Sín Chải - Nguồn cảm hứng bất tận nơi núi rừng Tây Bắc
- tuan
- Ngày 06 tháng 1 năm 2024
Vừa qua, thầy và trò các chuyên ngành Thiết kế Thời trang, Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Nội thất và Kiến trúc tại Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội đã thực hiện chuyến đi dã ngoại tìm nguồn cảm hứng sáng tác tại bản Sín Chải, xã San Sả Hồ, Sapa, tỉnh Lào Cai. Chuyến đi đã đem lại một sự khởi đầu đầy xúc cảm nghệ thuật cho năm học mới và để lại những dấu ấn không thể nào quên.
Lào Cai đã chào đón các thầy trò trong đoàn với ánh nắng thuỷ tinh trong veo, bầu trời cao xanh vời vợi cùng những đám mây vương vấn như tấm lụa mềm mại khắp núi rừng. Tiết trời đầu xuân, hoa ban trắng tinh khôi, hoa đào cũng khoe sắc thắm hồng khắp nẻo đường. Dù đoàn đã phải di chuyển một quãng đường khá dài trên cả xe ô tô và “xe bộ", khung cảnh nên thơ tuyệt đẹp ấy dường như đã xua tan đi sự mệt mỏi của cuộc hành trình dài.
Thời tiết và khung cảnh nên thơ tại bản Sín Chải (Lào Cai)
Đón tiếp đoàn là chị Mai, một người bạn thân thiết của LCDF-Hanoi đã coi núi rừng Tây Bắc là ngôi nhà thứ hai của mình. Chị đã kết nối và giới thiệu cả đoàn đến với ngôi nhà của những người H’Mông giản dị và tháo vát tại mảnh đất này. Nhiều sinh viên đã tranh thủ phác thảo lại những ấn tượng của mình về văn hoá và con người tại đây cho những cơ hội áp dụng ý tưởng của mình sau này.
Những bức tranh phác thảo ghi lại những hình ảnh ấn tượng với sinh viên LCDF -Hanoi trong chuyến đi
Những người phụ nữ H'Mông chân chất và mến khách tại đây đã chia sẻ cho thầy trò LCDF- Hà Nội những kỹ thuật truyền thống được họ sử dụng trong sản phẩm may mặc và đồ dùng hàng ngày từ những nguyên liệu có sẵn đến từ tự nhiên. Đây là những kỹ thuật vô cùng có ý nghĩa đối với sinh viên ngành thiết kế, khi cái chúng ta hướng tới là những thiết kế vừa bền vững, thân thiện với môi trường, vừa giữ được những nét đặc sắc của văn hóa dân tộc.
Phụ nữ H’Mông là những người giữ nghề và truyền nghề cho các thế hệ mai sau
Cả đoàn bắt đầu trải nghiệm nhuộm vải theo cách của người H'Mông, với nguyên liệu chính là lá chàm và vôi bột. Cây chàm được đem rửa sạch, ngâm trong nước từ 3 ngày đến 1 tuần cho đến khi cây mục tạo thành loại nước sóng sánh màu xanh đen. Sau đó họ bỏ vôi bột vào khuấy kỹ để bột chàm và vôi lắng xuống đáy thùng tạo thành cao chàm. Để ra được màu chàm đậm, không dễ bạc màu, miếng vải sẽ được nhuộm nhiều lần. Chu trình nhuộm này có thể kéo dài đến hàng tháng trời. Thường thì người H’Mông sẽ nhuộm chàm vào những ngày nhiều nắng, và thật may mắn khi ngày LCDF-Hanoi đến với bản cũng là một ngày nắng ấm ngập tràn.
Sau khi được người dân địa phương hướng dẫn, các bạn sinh viên LCDF -Hanoi được trải nghiệm nhuộm vải theo phương pháp thủ công truyền thống tại đây
Không chỉ vậy, thầy trò LCDF-Hanoi còn được trải nghiệm nghệ thuật Batik của người dân H’Mông với việc vẽ sáp ong nóng chảy lên trên mặt vải. Sau đó, chính những tấm vải đã được vẽ bằng sáp ong này sẽ được nhuộm trong màu chàm và luộc cùng nước sôi. Sáp ong sau khi tan chảy trong nước sôi sẽ để lộ ra những phần hoa văn rực rỡ, tinh xảo và cầu kỳ. Để vẽ sáp ong lên vải phải dùng “bút vẽ” đặc biệt là một thanh tre nhỏ với ngòi bút là một lá đồng bé xíu hình tam giác được nẹp vào thanh tre. Ngòi bút càng mỏng hoa văn vẽ càng đẹp và dễ tạo hình. Khi vẽ, người vẽ luôn phải ngồi bên bếp lửa, chấm bút vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng, đưa tay kẻ những đường thẳng trên vải. Khi kẻ, phải giữ sao cho lượng sáp chảy đều, không loang lổ cho đến hết rồi mới chấm bút vào sáp tiếp nét vẽ để tạo nên những hoa văn đẹp nhất.
Sinh viên LCDF-Hanoi háo hức trải nghiệm vẽ sáp ong
Sau khi kết thúc hoạt động trải ngh-iệm, thời gian còn lại của chuyến đi là thời gian mà thầy cô và sinh viên LCDFHanoi thoải mái tự do nghiên cứu, tìm tòi thêm về văn hoá bản địa hoặc thăm thú, ghi lại những hình ảnh check-in cực chất cùng bạn bè và người dân địa phương.
Trong chuyến đi này, những tình bạn mới đã được xây đắp, thầy và trò cũng có nhiều thời gian để đưa mối quan hệ trở nên gần gũi và gắn bó hơn.
Dù là ảnh chụp, những thước phim hay tranh vẽ, những kỷ niệm và bài học của chuyến đi tìm nguồn cảm hứng này sẽ mãi được lưu giữ trong tâm trí của thầy trò LCDF Hà Nội.
Bức ảnh checkin với view cực chất ghi lại kỷ niệm vô cùng đáng nhớ đối với sinh viên LCDF-Hanoi
Khi được hỏi về cảm xúc sau chuyến đi, bạn Ines Bornert-Briot, sinh viên Pháp hiện đang tham gia chương trình trao đổi sinh viên tại LCDF-Hanoi chia sẻ: “Khung cảnh ở đó rất đẹp, các hoạt động trải nghiệm thật thú vị. Đây là lần đầu tiên mình được thử nhuộm vải và vẽ bằng sáp ong, mình thấy phương pháp thủ công truyền thống này của Việt Nam thật tuyệt vời! Ở Pháp chúng mình chưa thấy những phương pháp như này bao giờ, vì vậy đây chính là cơ hội thật tốt để học hỏi thêm về văn hoá truyền thống của nước bạn. Ngoài ra, qua chuyến đi này, mình đã lưu lại rất nhiều hình ảnh và video, mình cũng đã làm quen được rất nhiều bạn mới. Chuyến đi thật sự ý nghĩa với mình!”
Sinh viên trao đổi từ Pháp Ines Bornert-Briot (áo kẻ) rất hào hứng khi được trải nghiệm văn hóa Việt Nam và làm quen với những người bạn mới tại LCDF-Hanoi
Thầy Myles Cummings, giảng viên khoa Thiết kế Nội thất và Kiến trúc chia sẻ: “Đây là một chuyến đi tuyệt vời. Tôi đã lưu lại những ghi chép rất chi tiết về kỹ thuật Batik và tìm hiểu được thêm nhiều điều về văn hoá Việt Nam. Ở đất nước của tôi cũng có kỹ thuật nhuộm và vẽ thủ công, nhưng nó hoàn toàn khác với Batik".
Chuyến đi tìm nguồn cảm hứng của LCDF-Hanoi đến bản Sín Chải đã qua, nhưng những gì mà chuyến đi đem lại sẽ còn đọng lại mãi. Mong rằng với chuyến đi này, các bạn sinh viên sẽ có thể vận dụng những gì mình đã được tìm hiểu vào trong các tác phẩm thiết kế của mình. Thật mong chờ những chuyến đi tiếp theo và những trải nghiệm thú vị khác trong thời gian tới! Các bạn hãy theo dõi LCDF Hà Nội để có “cùng LCDF-Hanoi đi trên mọi nẻo đường văn hoá Việt Nam" nhé!