Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2022 – Nhà thiết kế Gen Z làm mới những giá trị cũ
- tuan
- Ngày 26 tháng 8 năm 2022
Với chủ đề chính "Tái sinh" nhằm thể hiện tầm nhín và tư duy của các nhà thiết kế. Gen Z sau đại dịch , các bộ sưu tập thời trang tại Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2022 được chia thành 3 nhóm chủ đề nhỏ, bao gồm: Re:Vive (Thức tỉnh), Re:Grow (Sống dậy) và Re:New (Đổi mới).
Các Bộ sưu tập trong nhóm chủ đề Re:Vive (Thức tỉnh) gồm những tác phẩm nói lên nhận thức mới mẻ của nhà thiết kế về các vấn đề của cộng đồng (chấp nhận mọi sự thật, công nhận sự đa dạng và tự do cho tất cả); về thiên nhiên (những điều con người có thể học hỏi khi quan sát thiên nhiên) và về thời trang xanh (những phương pháp thiết kế bền vững).
Dưới đây là hình ảnh các Bộ sưu tập từ nhóm chủ đề này:
Bộ sưu tập “B*tch Move” của nhà thiết kế Nguyễn Hoàng Dũng lấy ý tưởng từ bộ phim Mean Girls với thông điệp khuyến khích các cô gái tự tin nổi bật trong mọi hoàn cảnh.
Khi vẻ đẹp ngày càng được đề cao, xã hội cũng càng chạy theo những chuẩn mực hoàn hảo. Ngày càng nhiều người sẵn sàng chấp nhận đau đớn để đổi lại vẻ đẹp hoàn mỹ. Bộ sưu tập “Beautification” của nhà thiết kế Trần Việt Hằng đưa ra cái nhìn tích cực với xu hướng này.
Bộ sưu tập “Gagarin" (nhà thiết kế Nguyễn Thu Ngân) kể câu chuyện của một thế hệ sống đối diện với ngày tàn. Trong mắt nhà thiết kế, chiến tranh, bệnh tật, chủ nghĩa hậu tư bản và một thế hệ trẻ chán nản với thực tại là thế giới mà ta đang sống hiện nay. Tuy nhiên, sự thực ấy cũng giống như một lời kêu gọi để con người hiện tại và thế hệ tương lai cùng chống lại sự thờ ơ và tiến tới sự sống.
Bộ sưu tập “Humanoid” (nhà thiết kế Ngô Hồng Anh) nói về cuộc chiến đấu của những người trẻ thế hệ gen Z chống lại sự đánh mất nhân tính bên trong chính mình và mối quan hệ phức tạp giữa con người và công nghệ.
Bộ sưu tập “Tôi mặc lên hạnh phúc” (nhà thiết kế Nguyễn Hà Linh) được tạo ra với mong muốn khích lệ mọi người hãy kết nối lại với bản thể chân thực nhất của mình. Kỹ thuật xếp li, đan móc được sử dụng cùng với hoạ tiết in độc đáo là những tác phẩm vẽ tay mà Hà Linh đã thu thập từ mọi người xung quanh.
Bộ sưu tập “Thế giới ngầm" (nhà thiết kế Vũ Trần Ngọc Linh) được lấy cảm hứng từ thế giới tội phạm ngầm những năm 1920. Thiết kế mang tính ứng dụng cao, gồm các chi tiết lấy ý tưởng từ những sòng bạc, phong cách đặc trưng của thập niên 20 đan xen với những yếu tố hiện đại, hình in được thiết kế riêng.
Bộ sưu tập “Tương quan” (nhà thiết kế Nguyễn Thúy Quỳnh) thể hiện những mối quan hệ kết nối giữa con người, thiên nhiên. Thiết kế sử dụng chất liệu tự nhiên như bông, len và vải lanh để tạo cảm giác thoáng mát, thoải mái. Cùng với đó là kỹ thuật làm nhám và khâu tay thủ công.
Nằm trong nhóm chủ đề Re:Vive (Thức tỉnh), các bộ sưu tập thời trang còn mang chủ đề về thiên nhiên/nature:
Bộ sưu tập “Bloomelou” (nhà thiết kế Nguyễn Phượng Linh) lấy cảm hứng từ sự phát triển của sâu thành bướm, từ nụ thành hoa. Nó cũng mô phỏng quá trưởng thành của một nhà thiết kế thời trang: từ lo ngại, co lại tự bảo vệ đến tự phát minh.
Bộ sưu tập “Ký sinh trùng” (nhà thiết kế Nguyễn Thị Thùy Dung) lấy ý tưởng từ hình dạng và sự tương tác lẫn nhau giữa vật chủ và ký sinh trùng. Thiết kế là sự kết hợp phom dáng thời trang đường phố và dạ hội vớ kỹ thuật xử lý chất liệu 3D mới lạ. Chi tiết chần bông, đính hạt lấy ý tưởng từ hình thức sinh tồn của ký sinh trùng trên vật chủ. Kỹ thuật smocking và thêu tay giúp liên tưởng đến bề mặt của vật chủ được ký sinh, cụ thể là các loài thực vật.
“Mở mắt thấy thinh không” (nhà thiết kế Đào Ngọc Diệp) kể câu chuyện về những ý niệm trung lập lơ lửng để tạo nên một trạng thái bình thản, đưa tâm trí người xem tới giai đoạn cơ bản của chánh niệm. Phần lớn được truyền cảm hứng Phật giáo.
Bộ sưu tập “Nhộng" (nhà thiết kế Hoàng Thị Minh Hằng) lấy cảm hứng từ sự biến hóa của một con bướm. Nhà thiết kế muôn tôn vinh sức mạnh và vẻ đẹp của một con nhộng trong giai đoạn dễ bị tổn thương để tự hào tung cánh bay trong nắng, như một phép ẩn dụ về sự bứt phá khỏi mọi rào cản của thế hệ trẻ.
Các thiết kế của “Sâu bướm" (nhà thiết kế Bùi Thị Trang) mô phỏng quá trình một con sâu biến thành chú bướm xinh đẹp. Thông điệp ở đây là mỗi con người đôi khi cũng giống như một con sâu, cần phải không ngừng thay đổi, phát triển bản thân, phá bỏ cái kén vốn là những khuôn mẫu, sự thiếu tự tin để có thể hóa thân thành một phiên bản tốt hơn.
Lấy cảm hứng từ hình ảnh của bộ phim Annihilation, nói về sự hủy diệt và đột biến, bộ sưu tập “Deliquesce” (nhà thiết kế Trần Thái Anh) miêu tả cách con người và thiên nhiên hòa vào làm một, thông qua chất liệu chính là vải lưới. Thiết kế mang phong cách nhẹ nhàng, thanh lịch cùng với những gam màu chủ đạo mang đậm nét thiên nhiên thuần khiết.
Bộ sưu tập “Vỏ bọc" (nhà thiết kế Cao Hoàng Lâm) bắt nguồn từ quan niệm cho rằng thể xác chỉ là một cái ‘vỏ’ và cũng là gánh nặng cho tâm hồn. Nhiều người dưới áp lực của xã hội cũng đang phải sống trong những vỏ bọc, không được là chính mình. Denim tái chế và phao chần bông là chất liệu vải chính. Chi tiết corset cách điệu được lặp lại liên tiếp trong các thiết kế.
Các bộ sưu tập có chủ đề hành động vì thời trang bền vứng/Eco action cũng nằm trong nhóm chủ đề Thức tỉnh tại Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2022.
Bộ sưu tập “Thức” (nhà thiết kế Trương Ngọc Cát Tường) đề cao tinh thần luôn học hỏi, khám phá để phát triển của con người. Các thiết kế có phom dáng đường phố với chất liệu chính là nhựa sinh học cùng vải tái chế.
Bộ sưu tập “Anarchist” (nhà thiết kế Nguyễn Thiên Thảo) phản ánh cái nhìn của về ngành công nghiệp thời trang hiện tại. Nó không chỉ thải ra môi trường hàng tấn rác thải mà còn làm kiệt quệ sức sáng tạo của các nhà thiết kế. Phương pháp xé vải, rút sợi làm điểm đặc trưng của bộ sưu tập. Bằng kỹ thuật này, nhiều trang phục cũ hoàn toàn có thể được làm mới, tái sử dụng.
Bộ sưu tập “Zig zag" (nhà thiết kế Đào Thu Trang) lấy cảm hứng từ trang phục thường ngày của nam giới những năm 1940 ở London kết hợp với hình ảnh đặc trưng của đường phố Việt Nam như dây điện, mạng nhện, ô gạch zigzag…Thiết kế dùng vải denim tái chế với kỹ thuật khâu tay ghép nối hàng nghìn mảnh vải.
Bộ sưu tập “Lipetsk dấu yêu” (nhà thiết kế Phạm Trung Anh) có chất liệu chính là vải denim tái chế từ 30 chiếc quần jeans được gửi tới từ chính những người bạn du học Nga của bố. Trung Anh đã ứng dụng kỹ thuật xử lý bề mặt patching để tạo ra những giá trị thủ công và độc đáo riêng.
Bộ sưu tập “Hoài niệm” (nhà thiết kế Phạm Quỳnh Anh) mô tả về thời kỳ bao cấp ở Việt Nam, từ năm 1975 đến năm 1989, thời kỳ mà mọi hoạt động kinh tế đều được nhà nước bao cấp. Nhà thiết kế dùng vải tự nhiên, phương pháp nhuộm thủ công không độc hại và tận dụng vải thừa làm chi tiết trang trí.
Bộ sưu tập “Nỗi nhớ” là tất cả về tình yêu và sự ngưỡng mộ của Thanh Lam đối với bà ngoại của mình- một người phụ nữ dũng cảm và sẵn sàng hy sinh từng tham gia đoàn văn công Giải phóng. Chất liệu vải được nhuộm tự nhiên bằng kỹ thuật thân thiện với môi trường để nhấn mạnh tính bền vững. Nhà thiết kế cũng áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong ngành công nghiệp thời trang như phương pháp cắt laser.
Các bộ sưu tập thời trang của các Nhà thiết kế với 2 nhóm chủ đề tiếp theo như thế nào, hãy cùng đón xem những bài viết tiếp theo về Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2022 nhé!