Văn hóa xưa trong vẻ đẹp hiện đại - “Thời trang kế thừa di sản” trong Bộ sưu tập của những Nhà thiết kế trẻ
- tuan
- Ngày 13 tháng 12 năm 2023
Với chủ đề “Intertwine” - “Giao Thoa”, Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2023 diễn ra trong vòng ba ngày (24/11 - 27/11) tại Bảo tàng Hà Nội nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023, là sự kiện đánh dấu mốc quan trọng kết thúc quá trình học tập của các sinh viên chuyên ngành Thời trang tại LCDF Hanoi. Tại đây, các Nhà thiết kế trẻ đã mang đến sàn catwalk âm hưởng giao thoa giữa những di sản văn hóa truyền thống với những tư duy thời trang trẻ trung, táo bạo song hành cùng thời đại.
Những đề tài “tuy cũ mà mới” về văn hóa Việt Nam hay hình hài người phụ nữ qua nhiều giai đoạn lịch sử, nay được nhìn ngắm và phân tích dưới nhiều góc độ. Sau cùng, các Nhà thiết kế trẻ biến chúng thành chất liệu “may dệt” nên những bộ sưu tập thời trang độc đáo, vừa cuốn hút ở vẻ ngoài thiết kế, lại vừa sâu sắc ở những ý tưởng truyền cảm hứng bên trong.
Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2023 với chủ đề “Intertwine” - “Giao Thoa” đã diễn ra thành công tại Bảo tàng Hà Nội.
Ấn tượng bởi hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện lên đầy mạnh mẽ và bền bỉ trong cuộc kháng chiến hào hùng của đất nước, Nhà thiết kế Trần Thị Cẩm Tú đã tạo nên Bộ sưu tập “Hồi ký của mẹ” với sự kết hợp hài hòa giữa những yếu tố hiện đại và xưa cũ. “Hồi ký của mẹ” được thiết kế dựa trên các vật dụng tiêu biểu giai đoạn này như khăn rằn, dép thủ công, áo giáp tái chế từ vỏ đạn,...
Bảng màu chủ đạo của Bộ sưu tập đến từ những màu sắc điển hình thời kỳ kháng chiến như: xanh olive, đỏ, vàng ánh kim, nâu, và trắng.
Cẩm Tú chọn chất liệu đũi, lụa - những loại vải thủ công truyền thống và thân thiện với môi trường nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về thời trang bền vững và trân trọng những giá trị lâu đời.
Nhà thiết kế Trần Thị Cẩm Tú dùng Bộ sưu tập “Hồi ký của mẹ” để tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam và gợi nhắc về cuộc kháng chiến hào hùng của đất nước.
Các thiết kế vừa mang nét cổ điển, vừa thể hiện được tinh thần hiện đại trong những chi tiết phô bày đường cong cơ thể người phụ nữ.
Nhắc đến hình ảnh người phụ nữ trong thời đại cũ, không thể không nhắc đến nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương với những áng thơ thể hiện tiếng nói táo bạo, phóng khoáng nhưng vẫn đầy nét mềm mỏng, nữ tính của người phụ nữ không chịu đi theo khuôn mẫu chuẩn mực. Cùng lấy cảm hứng từ đó, song hai Nhà thiết kế trẻ Hoàng Phương Thảo và Dương Minh Anh lại có những cách lý giải khác biệt.
Nhà thiết kế Hoàng Phương Thảo thổi hồn cho Bộ sưu tập mang tên “Hương” bằng cách khéo léo đưa vào thiết kế hình dáng của chữ Nôm bên cạnh các chi tiết áo yếm, quạt, nút thắt,... thường thấy trong trang phục phụ nữ Việt Nam thời xưa. Bộ sưu tập khai thác triệt để vẻ đẹp và đường cong trên cơ thể, nêu bật tinh thần trong thơ Hồ Xuân Hương là sự nữ tính, mạnh mẽ, táo bạo và không ngần ngại thể hiện tiếng nói của bản thân.
Nhà thiết kế Hoàng Phương Thảo dùng hình dáng chữ nôm “女” (nữ) tạo nên những điểm nhấn trên trang phục.
Bảng màu của Bộ sưu tập “Hồ Xuân Hương” bao gồm xanh olive, hồng, đen và những tông màu ấm.
Tinh thần xuyên suốt bộ sưu tập là sự nữ tính và mạnh mẽ, khai thác triệt để vẻ đẹp và đường cong trên cơ thể.
Cũng dựa trên tinh thần của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương, cũng mong muốn mang hình ảnh người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ và phóng khoáng lên sàn catwalk, song Nhà thiết kế Dương Minh Anh lại chọn một hướng đi táo bạo hơn, khi dùng thời trang để kể về khía cạnh tính dục và sự tự do của người phụ nữ.
“Đoan trang nhưng ở trong ngoặc kép” là câu chuyện mà Minh Anh muốn kể thông qua Bộ sưu tập “Đoan trang”. Tinh thần ấy được thể hiện một cách tinh tế bằng thời trang với những hình ảnh “hở mà không hở”, “không hở mà hở”, mang mong muốn phê phán những thách thức người phụ nữ phải đối mặt khi đi ngược lại cái gọi là chuẩn mực xã hội. Xuyên suốt Bộ sưu tập, hình ảnh người phụ nữ hiện lên với tất cả những gì trần tục nhất, song cũng đầy chân thực và tự do phóng khoáng.
Những chi tiết ẩn dụ về ngực được Nhà thiết kế Dương Minh Anh thể hiện tế nhị trong các thiết kế.
Màu sắc chủ đạo của bộ sưu tập là be, đen, trắng, trắng ngà, xám, xanh lơ
Nhiều kỹ thuật được nhà thiết kế sử dụng như: thêu, xếp lớp, cut out, xếp ly, gathering, nhuộm vải với thành phần tự nhiên, in và tạo hiệu ứng vết loang trên vải..
Chuyện “khoe khéo”, chuyện “ăn mặc hư hỏng” và nhiều chi tiết táo bạo khác xuất hiện xuyên suốt trong Bộ sưu tập của Nhà thiết kế Dương Minh Anh.
Bên cạnh những chất liệu văn học và lịch sử, tinh thần kế thừa và tiếp nối di sản văn hóa truyền thống của dân tộc còn được Nhà thiết kế Phạm Quang Thắng thể hiện trong khía cạnh về các làng nghề thủ công Việt Nam, với Bộ sưu tập “Tinh hoa nghệ thuật”. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công mỹ nghệ, Quang Thắng tự hào, song vẫn luôn mang trong mình những canh cánh khi chứng kiến nghề thủ công đang dần mai một theo dòng chảy của xã hội hiện thời.
Đứng trước bức tranh đó, nhà thiết kế trẻ lựa chọn sẽ trở thành người phát triển và nâng cao giá trị của nghề thủ công, nhưng thể hiện nó dưới một góc nhìn hiện đại và độc đáo hơn của thời trang. Bằng việc sáng tạo những thiết kế dành cho phái nữ, Nhà thiết kế Phạm Quang Thắng còn mong muốn khắc họa giá trị của người phụ nữ Việt Nam ở cả những khía cạnh của vẻ đẹp truyền thống, cả trong góc nhìn hoang dã, mạnh mẽ của hiện đại.
Xuyên suốt Bộ sưu tập “Tinh hoa nghệ thuật” là tông màu trầm tối, phản ánh hiện thực đa số các làng nghề truyền thống đang dần mai một.
Chất liệu Nhà thiết kế Phạm Quang Thắng sử dụng đều là vải tự nhiên như: vải Lãnh Mỹ A, lụa tơ tằm Vạn Phúc, đũi Nam Cao, vải lanh mài đá của người H’Mông, vải da dứa,... với kỹ thuật xử lý như dệt, điêu khắc, khảm trai.
Bên cạnh những thiết kế lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống như áo ngũ thân, tứ thân, áo yếm,... Nhà thiết kế còn lồng ghép phom dáng trang phục phương Tây để nhấn mạnh sự giao thoa giữa Đông và Tây, giữa truyền thống và hiện đại.
Những chi tiết điêu khắc gỗ thủ công trên trang phục do Phạm Quang Thắng tự tay thực hiện với mong muốn kế thừa và phát triển di sản văn hóa truyền thống của gia đình và dân tộc.
Mọi chi tiết điểm nhấn trong Bộ sưu tập “Tinh hoa nghệ thuật” như mấn đội đầu cách tân đều được làm thủ công.
Đứng trước dòng chảy của cuộc sống không ngừng nghỉ, giới trẻ có nhiều sự lựa chọn - hoặc kế thừa và phát huy di sản truyền thống, hoặc bước tiếp và nhìn ngắm tương lai rộng mở. Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2023 tự hào khi có thể mang đến một sân khấu cởi mở, nơi mà các Nhà thiết kế trẻ có cơ hội nhìn lại cội nguồn gốc rễ, qua đó, dùng ngôn ngữ thời trang để làm mới những giá trị cũ, để tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt, để kể với cộng đồng những câu chuyện nghệ thuật xưa và nay, bằng phương cách trẻ trung hơn, táo bạo hơn, và mới mẻ hơn.
Ngọc Anh