Sinh viên LCDF-Hanoi tiên phong xu hướng thiết kế thời trang Metaverse
- tuan
- Ngày 14 tháng 7 năm 2022
Trần Quỳnh Nhi là cựu sinh viên ngành thời trang tại Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội, hiện đang là Nhà thiết kế Việt Nam đi đầu xu hướng thời trang metaverse fashion
Metaverse fashion – Thời trang cho thế giới ảo
Metaverse là một thuật ngữ mới bắt đầu nổi lên từ năm 2021. Đây có thể hiểu là một không gian ảo, con người tương tác với nhau dưới hình hài cụ thể (khá giống game nhập vai). Thời trang Metaverse (thời trang 3D) chính là thời trang ảo dùng cho thế giới ảo này.
Tuần thời trang metaverse thế giới vừa được tổ chức tháng 3 năm nay với các show diễn và những streetstyle trang phục 3D cũng ấn tượng chẳng kém gì đời thực.
Như vậy, có thể nói khái niệm này tuy mới nhưng thực chất thời trang metaverse (thời trang 3D) đã tồn tại khá lâu trong cuộc sống chúng ta dưới hình thức trang phục trong game. Giờ đây, metaverse fashion không chỉ được ứng dụng trong game mà còn cả các hoạt động online khác, các mẫu trang phục 3D cũng bắt đầu được bày bán tại nhiều nền tảng online.
Trần Quỳnh Nhi – Nhà thiết kế thời trang Việt Nam tiên phong theo đuổi metaverse fashion
Tại Việt Nam, khái niệm metaverse fashion cho đến hiện tại còn rất mới. Số ít nhà thiết kế đi đầu theo đuổi xu hướng này phải kể tới Nhà thiết kế thời trang Trần Quỳnh Nhi (cựu sinh viên LCDF- Hanoi) hay chuyên gia đồ họa 3D Huân Lei.
Nếu như Huân Lei từ đồ họa rẽ sang thời trang thì Quỳnh Nhi lại chủ đích theo đuổi thời trang 3D chuyên nghiệp với mong muốn tạo ra thời trang không rác thải. Nhà thiết kế này hiện là chủ thương hiệu 143Dress với các sản phẩm thời trang 3D được bày bán trên các trang quốc tế như DressX, Special-items…
Quỳnh Nhi cũng chính là quán quân cuộc thi thiết kế Việt Nam Nơi Tôi Sống 2018 và được trao học bổng tại LCDF Hà Nội.
Nhà thiết kế trẻ đặc biệt yêu thích các trang phục secondhand. Bộ sưu tập thời trang tốt nghiệp của Quỳnh Nhi cũng tái chế từ chính những món đồ si trong tủ.
Nhờ sự táo bạo theo đuổi lối đi riêng trong ngành thời trang, được coi như Nhà thiết kế Việt tiên phong trong xu hướng metaverse fashion, Quỳnh Nhi đã được mời chia sẻ trong talkshow chủ đề “Metaverse và NFT”, xuất hiện trên Lofficielvietnam, Style Republic, Chaubui.net…
Thời trang 3D cho phép nhà thiết kế được sáng tạo tự do hơn, phá vỡ những quy luật vật lý và không tạo ra rác thải. Những thiết kế thời trang 3D của Quỳnh Nhi thể hiện rất rõ sự “phá vỡ quy tắc” đó.
Quỳnh Nhi chia sẻ trên Lofficielvietnam về lý do theo đuổi thời trang số: “Khi còn là sinh viên, mình được học về thời trang bền vững và biết đuợc thời trang là một trong những ngành gây ô nhiễm môi trường nhất thế giới; mình không muốn trở thành một phần của hệ thống đó. Sau khi tốt nghiệp, đối diện với tương lai thời trang mịt mù, cũng như cách ly xã hội khiến cho sáng tạo bị hạn chế, Nhi đã làm bạn với laptop, mò mẫm các phần mềm 3D để tạo ra các tác phẩm thời trang kỹ thuật số đầu tiên.
Rồi từ từ, Nhi bắt đầu thấy 3D chính là công cụ hoàn hảo để giải quyết vấn nạn về môi trường mà thời trang gây ra, vượt qua những vấn đề như tính bản quyền thiết kế, đồng thời mở ra cánh cửa rộng lớn cho Nhi thoả sức sáng tạo. Cùng với khao khát đem đến sự thay đổi, Nhi đã quyết tâm thành lập lên thương hiệu thời trang kỹ thuật số mang tên 143Dress”.
Màu sắc rực rỡ, đối lập vốn là một trong những nét đặc trưng trong thiết kế của Quỳnh Nhi.
Một số mẫu trang phục của 143Dress bày bán trên DressX - nền tảng chuyên về thời trang 3D.
Mẫu thiết kế đầu tiên của 143Dress bán cho một vị khách nước ngoài.
Khác biệt khi theo đuổi nghề thiết kế thời trang 3D, Metaverse Fashion
Nhà thiết kế Quỳnh Nhi cho biết sự khác biệt lớn nhất của thời trang 3D là khâu sản xuất 100% trên máy tính: “Quá trình sản xuất thay vì ngồi cắt rập may vá thì ta làm tất cả trên phần mềm. Thời gian, vốn, công sức, nhân lực đều được giảm thiểu. Thư viện vải vóc, xử lý chất liệu, nguyên phụ liệu đều có sẵn hết. Khó khăn đôi khi nằm ở chỗ mạng internet chậm, máy hết dung lượng và đầu ra cho sản phẩm”.
Nhà thiết kế cựu sinh viên LCDF-Hanoi chỉ mất 15 phút để hoàn thành trang phục cho ca sĩ Bích Phương.
Quỳnh Nhi giải thích: “15 phút mình nhắc đến ở đây bao gồm quá trình ‘vẽ rập, may và làm chất liệu. Còn quá trình đầy đủ bao gồm lên idea, sketch, concept, hình in, render, đồng bộ váy-ảnh và đặc biệt là quá trình edit bưng lên đặt xuống sao cho ưng mắt cả team thì mất nguyên tuần. Mình đã làm 6 phiên bản váy trước khi có được sự đồng thuận. Bên cạnh đó, kiến thức và kĩ năng là điều không đếm được bằng thời gian và thời gian không hẳn quyết định được giá trị của tác phẩm. Nếu dồn nhiều tâm huyết và nghiên cứu cho tác phẩm kỹ càng thì thời gian gia tăng.
Như vậy, có thể thấy, dù là thiết kế thời trang vật lý hay thời trang 3D, để theo đuổi nghề này, Nhà thiết kế vẫn bắt buộc phải có kiến thức cơ bản về thiết kế sáng tạo, biết cách nghiên cứu, phát triển ý tưởng.
Vẽ phác thảo, hiểu về lịch sử thiết kế, chất liệu… là những kỹ năng cơ bản mà Nhà thiết kế thời trang phải có để thể hiện được ý tưởng trong đầu. Ảnh: portfolio của 1 cựu sinh viên LCDF Hà Nội.
Tại LCDF Hà Nội, phương pháp đào tạo kích thích sáng tạo và tư duy sự khác biệt đã giúp rất nhiều sinh viên tự tin chọn lối đi riêng trong thiết kế. Không chỉ Quỳnh Nhi tiên phong trong metaverse fashion mà còn cả Vũ Thảo Km19, Lê Ngọc Hà Thu - những nhà thiết kế đi đầu về thời trang bền vững hay Duy Hoàng – Nhà thiết kế thời trang với style đặc trưng được giới underground yêu thích….
Tìm hiểu thêm các ngành thời trang tại LCDF Hà Nội: http://www.designstudies.vn/vi/courses/undergraduate-courses/
LCDF