News from LCDF

Bạn đã thực sự hiểu về Nghệ thuật và Thiết kế chưa?

100769207_6175979720677_6715466351260991488_n.jpg

Nghệ thuật và thiết kế là hai trong số những hình thức truyền thông bằng hình ảnh phổ biến nhất. Nhiều người hoạt động trong cộng đồng sáng tạo cũng nhiều khi tự hỏi: thiết kế có phải là nghệ thuật không? Để trả lời cho câu hỏi có phần “khó nhằn" này, các bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về Nghệ thuật và Thiết kế, để từ đó có thể có được câu trả lời cho riêng mình nhé!

Nghệ thuật là gì?

Nghệ thuật thường được định nghĩa là sự thể hiện và ứng dụng kỹ năng sáng tạo và trí tưởng tượng để tạo nên những tác phẩm. Có bảy loại hình nghệ thuật phổ biến, tuy nhiên, bài viết sẽ đề cập tới nghệ thuật thị giác sáng tạo (như hội họa, nhiếp ảnh hoặc điêu khắc) khi đặt lên bàn cân với thiết kế.

Ảnh 1.jpeg

Bức hoạ nổi tiếng Mona Lisa của Leonardo da Vinci

Mục đích chính của việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật là tạo ra thứ gì đó mà công chúng có thể đánh giá chủ yếu nhờ vẻ đẹp hoặc tác động cảm xúc tới những người chiêm ngưỡng tác phẩm đó; trong đó gửi gắm tầm nhìn, ý tưởng hoặc cảm xúc của chính tác giả. Việc đánh giá và giải thích nghệ thuật có thể mang tính chủ quan cao, và mỗi người có thể có cái nhìn khác nhau về nghệ thuật. Định nghĩa về nghệ thuật theo đó cũng trở nên vô cùng đa dạng.

Thiết kế là gì?

Thiết kế được định nghĩa là một kế hoạch hoặc đặc điểm kỹ thuật để tạo ra một đối tượng, hệ thống, hoạt động hoặc quy trình. Người dùng luôn là trung tâm của quá trình thiết kế. Các thiết kế sẽ tạo ra các giải pháp cho con người, hệ thống hoặc vật phẩm nào đó cho một mục đích cụ thể.

Thiết kế là một phần hiện hữu trong hầu hết mọi yếu tố trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta có thể bắt gặp các thiết kế trong rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực như thời trang, nội thất, quảng cáo,...

Ảnh 2.jpg

Thiết kế sẽ tập trung vào tính thực tế nhiều hơn là tính thẩm mỹ. Ngay cả với thiết kế thời trang hoặc nội thất ấn tượng, một sản phẩm thành công trước tiên vẫn phải thiết thực và tiện dụng. Không giống như nghệ thuật, các nhà thiết kế phải đặt nhu cầu của người dùng trước mong muốn của họ.

Các nhà thiết kế có thể thể hiện cảm xúc và ý tưởng thông qua thiết kế của họ, nhưng thể hiện bản thân không phải là mục tiêu chính của một thiết kế tốt. Kỹ năng nghệ thuật và sự sáng tạo của một nhà thiết kế vẫn rất cần thiết, nhưng việc tạo ra một vật phẩm, công cụ hoặc trải nghiệm thiết thực mới là ưu tiên hàng đầu trong thiết kế.

Điểm giống nhau giữa Nghệ thuật và Thiết kế là gì?

Quan điểm về nghệ thuật và thiết kế cùng mối liên hệ giữa hai khái niệm này vẫn luôn đem lại những ý kiến trái chiều, ngay cả từ vị trí những nhà sáng tạo. Dù ý kiến ​​có như nào, vẫn tồn tại những điểm tương đồng nhất định giữa nghệ thuật và thiết kế mà chúng ta không thể bỏ qua.

Thiết kế và nghệ thuật chia sẻ những nguyên tắc sáng tạo hình ảnh cơ bản giống nhau bao gồm hình dạng, màu sắc, đường nét, độ tương phản, sự cân bằng… Trong suốt sự nghiệp sáng tạo, cả nhà thiết kế và nghệ sĩ đều nghiên cứu các phương pháp nghệ thuật như vẽ, tô màu hoặc điêu khắc… để phát triển khả năng sáng tạo của mình. Không chỉ vậy, cả thiết kế và tác phẩm nghệ thuật đều có thể hấp dẫn về mặt thị giác và được coi như những tác phẩm trưng bày để mọi người chiêm ngưỡng.

Ảnh 3.png

Điều đặc biệt, thiết kế và tác phẩm nghệ thuật đều có thể được sử dụng để truyền tải một câu chuyện nào đó. Tuy nhiên, thể hiện cảm xúc và kể chuyện là mục đích chính của nghệ thuật, nhưng đối với các nhà thiết kế, kể chuyện chỉ là một công cụ giúp đạt được một mục tiêu cụ thể nào đó mà họ hướng tới.

Sự khác biệt giữa Nghệ thuật và Thiết kế là gì?

Bên cạnh những điểm tương đồng, giữa nghệ thuật và thiết kế cũng có nhiều điểm khác biệt.

Nhìn chung, một trong những điểm khác biệt chính giữa hai ngành này là thiết kế bị hạn chế nhiều hơn về mặt sáng tạo. Các nghệ sĩ thường có thể nhìn vào tác phẩm nghệ thuật của họ và xem nó như một hình thức thể hiện bản thân. Các nhà thiết kế không có quyền tự do thể hiện như vậy và bị giới hạn nhiều hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu của người dùng sản phẩm. Nói dễ hiểu: Thiết kế được tạo ra cho người khác; còn nghệ thuật được tạo ra cho chính người nghệ sĩ. Thiết kế luôn có mục đích rõ ràng, trong khi nghệ thuật có thể phục vụ bất kỳ mục đích nào mà nghệ sĩ chọn mà không cần phải quá cụ thể.

Ảnh 4.jpeg

Các nhà thiết kế luôn làm việc từ một bản tóm tắt với các yêu cầu chi tiết. Các nghệ sĩ có thể làm việc theo hoa hồng, nhưng họ thường có nhiều quyền tự do sáng tạo hơn. Thiết kế phải giải quyết vấn đề nào đó, trong khi nghệ thuật thiên về khơi gợi suy nghĩ và cảm xúc nhiều hơn. Các nhà thiết kế làm việc có phương pháp với quy trình dựa trên dữ liệu hoặc toán học để có tính hợp lý, trong khi các nghệ sĩ làm việc bằng trực giác bằng bản năng của họ, thiên nhiều hơn về khai mở nhận thức.

Mối quan hệ giữa nghệ thuật và thiết kế là gì?

Mối quan hệ giữa nghệ thuật và thiết kế rất gần gũi, với những ranh giới luôn thay đổi và thường bị xóa nhòa. Xuyên suốt lịch sử, nghệ thuật đã ảnh hưởng đến thiết kế, và đôi khi thiết kế cũng ảnh hưởng ngược lại đến nghệ thuật. Đặc biệt, nghệ thuật hiện đại và đương đại có thể liên kết chặt chẽ với các xu hướng thiết kế.

Các phong trào nghệ thuật hiện đại như Pop Art bị ảnh hưởng nặng nề bởi các nguyên tắc thiết kế như quảng cáo, xuất bản và thiết kế sản phẩm. Một số nghệ sĩ giỏi như Andy Warhol đã lấy thiết kế sản phẩm của những vật dụng hàng ngày như Campbell's Soup và in chúng trên vải để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Trong khi đó, Roy Lichtenstein lấy cảm hứng từ các nhà thiết kế truyện tranh và sử dụng kỹ thuật của họ để tạo ra những bức tranh mỹ thuật.

Ảnh 5.png

Tác phẩm thiết kế của Andy Warhol, lấy cảm hứng từ Campbell's Soup

Nghệ sĩ và nhà thiết kế tương tác thường xuyên, và thiết kế chắc chắn đóng vai trò trong việc tạo ra nhiều tác phẩm nghệ thuật. Các nghệ sĩ có thể sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật dựa trên các thiết kế hay những yếu tố của văn hóa thiết kế phổ biến và tái diễn giải chúng thành mỹ thuật. Người nghệ sĩ thậm chí còn có thể lấy cảm hứng từ các sản phẩm thương mại. Khi lằn ranh đang càng mờ nhạt, có thể hiểu lý do vì sao một số nhà thiết kế coi tác phẩm của họ là nghệ thuật.

Nghệ thuật và Thiết kế là hai khái niệm thật thú vị phải không nào? LCDF Hà Nội hy vọng đã có thể giúp cho các bạn đọc hiểu rõ thêm về hai khái niệm này, để từ đó có thể dễ dàng hơn trong việc lựa chọn con đường sự nghiệp mà các bạn muốn theo đuổi.

Tham khảo, lược dịch và biên tập bởi LCDF-Hà Nội.

Nguồn