn muốn theo ngành nội thất) hay nghĩ là vẽ đẹp là coi như chắc chắn thiết kế tốt, nhưng thật ra thiết kế cả một không gian đòi hỏi rất nhiều bước, kĩ năng, các tính toán, các lựa chọn, và sản phẩm cuối cùng ra được không phải là một bức tranh đẹp, mà là một không gian được xây lên thật sự.
Nếu mục đích cuối cùng là vẽ một bức lung linh nhất, thì ngành mọi người nên theo đuổi thật sự là minh họa, nghệ thuật vẽ tranh. Thật ra trong quá trình học ban đầu mình cũng rất rất sợ vẽ, nhưng nhìn quy trình của người khác, những nhà thiết kế thực thụ đang hành nghề, với sản phẩm rất đẹp, hình vẽ của họ vẫn rất đơn giản đấy thôi, nhưng quan trọng là hiểu mình nó đóng vai trò gì trong quy trình thiết kế.
Là Nhà thiết kế – Kiến trúc sư nổi tiếng thế giới, Santiago Calatrava thường phác thảo không quá cầu kỳ nhưng các tác phẩm của ông thì luôn hoàn mỹ.
Tác phẩm Vẽ minh họa của Nguyễn Minh Hiền - Sinh viên chuyên ngành Thiết kế Nội thất và Kiến trúc LCDF - Hanoi