“Cứ làm” để xóa mờ những điều “họ chưa tin” - Chia sẻ về hành trình một cựu sinh viên thiết kế đồ họa
- tuan
- Ngày 15 tháng 2 năm 2024
Lê Thái Phượng Nhi từng theo học ngành thiết kế đồ họa tại Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội. Nhi hiện đang hoạt động với vai trò Nhà thiết kế tự do (freelance designer) chuyên đảm nhận các dự án về thiết kế nhận diện thương hiệu (branding) đồng thời là sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và tuyên truyền chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện. Đi ngược lại dòng thời gian một chút, khi Phượng Nhi vẫn còn là một cô bé lớp chuyên sinh của Trường THPT Chu Văn An, ít ai có thể ngờ rằng sau cùng Phượng Nhi lại lựa chọn theo đuổi lĩnh vực Thiết kế đồ họa. Nếu Nhi và thiết kế sáng tạo không “gặp gỡ”, có lẽ hiện giờ chúng ta đang gặp Nhi ở một vai trò khác - một bác sĩ kế thừa truyền thống của gia đình chẳng hạn…
Nhưng dường như sẽ không có khả năng Nhi để cho chữ “nếu” đó xảy ra, vì ngay khi gặp Nhi, tôi đã thấy em rất hợp với những ngành liên quan đến Thiết kế sáng tạo. Ở Nhi có sự thú vị và tự do vừa đủ, có cả sự cân bằng giữa cảm xúc và lý trí mà không nhiều cá nhân sáng tạo thể hiện ra được. Có lẽ do Nhi vẫn mang trong mình tinh thần của một người học khối chuyên tự nhiên, hoặc cũng có thể là vì Nhi không đến với ngành Thiết kế đồ họa một cách vô tư và đương nhiên như nhiều bạn trẻ khác, mà phải trải qua một cuộc hành trình dài “làm và làm và làm”, để chứng minh và được thấu hiểu, để xóa mờ những điều mà “họ” còn chưa tin…
Lê Thái Phượng Nhi giới thiệu tác phẩm của mình mang tên Đỏ” tại Triển lãm tốt nghiệp Thiết kế đồ họa LCDF- Hanoi năm 2022.
“Họ chưa tin thì mình cứ làm thôi”
Cuộc phỏng vấn với Lê Thái Phượng Nhi bắt đầu khi em kể với tôi về khoảng thời gian còn học lớp chuyên Sinh tại Trường THPT Chu Văn An. Lúc đó em cảm thấy môn sinh học cũng rất thú vị (hẳn rồi, môn học nào cũng đều thú vị cả), nhưng nó lại không phải vùng đất có thể cho em sự tự do bay nhảy như em hằng mong muốn. Có một thứ gì đó thôi thúc em và khiến em đam mê nhiều hơn, sau đó Nhi tham gia vào một vài dự án thiện nguyện, câu lạc bộ âm nhạc, và các dự án nhỏ trong lớp - được đảm nhận phần hình ảnh, Nhi mới dần tìm được “thứ” đã thôi thúc mình là gì.
“Được thỏa sức đem những gì mình nghĩ, mình nói trở thành hình ảnh, lôi cuốn mọi người vào câu chuyện mình muốn kể, tất cả những điều đó đều khiến em cảm thấy hứng thú với công việc này ạ.” - Nhi chia sẻ.
Thời điểm đó, đối với gia đình Nhi, Thiết kế đồ họa vẫn còn là một ngành mới, nên thoạt đầu Nhi vẫn chưa nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ gia đình. Song trong suy nghĩ của cô gái trẻ, đó là “chưa” chứ chẳng phải “không”. Vì thế, Nhi bắt đầu hành trình chứng minh và thuyết phục gia đình, không phải bằng lời nói, mà là bằng hành động có thể nói rằng hơi… điên rồ và quá sức.
“Họ chưa tin thì mình cứ làm thôi.”
Chỉ với một suy nghĩ như thế, mà thay vì chỉ đăng ký theo học chuyên ngành Thiết kế đồ họa tại LCDF- Hanoi, Nhi học thêm cả chuyên ngành Truyền thông đa phương tiện tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Nhi vừa học, vừa khám phá, vừa thể hiện để gia đình thấy rằng mình có thể làm được.
Lê Thái Phượng Nhi cùng gia đình tại Triển lãm tốt nghiệp Thiết kế đồ họa LCDF Hanoi năm 2022.
Cân bằng giữa đam mê và thực tế
Theo học một trường Đại học đã khó, Nhi còn phải một lúc cân bằng việc học tại hai trường Đại học với khối lượng kiến thức và học phí không nhỏ. Nhưng có lẽ bằng quyết tâm và niềm đam mê bền bỉ đối với ngành thiết kế đồ họa, mà Nhi đã giành được học bổng lên tới hơn 60% tại LCDF- Hanoi. Những điều Nhi làm có thể đã truyền được rất nhiều cảm hứng cho các bạn trẻ mong muốn theo đuổi chuyên ngành này nhưng còn nhiều lo toan và trở ngại về cả điều kiện kinh tế lẫn tinh thần. Khi được hỏi về một số “bí quyết” giành được học bổng tại LCDF- Hanoi, Nhi chia sẻ:
“Trước hết là tác phẩm. Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm hiển thị trên máy tính mà còn cả các sản phẩm vật lý như vẽ tay, postcard (bưu thiếp), bao bì in ra thành phẩm,... để cho thấy tiềm năng và khả năng phát triển của mình nhiều nhất có thể.
Bên cạnh đó, việc chuẩn bị bài luận/phần phỏng vấn sao cho thật tốt cũng không kém phần quan trọng. Làm sao để bày tỏ niềm yêu thích, mong muốn và sự tâm huyết với ngành, tất cả những cái đó em nghĩ sẽ là một điểm cộng giúp mọi người ghi điểm để giành được một suất học bổng phù hợp với khả năng.”
Triển lãm “Đỏ” là dự án tốt nghiệp của Lê Thái Phượng Nhi với mong muốn đưa những bài nhạc cách mạng (nhạc đỏ) tới người xem (phần nhiều là các bạn trẻ gen Z), nhưng theo cách tiếp cận mới mẻ hơn, là nhìn - thay vì nghe.
Giữ “lửa” làm sao mới khó
Sau khi đã vượt qua những khó khăn ban đầu để theo đuổi ngành học mơ ước, trên chặng đường tiếp theo, thành bại ra sao phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta lựa chọn để “tồn tại” ở vùng đất này. Lê Thái Phượng Nhi đã trải qua quá trình học tập và làm nghề đủ lâu để có thể đưa ra một số lời khuyên cho các bạn trẻ vừa chớm bén duyên với ngành, song khi tôi đưa ra câu hỏi rằng Nhi có nhận định gì về cơ hội cũng như thách thức của ngành Thiết kế đồ họa trên thị trường, thay vì đưa ra những góc nhìn lớn lao hay kinh nghiệm từ việc quan sát các doanh nghiệp ứng phó với vô vàn bài toán vận hành,... Nhi xoay ngược vấn đề về bản thân. Đối với cô gái này, dường như mọi vấn đề đều phần nào đó bắt nguồn từ bản thân, và có thể được giải quyết khi ta chịu thấu hiểu và thỏa hiệp với chính bản thân mình.
Nhi cho rằng, “Cái khó ở đây là làm sao để giữ được “lửa” yêu thích trong sáng tạo, có khoảng nghỉ trong cuộc sống, nhưng cũng cần duy trì sự xuyên suốt, liên tục làm việc, học hỏi để không bị “rơi khỏi đường đua sáng tạo”. Đây là ngành mà em nghĩ có nhiều cơ hội nghề nghiệp, đặc biệt là trong thời đại công nghệ như hiện tại. Mặt khác, sự cạnh tranh trong ngành cũng khá mạnh, nếu mình không đủ giỏi, không thấu hiểu được mong muốn khách hàng và khiến nó nổi bật hơn những người, và thậm chí là các công cụ AI khác, mình khó mà tồn tại lâu dài được!”
Giữa thời đại mà mọi thứ vừa phát triển nhưng cũng tràn đầy thách thức và cạnh tranh, có một câu hỏi luôn xôn xao trong giới sáng tạo, rằng điều gì có thể khiến chúng ta “ưu việt” hơn trí tuệ nhân tạo đang dần xâm lấn vào những địa hạt sáng tạo khác nhau? Tôi cho rằng đó là “bản sắc” của mỗi người. Chúng ta sinh ra với những dáng vẻ khác biệt, hoàn cảnh khác biệt, trải nghiệm khác biệt, suy nghĩ khác biệt,... thật khó để một thứ như AI có thể hoàn toàn nắm bắt được những ý tưởng đang chảy trong ta - những thứ được bồi đắp nên từ mọi điều mà chỉ mình ta thấy, mình ta gặp, mình ta cảm nhận được. Bởi vậy, cách tốt nhất để không rơi khỏi đường đua sáng tạo, có lẽ nằm ở việc phải luôn làm mới chính mình.
Nói về chủ đề này, Lê Thái Phượng Nhi cũng chia sẻ góc nhìn về định hướng phát triển với ngành Thiết kế đồ họa trong bối cảnh cạnh tranh và thách thức đó:
“Em nghĩ rằng mình phải không ngừng học hỏi và trau dồi thôi ạ! Thiết kế đồ họa hay thiết kế nói chung, hoặc kể cả ngành sáng tạo cũng thế. Em nghĩ nếu có vốn sống dồi dào, kiến thức đa dạng phong phú về nhiều chủ đề khác nhau sẽ là một lợi thế. Vốn sống, kiến thức và cách tiếp cận của mỗi người là khác nhau. Đó sẽ là nguồn nguyên liệu giúp ý tưởng của mình có chỗ đứng riêng trong ngành. Cứ đi nhiều, học nhiều, hỏi thêm - em nghĩ cũng là một định hướng hợp lý ạ.”
Với Triển lãm “Đỏ”, Nhi tiến hành các nghiên cứu thứ cấp về hoàn cảnh sáng tác, bối cảnh thời gian, câu chuyện đằng sau bài hát, tác giả, các thiết kế Propaganda poster (Áp phích thiết kế cổ động) trong cùng thời kỳ, tham quan các triển lãm, bảo tàng lịch sử,... rồi sử dụng nguồn nguyên liệu đó để thiết kế “Lyrics poster” (Áp phích lời bài hát) cho những bài hát trong dự án.
>> Lắng nghe thêm những chia sẻ của Lê Thái Phượng Nhi về dự án Triển lãm “Đỏ” tại: https://www.instagram.com/p/CnROAWvphlN/
“Thế giới” mà bạn thuộc về…
Tôi cho rằng, có một cách đơn giản nhất để ta học hỏi và trau dồi liên tục, chính là sống trong một “thế giới” mà những người xung quanh cũng luôn học hỏi và trau dồi liên tục. Giống như Lê Thái Phượng Nhi, khi đến với LCDF- Hanoi, gặp gỡ những người bạn có chung niềm đam mê và tiếp xúc với giảng viên có vốn kiến thức phong phú, Nhi đã học hỏi được không ít.
“Việc theo học tại LCDF-Hanoi cho em nhiều nhất chính là mối quan hệ. Ở đây em gặp được những người anh chị đi trước, người bạn cùng lứa, người em khóa dưới,... Mỗi người đều có vốn sống và cách suy nghĩ rất khác nhau, mà với em là rất hay. Bên cạnh kiến thức chuyên ngành từ thầy cô, em học được khá nhiều từ “những người bạn học” này ạ.” - Nhi chia sẻ.
Kết thúc cuộc trò chuyện, tôi hỏi Nhi rằng nếu có thể đưa ra một lời khuyên cho các bạn trẻ có chung niềm đam mê như em, em sẽ nói điều gì? Nhi chỉ nói một câu rất đơn giản, rằng: “Cứ tin vào chính mình, thể hiện hết khả năng và chuẩn bị tâm thế, tìm hiểu thông tin thật kỹ càng!”
Tôi cảm thấy những điều Nhi có thể “khuyên” và truyền cảm hứng cho thế hệ kế cận đã nằm toàn bộ ở cuộc trò chuyện, bởi vậy khi kết thúc, chỉ cần một câu nói ngắn gọn cũng đủ để tổng kết lại mọi điều ta đã trao đổi cùng nhau. Tôi cũng cho rằng, mỗi cá nhân sáng tạo đều có những góc nhìn rất riêng về hướng phát triển và bức tranh toàn cảnh của ngành, một trong những điều chúng tôi có thể làm, và vẫn luôn làm, chính là cùng bạn khai phá nội lực bên trong, giúp bạn hiểu bản thân và cho bạn những không gian cũng như nguồn cảm hứng để phát triển không ngừng nghỉ. Thiết kế đồ họa, hay Thiết kế sáng tạo nói chung là những ngành nghề mới. Nhưng nếu bạn cứ tin vào chính mình và thể hiện hết khả năng, dám đam mê, dám khác biệt, thì đam mê ấy cũng sẽ hoàn trả lại bạn những thành quả xứng đáng, bởi suy cho cùng thì, “ai cũng phải bắt đầu từ đâu đó”...
Ngọc Anh