News from LCDF

Cận cảnh các Bộ sưu tập đặc sắc tại Tuần lễ thời trang tốt nghiệp

Ảnh bìa - tuần lễ tốt nghiệp thời trang UTOPIA - LCDF-Hanoi.jpg

Tuần lễ thời trang tốt nghiệp hằng năm luôn đánh dấu mốc quan trọng cho con đường phát triển sự nghiệp của các sinh viên chuyên ngành Thời trang Học viện Thiết kế & Thời trang London (LCDF – Hanoi). Với chủ đề “Utopia – Không tưởng”, các Nhà thiết kế trẻ năm nay mong muốn xây dựng một thế giới lí tưởng mới, trong đó họ sẽ là những người đấu tranh cho những bất công của xã hội hiện đại đầy biến động. Thời trang không chỉ là những món đồ xa xỉ và những sàn runway phù phiếm, mà là một loại hình nghệ thuật đầy nhân văn, phản ánh được hiện tượng xã hội, thân phận và khát vọng của con người.

Tuần lễ tốt nghiệp thời trang UTOPIA - LCDF-Hanoi.jpg

Các tác phẩm thiết kế thời trang của Tạ Thị Hương được lấy cảm hứng từ Hát Bội. Nhà thiết kế (NTK) dùng các kỹ thuật cắt ghép vải thủ công, và chất liệu vải tự nhiên, thân thiện với môi trường.

Tạ Thị Hương.jpg

Lựa chọn thể hiện một môn nghệ thuật truyền thống qua một cái nhìn đương đại mới mẻ, Tạ Thị Hương mong muốn hướng tới một tương lai nơi các giá trị nghệ thuật được gìn giữ và trân trọng.

Không có gì nguy hiểm của Hoàng Quang Duy mang tinh thần tự do, ưa mạo hiểm của những con người đam mê leo núi. Cấu trúc cứng cáp đến các tông màu đối lập ấn tượng và họa tiết in lấy cảm hứng từ ngọn núi Everest, tất cả đều mang đến một sức sống mạnh mẽ cho bộ sưu tập. Form dáng của các thiết kế chính là sự pha trộn của chiếc áo giáp, trang phục bảo hộ và trang phục thể thao ngoài trời

Qua những thiết kế của mình, Hoàng Quang Duy không chỉ nhấn mạnh vào chức năng và sự thoải mái của trang phục mà còn thể hiện một cái nhìn lạc quan về tương lai của thời trang bền vững qua chất liệu và kỹ thuật sử dụng.

BST 'Không có gì nguy hiểm' - 3 - Hoàng Quang Duy.jpg

Nguyễn Thị Phương Linh lấy cảm hứng từ thời trang cuối thập niên 90 nhưng với các khía cạnh mới mẻ về tình yêu và tuổi trẻ. Các thiết kế trong bộ sưu tập “Yêu” đều đi cùng những xu hướng và phom dáng đặc trưng của giai đoạn cuối thập niên 90 như áo khoác lửng, quần thụng, váy maxi, bộ suit quá khổ hay tay áo statement. Chất liệu được sử dụng cũng mang tới những hiệu ứng thị giác khác nhau, từ organza, nhung tuyết bóng bẩy đến da lộn trơn, lì.

BST 'Yêu' - Nguyễn Thị Phương Linh 2.png

Phạm Thảo Anh với Bộ sưu tập “Cao bồi” lấy ý tưởng từ trang phục hàng ngày của cao bồi miền Tây và thời trang đường phố hiện đại (streetwear). Nhà thiết kế trẻ đã kết hợp da và denim bởi tính bền vững của 2 loại chất liệu này, cùng với những cách xử lí chất liệu mới mẻ, họa tiết in độc đáo và các điểm nhấn phá cách. Phom dáng của các thiết kế cũng được phát triển từ những món đồ quen thuộc của dân cao bồi như yên ngựa, quần chap, v.v.

BST 'Cao bồi' - Phạm Thảo Anh.jpg

Bộ sưu tập thời trang của Nguyễn Thị Thủy Tiên là sự cảm thông và ngưỡng mộ mà Nhà thiết kế muốn dành cho những người phụ nữ mạnh mẽ xung quanh mình. Cuộc sống có thể trải qua nhiều thăng trầm, nhưng họ luôn mạnh mẽ, âm thầm vượt qua khó khăn và hướng về một tương lai hạnh phúc mà họ tin mình xứng đáng có.

BST 'Hồi ức kẻ nói dối' - 2 - Nguyễn Thị Thủy Tiên (2).png

Những chi tiết cắt xẻ táo bạo cùng những điểm nhấn làm từ chất liệu da mang tới cảm gai góc, dữ dội như những “trận chiến” trong cuộc sống mà người phụ nữ phải trải qua. Tông màu đen chủ đạo với nét chấm phá của sắc đỏ tạo cảm giác như những vết thương đang rỉ máu, nhưng cũng là sự nổi loạn, phản kháng lại những điều bất công đối với chính mình.

BST 'Hồi ức kẻ nói dối' - Nguyễn Thị Thủy Tiên.jpg

Đã từ rất lâu, chúng ta luôn khao khát khám phá một thế giới mới. Con người luôn nạp thêm kiến thức và sáng tạo ra những phát minh mới để tiến gần hơn đến tương lai mà họ dự đoán. Nhà thiết kế Trần Ngọc Hiền muốn kết hợp sự sáng chế ở hiện tại và tầm nhìn của quá khứ về tương lai để mang sự hoài niệm và hiện đại thành một với Bộ sưu tập “Future Past”. Bằng cách này mà quá khứ, hiện tại và tương lai có thể đứng chung một dòng chảy.

BST Future Past - Trần Ngọc Hiền.jpg

Bộ sưu tập “Tái sinh” (Reborn) của Đặng Sơn Linh lấy ý tưởng từ những đường nét cơ thể và những “khuyết điểm” khó được chấp nhận trong các tiêu chuẩn sắc đẹp. Nhà thiết kế mong muốn mọi người, nhất là những người trẻ, hãy tự tin với cơ thể của mình. Đừng vì những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hay những hình mẫu “hoàn hảo” trên mạng xã hội mà làm ảnh hưởng tới tình yêu và sự trân trọng mà ta dành cho chính bản thân mình.

BST 'Tái sinh' - Đặng Sơn Linh.png

Nhà thiết kế Nguyễn Thị Minh Thư với Bộ sưu tập “Rạp xiếc ánh trăng” lấy cảm hứng từ rạp xiếc nói không với xiếc thú, với việc giam cầm và hành hạ những con thú đằng sau cánh gà.

BST 'Rạp xiếc ánh trăng' - Nguyễn Thị Minh Thư.png

Với Bộ sưu tập “Chàm”, Mã Nguyệt Mai đưa khán giả về vương quốc Chăm Pa cổ đại với những nét văn hóa độc đáo gắn liền với lịch sử phát triển văn hóa và con người Việt Nam ngày nay.

BST Chàm - Mã Nguyệt Mai -2.png

“Những chiến binh ở Yoshiwara” của Đàm Tiến Cường lấy cảm hứng từ khu phố đèn đỏ Yoshiwara nổi tiếng với những cô kỹ nữ thời Edo tại Nhật Bản. Với bộ sưu tập này, Nhà thiết kế mong rằng phụ nữ trên thế giới trên đều xứng đáng có được cuộc sống bình đẳng và hạnh phúc.

BST 'Những chiến binh ở Yoshiwara'  - Đàm Tiến Cường.jpg

Đàm Tiến Cường & Quỳnh Anh Shyn.jpg

Quỳnh Anh Shyn diện đồ thiết kế thời trang của Đàm Tiến Cường tại Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2020

Bộ sưu tập “Recycled Personality” của Nhà thiết kế Thạch Thủy Tiên khép lại chủ đề của Tuần lễ Thời trang tốt nghiệp 2020, thể hiện cuộc đấu tranh giành lại công bằng và mong muốn được làm người lương thiện của những người bị coi là đáy xã hội. Các Nhà thiết kế trẻ của LCDF - Hanoi đã thành công dùng thời trang như một cách tuyên ngôn mới, và xứng đáng là những đại diện ưu tú cho một thế hệ trẻ hoạt động nghệ thuật có trách nhiệm với bản thân, và với cộng đồng.