Học thiết kế đồ họa cho người mới bắt đầu – kinh nghiệm từ cựu sinh viên LCDF - Hanoi
- tuan
- Ngày 17 tháng 1 năm 2022
Nếu hỏi về những kiến thức cơ bản cần cho người mới học thiết kế đồ họa, không khó để tìm thấy câu trả lời như: Nguyên lý thị giác, (màu sắc, hình khối, bố cục…), dàn trang, typography (thiết kế đồ họa chữ), nhận diện thương hiệu, các phần mềm đồ họa v.v…
Những nguyên tắc cơ bản trong thiết kế đồ họa. (Ảnh: Workovereasy)
Tuy nhiên, nếu thắc mắc: “Học thiết kế đồ họa cho người mới bắt đầu, cần chuẩn bị tâm lý như thế nào, cách học ra sao, làm thế nào để có được công việc tốt…?” Những câu trả lời này chỉ có người trong cuộc mới giải đáp được. Cùng xem các nhà thiết kế đồ họa, cựu sinh viên LCDF-Hanoi mách nhỏ cho bạn điều gì nhé!
1 - Đừng sợ mình thiếu sáng tạo
“Sáng tạo là một bộ môn giải quyết vấn đề bằng hình ảnh và mình nghĩ đây là môn mình càng làm nhiều càng giỏi, càng thạo việc. Ai cũng có thể tiến bộ được vì sáng tạo cũng chỉ là một kĩ năng nếu thực hành đủ nhiều” – Xuân Anh – cựu sinh viên thiết kế đồ họa LCDF - Hanoi và hiện nay là Nhà thiết kế đồ họa làm việc tại Công ty quảng cáo Ogilvy Việt Nam chia sẻ.
Giảng viên LCDF- Hanoi luôn có rất nhiều cách, thậm chí là kỳ cục để sinh viên trải nghiệm cách sáng tạo mới như dùng máy photo và thử di tay để làm méo chữ, tạo ra các hiệu ứng đặc biệt từ đất, băng dính…
Trước câu hỏi “Làm gì khi bị deadline dí, bí sáng tạo?” hầu hết các nhà thiết kế đồ họa ở đây đều cho rằng nếu làm đúng quy trình thiết kế, chuyện tắc ý tưởng sẽ ít xảy đến bởi ý tưởng không từ trên trời rơi xuống mà được sinh ra từ quá trình nghiên cứu sâu, các phương pháp và công thức nên nếu deadline dí thì cứ công thức cũ mà áp dụng.
Mindmap về chủ đề sáng tạo của sinh viên thiết kế đồ họa LCDF- Hanoi Phạm Như Ngọc. Lập mindmap cũng là một cách để tạo nên ý tưởng.
Cụ thể hơn, Nhà thiết kế đồ họa Vũ Anh cho biết: “Nếu ý tưởng mãi chưa đến hãy bình tĩnh dọn dẹp các luồng suy nghĩ và quay về với các câu hỏi: ý tưởng bạn đang cần tìm nhằm giải quyết điều gì? Bạn mong muốn điều gì ở ý tưởng này…Lần lượt ghi ra những điều này để ‘gỡ rối trí, khắc hết bí’. Sau đó bước ra khỏi phòng làm hoạt động gì đó khác như trò chuyện để ‘Nạp lại tư duy, xì ra ý tưởng’.
Nhà thiết kế đồ họa Vũ Anh là người đã thiết kế ra bộ thước vẽ đa năng cho các bạn trẻ tha hồ tạo ra các hình vẽ sáng tạo dù ko có hoa tay.
2 - Tự tin vào sự khác biệt của bản thân, không sợ sai
“Nếu không sai, sao có ý tưởng xài” là một câu có thể giúp bạn tự tin hơn khi đưa ra những ý tưởng táo bạo, không sợ mắc lỗi. Từng đi làm nhiều năm trong ngành truyền thông, lớn tuổi hơn nhiều sinh viên cùng lớp, Nhà thiết kế đô họa Vũ Anh chia sẻ:
“Khi làm việc với những bạn trẻ hơn, mình luôn bất ngờ trước những ý tưởng và cách các bạn thể hiện bản thân. Có những thời điểm mình chợt suy nghĩ rằng bản thân không đủ thú vị. Nhưng thực ra mỗi người là độc bản, có bạn mạnh tư duy, bạn cảm quan tốt, bạn giỏi về phông chữ, bạn lại mạnh về các kĩ thuật… Chúng ta thường có xu hướng hứng thú với thứ mình không có hoặc không giỏi và ai trong các bạn cũng sẽ mong muốn mình có thể giỏi hết mọi thứ. Bạn hoàn toàn có thể thử kết hợp các kĩ thuật mình chưa giỏi với một điểm mạnh nào đó của bản thân để tạo ra sự đặc biệt. Quan trọng là bạn tin vào khả năng của mình”.
Thiết kế bìa sách, truyện cổ tích Việt Nam với nhiều phong cách khác nhau từ sinh viên khoa thiết kế Đồ họa LCDF- Hanoi
3 - Nên ghi lại toàn bộ quá trình sáng tạo
Đây là cách để chứng minh sản phẩm là của bạn, ý tưởng của bạn đến từ đâu, và lí giải cho mọi thứ bạn thực hiện.
Với những sinh viên có ý định du học thiết kế, việc ghi lại quá trình sáng tạo càng quan trọng vì những hình ảnh hậu trường là phần không thể thiếu trong các hồ sơ nghệ thuật (portfolio). Giáo sư Xavier Pick - nghệ sĩ minh họa Anh quốc nổi tiếng tiết lộ, đôi khi những hình ảnh về quá trình thiết kế mang lại rất nhiều thông tin cho hội đồng xét tuyển khi đánh giá năng lực, cách nghiên cứu, làm việc của sinh viên.
Các bước vẽ một chú vẹt của sinh viên LCDF Hà Nội. Nếu chỉ nhìn vào kết quả cuối (ảnh màu trên cùng bên trái), sẽ không có nhiều điều đáng nói, nhưng chính quá trình thực hiện đã tiết lộ cách làm rất sáng tạo của tác giả.
Nhà thiết kế đồ họa Hà An dành riêng một góc triển lãm để trưng bày hình ảnh quá trình thực hiện đồ án tốt nghiệp. Những bức ảnh cho thấy để ra được một cuốn sách, Nhà thiết kế đã phải vận dụng rất nhiều kỹ năng.
4 - Học cách quản lý thời gian
Riêng với các sinh viên tại LCDF-Hanoi , đây là kinh nghiệm quan trọng số một. Rất nhiều dự án thực tế, khối kiến thức tự học khồng lồ tại đây đã khiến deadline trở thành nỗi ám ảnh với sinh viên còn hơn cả deadline khi đi làm thực tế. Và đây là bí quyết để bạn sống sót:
- Cố gắng hoàn thành hết bài tập sau mỗi buổi học để không bài bài dồn vào chân tường.
- Viết note tất cả những việc cần làm và cần hoàn thành trong ngày hôm đó. Đồng thời note lại tất cả những lưu ý từ giáo viên trên lớp để không bị nhầm, bỏ lỡ.
- Lập kế hoạch chi tiết từ đầu kỳ để phân bổ thời gian cho từng môn học và chia rõ các giai đoạn của từng môn để hạn chế trượt lịch.
- Dù trong lúc khó khăn nhất cũng tin mình sẽ làm và vượt qua được hết, luôn nghĩ đến kết quả mà mình hướng đến chứ đừng nghĩ đến quá trình mà thêm phần khủng hoảng.
Quá trình thực hiện triển lãm tốt nghiệp thiết kế đồ họa của sinh viên LCDF- Hanoi.
Một khi đã nắm được kiến thức chuyên môn bài bản, trau dồi kỹ năng sáng tạo và có thêm những kinh nghiệm như ở trên, cơ hội để bạn thành công trong nghề thiết kế đồ họa sẽ càng thêm rộng mở. Rất nhiều sinh viên chuyên ngành Thiết kế Đồ họa LCDF-Hanoi hiện đang làm việc tại các công ty lớn, quốc tế với nhiều vị trí đa dạng như Nhà thiết kế UX/UI, họa sĩ minh họa, vẽ truyện tranh, giám đốc sáng tạo, thiết kế quảng cáo…
Hy vọng rằng những chia sẻ từ kinh nghiệm của cựu sinh viên thiết kế đồ họa LCDF-Hanoi giúp các bạn mới bắt đầu học thiết kế đồ họa có thêm động lực, có thêm thông tin chuẩn bị tinh thần vững vàng cho con đường thiết kế đồ họa đã chọn nhé!