Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2022 – Những bộ sưu tập thời trang mang hình hài cảm xúc
- tuan
- Ngày 02 tháng 10 năm 2022
Re: grow (Sống dậy) là một trong 3 nhóm chủ đề xoay quanh những trạng thái cảm xúc đặc biệt và các thiết kế lấy cảm hứng từ tương lai vừa được trình diễn tại Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2022 vừa qua.
Có thể lý giải vì sau một thời gian dài bị cô lập, giãn cách do đại dịch, các sinh viên thời trang có dịp hướng vào bên trong nhiều hơn, quan tâm tới cảm xúc của bản thân, suy ngẫm xa hơn cho tương lai.
Cùng ngắm những thiết kế thuộc nhóm chủ đề này.
Bộ sưu tập “Abyss” đến từ một trải nghiệm đặc biệt của nhà thiết kế Khương Thanh Hiền. Đó là trạng thái tâm trí lơ lửng khi nhà thiết kế thấy một “cái tôi” khác tách ra khỏi mình với hình hài vô định. Thiết kế được tạo nên bởi phương pháp “Substraction Cutting” cùng cách làm rập truyền thống tạo nên phom dáng táo bạo, bất đối xứng. Chất liệu chính gồm kaki và vải jersey. Các hình in trừu tượng, ẩn dụ được tạo ra qua việc ghi lại nhật ký giấc mơ hàng ngày của chính tác giả.
Bộ sưu tập “Chuyển động cuộc sống" của Nhà thiết kế Nguyễn Thị Dung bắt nguồn từ chuyển động cơ thể và chính những chuyển động tạo nên cuộc sống. Nhà thiết kế dùng kỹ thuật dập ly và xếp dúm xuyên suốt tạo nên phom dáng phồng, độ bồng bềnh cho sản phẩm. Vải được in màu ombre để trang phục có màu sắc ảo diệu, uyển chuyển.
Cảm hứng đằng sau bộ sưu tập “Mơ tỉnh” của Nhà thiết kế Lê Thị Hồng Ngọc là trường phái Pre-Raphaelite, một trường phái nghệ thuật bắt đầu vào giữa và kết thúc vào cuối thế kỉ 19. Thiết kế áp dụng các kỹ thuật xử lý chất liệu thủ công như smocking pleat kết hợp với chất liệu tái chế nhằm khắc hoạ chân thật những nét vẽ trong các tác phẩm thuộc trường phái này. Bảng màu chủ yếu là những tông màu tươi sáng thể hiện những cảm xúc tích cực, làm cho người xem cảm thấy như đang chìm đắm trong những giấc mơ.
Với bộ sưu tập “Nỗi đau", nhà thiết kế Ngô Ngọc Dương mong muốn góp tiếng nói đánh thức mọi người về vấn nạn bạo hành trẻ em. Ý tưởng là sự kết hợp giữa hai dòng cảm xúc, vừa tập trung khai thác vào những tổn thương trên cơ thể vừa hướng vào những thứ tươi đẹp, tích cực như ước mơ, khát vọng của trẻ em.
Bộ sưu tập “Sable" của Nhà thiết kế Nguyễn Hạ Lam thể hiện những cảm xúc đan xen của tác giả trong suốt 3 năm hoc theo đuổi thời trang. Trong khi những người xung quanh đầy các ý tưởng điên rồ, phá cách, nổi bật thì nhà thiết kế lại chọn hướng tối giản, thuần thiết và tinh tế. Thiết kế chủ yếu dùng các chất liệu vải tự nhiên thư thô đũi mang cảm giác phóng khoáng cùng những gam màu cơ bản lấy cảm hứng từ màu của cát như tone trắng, kem kết hợp tone trung tính gồm ghi, rêu.
Bộ sưu tập “Thiếu nữ u sầu” của Nhà thiết kế Trần Yến Chi thể hiện quá trình phát triển cảm xúc của người con gái khi yêu đơn phương. Màu sắc bộ sưu tập thể hiện những giai đoạn cảm xúc trong tình yêu và có độ tương phản cao: từ những gam màu hồng, đỏ đến đen, xanh với chi tiết được áp dụng kỹ thuật in 3D, đính kết và tạo nếp. Phom dáng các thiết kế mang tính cổ điển lấy cảm hứng từ trang phục thời kỳ Phục hưng và Victoria.
Nằm trong nhóm chủ đề Re:Grow còn là các bộ sưu tập cùng lấy ý tưởng từ tương lai. Các thiết kế thuộc nhóm này mang nhiều gam màu “vũ trụ”, ứng dụng công nghệ hiện đại và mang thông điệp dự báo tương lai của các nhà thiết kế trẻ.
Bộ sưu tập “Chinh phục bầu trời” của Nhà thiết kế Nguyễn Thanh Hiền kể lại câu chuyện về quá trình biến giấc mơ chinh phục bầu trời của con người thành hiện thực. Chất liệu chủ đạo là vải ánh kim, vải bắt sáng, phản quang kết hợp với khaki có độ bền cao và kỹ thuậtđóng ore, đính kim loại lên vải. Phom dáng của bộ sưu tập lấy từ những chi tiết cấu tạo của vỏ máy bay, phi thuyền, động cơ phản lực... Bảng màu lấy từ màu của nền trời, vũ trụ, những thiết bị bay và những vì sao từ ảnh chụp của NASA.
Bộ sưu tập “Lên mặt trăng" của nhà thiết kế Trịnh Hà Phương bắt nguồn từ cuộc chạy đua vào vũ trụ diễn ra trong thập niên 60 và cũng là sự kết hợp phong cách thời trang của Mod và Hippie - hai nhóm văn hoá tiêu biểu của thời kỳ này. Vẻ đẹp cổ điển của trang phục vest cùng với kỹ thuật in “color block” của văn hóa Hippies được kết hợp lại. Phần tay áo phồng và phom dáng cứng cáp lấy ý tưởng từ trang phục phi hành gia. Chất liệu chủ đạo trong bộ sưu tập là vải denim truyền thống, kaki, đặc biệt là chất liệu metallic nổi bật được xử lý kĩ.
Bộ sưu tập “Sự duy nhất” của Nhà thiết kế Nguyễn Thu Trang bắt nguồn từ cấu trúc của chuỗi xoắn kép DNA. Nhà thiết kế mong muốn bộ sưu tập sẽ nhắc nhở cho người mặc về sự khác biệt của bản thân họ. Các thiết kế dựa trên phom dáng cơ bản, tôn lên cơ thể của người phụ nữ bên cạnh những đường cắt táo bạo. Nhà thiết kế sử dụng nhiều loại dây với kỹ thuật đan móc để tạo ra những bề mặt chất liệu mới.
Bộ sưu tập Tượng kỳ ảo của Nhà thiết kế Trần Thị Cẩm Vân đến từ văn hóa Việt Nam thời trung cổ và phong cách tương lai. Cái tên Tượng Kỳ Ảo được ghép từ tên Tượng Kỳ (Cờ tướng) với hai chữ Kỳ ảo nhằm thể hiện sự kết hợp thú vị. Các loại vải gồm taffeta, linen, da, cotton, gấm, scuba, ..
Bộ sưu tập “Thế giới Z” của Nhà thiết kế Ngô Minh Anh mô phỏng một thế giới tương lai giả tưởng, xã hội chỉ tập trung vào phát triển công nghệ mà không quan tâm tới sức khỏe thể chất và đời sống tinh thần. Từ đó con người trở nên xa cách, vô cảm và dần trở thành những con robot. Các thiết kế mang những hình in trừu tượng, phom dáng mới lạ cùng những chi tiết cut-out độc đáo, đi kèm với đó là một bảng màu đa dạng.
Cùng ngắm trọn vẹn các bộ sưu tập tại Tuần thời trang tốt nghiệp 2022:
Các bộ sưu tập nhóm chủ đề Re:vive
Các bộ sưu tập nhóm chủ đề Re:new
LCDF-Hanoi