Những điều cần biết về nghề diễn họa 3D nội thất kiến trúc
- tuan
- Ngày 14 tháng 9 năm 2023
Diễn họa kiến trúc, nội thất (Interior Design Visualization) là quá trình thể hiện ý tưởng của nhà thiết từ bản vẽ kỹ thuật khô khan khó hiểu thành bản vẽ 2D, 3D (tĩnh và động) sinh động giống với ngoài đời thật.
Đây là khâu quan trọng trong thiết kế nội thất kiến trúc vì nó giúp khách hàng hiểu đúng ý tưởng thiết kế, nhanh chóng đồng ý, chốt phương án trước những bản diễn họa 3D sống động, thuyết phục.
Bản diễn họa nội thất của sinh viên Nguyễn Công Đăng Minh - ngành Thiết kế Nội thất & Kiến trúc LCDF-Hà Nội.
Một bản thiết kế không gian nội thất sáng tạo đậm chất tương lai (futuristic) của Trần Khánh Huyền - sinh viên ngành thiết kế Nội thất & Kiến trúc LCDF-Hanoi
Trong quy trình thiết kế nội thất, kiến trúc, vai trò quan trọng đầu tiên vẫn thuộc về nhà thiết kế - người đưa ra những ý tưởng, giải pháp, bố cục, màu sắc không gian. Tuy nhiên, không phải nhà thiết kế nào cũng đủ thời gian vừa lên ý tưởng, bản vẽ kỹ thuật, sau đó dựng diễn họa nội thất 2D, 3D chi tiết.
Đó là lý do nhà thiết kế luôn cần thêm sự hỗ trợ của người chuyên diễn họa nội thất kiến trúc. Đây có thể coi như một nghề riêng, vị trí cần có trong mọi công ty kiến trúc nội thất.
Thiết kế từ 2D (ảnh trên) đến 3D không gian một cửa hàng trưng bày kính của Minh Châu – sinh viên khoa Thiết kế Nội thất & Kiến trúc.
Sau khi đã có bản vẽ kỹ thuật từ nhà thiết kế, nhà diễn họa nội thất cần trải qua các bước sau để tạo nên một bản phối cảnh 3D hoàn thiện: Dựng hình (modeling) – xây dựng vật thể từ các khối cơ bản, sắp xếp bố cục giống với bản thiết kế; Vật liệu (Texturing) – chọn lựa vật liệu phù hợp, một công đoạn cần nhiều kiến thức, gu thẩm mỹ của nhà thiết kế; Ánh sáng (Lighting) – nhà thiết kế phải tính toán sự phản xạ của ánh sáng tác động lên các vật thể sao cho giống thật nhất; Rendering (kết xuất) – kiến tạo từ mô hình thành cảnh thật bằng phần mềm chuyên dụng; Hiệu chỉnh (Retouch) – những khâu chỉnh sửa bổ sung cuối cùng như thêm người, cảnh, chỉnh lại màu sắc, kích cỡ…
Nhà diễn họa nội thất 3D sau khi có bản vẽ kỹ thuật sẽ phải trải qua các bước: Modeling - Texturing - Lighting - Rendering - Retouch. (Ảnh: Đăng Minh)
Một nhà diễn họa nội thất kiến trúc sẽ cần sử dụng thành thạo ít nhất một vài trong các phần mềm kiến trúc chuyên dụng như: AutoCAD, 3Ds Max Design, Revit, Sketchup, Photoshop, Mental Ray và V-Ray… Cùng với đó, họ còn phải nắm vững nguyên lý thiết kế, cấu tạo kiến trúc, đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật, khả năng phân tích không gian, am hiểu bố cục, màu sắc đặc biệt là về vật liệu, ánh sáng – 2 yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên một bản diễn họa nội thất 3D trông giống ảnh thật nhất.
Diễn họa một trung tâm triển lãm các nghề truyền thống của Minh Châu lấy cảm hứng từ hình dáng hoa sen.
Theo trải nghiệm của Phan Anh Dũng – sinh viên Thiết kế nội thất & Kiến trúc LCDF Hà Nội – khó nhất khi diễn họa 3D nội thất kiến trúc là làm sao để phần vật liệu và ánh sáng được giống ngoài đời thực nhất: “Phải hiểu bản chất của vật liệu, tính chất của nó (cứng mềm, bắt sáng…), rồi cái vật liệu ấy tương tác với các vật liệu khác ra trong trong từng điều kiện ánh sáng (Ví dụ: mức độ phản chiếu, hấp thụ ánh sáng)”.
“Để làm tốt mảng ánh sáng, nhà diễn họa phải quan sát thật nhiều ngoài đời thực và đọc thêm sách, ngắm các cataloge nội thất. Về vật liệu, tiếc là hiện có khá ít sách nói về mảng này nên người chuyên diễn họa chủ yếu phải tự tìm tòi trải nghiệm thực tế” – Dũng chia sẻ.
Diễn họa không gian Yên Restaurant – nhà hàng phong cách thiền của sinh viên Dũng Phan và Thu Rain. Dự án này đã lọt top 10 các tác phẩm chiến thắng hạng mục Sinh viên của World Architecture Community Award 2023 mùa 43.
Bản diễn họa quán café của Phan Anh Dũng khi mới chỉ là sinh viên năm nhất ngày Thiết kế Nội thất & Kiến trúc tại LCDF-Hanoi
Nguyễn Công Đăng Minh hiện là sinh viên khoa Thiết kế Nội thất & Kiến Trúc LCDF Hà Nội, đã có kinh nghiệm hơn 1 năm đi làm tại một công ty kiến trúc uy tín cho biết: “Với mình, giai đoạn khó nhất khi dựng hình 3D là người làm phải hiểu nguyên lý dựng hình và quy trình thi công thực tế. Trong thiết kế nội thất, một mô hình 3D sử dụng được (chuẩn kích thước và có thể thi công) thì mới coi là một file mô hình 3D nội thất. Khi các bạn chưa có kiến thức về phương pháp thi công thực tế hay những kích thước cơ bản về các đồ nội thất thì quá trình thiết kế của các bạn sẽ gian nan hơn rất nhiều, nên là hay chú ý đến những chi tiết nhỏ và làm chỉnh chu trong từng khâu của quá trình”.
Nguyễn Công Đăng Minh hiện làm vị trí Thiết kế và phát triển concept kiến trúc kiêm Diễn họa kiến trúc và nội thất cho một công ty.
Diễn họa một tổ hợp fitness mang phong cách mạnh mẽ với tone màu xám chủ đạo của Nguyễn Công Đăng Minh.
Có một điều cần lưu ý rằng, dù tay nghề sử dụng phần mềm cao đến đâu, nhà diễn họa nội thất kiến trúc 3D vẫn phải luôn “tỉnh táo” để nhớ: có vẽ đẹp mấy mà thiết kế không thể thi công thực tế, không thể tìm mua vật liệu, thì cũng chỉ là tờ giấy.
Tại Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội, các sinh viên ngành Thiết kế Nội thất & Kiến trúc được trang bị đầy đủ các kỹ năng từ nghiên cứu cho đến thiết kế, lên bản vẽ kỹ thuật và diễn họa 2D, 3D, dựng mô hình hay hoàn thiện sản phẩm nội thất.
Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đảm nhiều nhiều vị trí trong lĩnh vực kiến trúc như: nhà thiết kế không gian nội thất, thiết kế đồ nội thất, trang trí nội thất, diễn họa nội thất 3D, giám sát thi công nội thất, tư vấn thiết kế…
Cùng ngắm các tác phẩm của sinh viên để hiểu thêm về quá trình đào tạo nhé: http://www.designstudies.vn/vi/showcase/3d-design-interior/
LCDF-Hanoi