Sinh viên du học Thiết kế Nội thất chia sẻ kinh nghiệm chọn ngành, chọn trường
- tuan
- Ngày 25 tháng 10 năm 2021
Tốt nghiệp chuyên ngành Thiết kế Nội thất và Kiến trúc tại Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội, Phương Liên và Đỗ Linh là 2 trong số những sinh viên đầu tiên du học tại University of Hertfordshire – trường đại học công lập hàng đầu Anh Quốc, cách thủ đô London gần 30km. Dưới đây là những chia sẻ của hai bạn về quá trình chọn trường và du học ngành Thiết kế Nội thất.
Đỗ Linh (trái) và Phương Liên hiện là chủ của studio thiết kế nội thất Wiggi.
- Hai bạn có thể chia sẻ về lý do quyết định du học ngành Thiết kế Nội thất?
Phương Liên: Mình thấy bản thân phải có bằng cử nhân BA để hành nghề ở bất cứ đâu (quy định của ngành). Kế hoạch du học mình đã có từ trước đó rất lâu.
Đỗ Linh: Từ ngày bé đi học tiểu học cho đến tận năm học đại học, mình từng bị thầy cô đánh giá thấp. Nhưng nó cũng khiến mình trở nên tích cực hơn và học tập không ngừng nghỉ. 2 năm học tại LCDF-Hanoi, mình đã phát triển hơn rất nhiều cả về mặt nhận thức lẫn kiến thức. Đó một phần là do có sự nhiệt huyết và tận tâm từ hai thầy đã trực tiếp giảng dạy tại khoa Thiết Kế Nội thất tại đây. Mình quyết định hoàn thiện nốt chương trình đại học ở Vương Quốc Anh vì biết bản thân cần hoàn thiện hơn để có khả năng giúp đỡ gia đình.
Thiết kế mô phỏng một phòng tập gym của Đỗ Linh.
- Theo hai bạn, nên tìm hiểu những yếu tố nào khi chọn trường du học?
Phương Liên: Hãy chọn đất nước là cái nôi của ngành bạn muốn học hoặc chỉ đơn giản là bạn cảm thấy hứng thú với ngôi trường đó do được bạn bè, thầy cô giới thiệu.
Sau đó khi đọc mô tả về khóa học, mình chọn ra 5 trường phù hợp nhất. Việc đọc kỹ nội dung khóa học rất quan trọng vì bạn có thể biết mình sẽ học được những gì ở khoa đó. Bởi cùng một khoa nhưng ở mỗi trường lại có một nội dung giảng dạy và các môn khác nhau.
Tiếp đến hãy cân nhắc học phí và sinh hoạt phí phù hợp với tài chính của gia đình không vì bạn cần phải chứng minh mình có thể chi trả được toàn bộ số tiền học, chi phí sinh hoạt trong suốt thời gian bạn học tập ở nước đó.
Hãy đi thật nhiều các hội thảo du học để biết nhiều hơn, tự tạo cơ hội cho mình.
Mức học bổng của các trường sẽ là yếu tố sau cùng, các mức học bổng ở các trường là khác nhau. Đừng vì mức học bổng ở trường này cao nhất mà chọn trường đó vì chúng ta cần phải cân nhắc và ưu tiên yếu tố đào tạo và giảng dạy.
Đỗ Linh: Những khía cạnh mình tìm hiểu lần lượt là: Học phí; sinh hoạt phí, xếp hạng về hướng dẫn và chất lượng nghiên cứu; Giảng viên; vị trí địa lý của trường (liên quan tới việc chọn nơi ở); trường có ký túc xá hay không; tỷ lệ tội phạm tại khu vực trường và nơi ở (liên quan tới sự an toàn); văn hóa và ngôn ngữ địa phương (liên quan tới việc hòa nhập); Mật độ dân cư và tình hình kinh tế nơi đó (liên quan tới việc làm).
Cách London khoảng 25 phút đi tàu điện, The University of Herfordshire là trường đại học lớn với sinh viên đến từ 90 quốc gia khác nhau trên thế giới.
- Nên chọn trường rồi mới chọn ngành hay ngược lại?
Phương Liên: Theo mình nên có ngành rồi chọn trường sẽ tiết kiệm thời gian hơn.
Đỗ Linh: Chương trình học và người trực tiếp hướng dẫn mình quan trọng hơn là trường hay ngành. Nếu có khả năng và thời gian hãy tìm hiểu thật kỹ các môn sẽ được học trong ngành (mỗi trường sẽ dạy khác nhau hoặc có tên gọi ngành khác nhau) và các giảng viên hướng dẫn trong khoa mình. Nếu chương trình học và giảng viên phù hợp với lối tư duy của mình thì hãy chọn, rồi sau đó sẽ lọc sau cho phù hợp với các tiêu chí khác.
- Vì sao hai bạn lại chọn University of Hertfordshire?
Đỗ Linh: Như các tiêu chí đề ra ở trên, thì đây thực sự là trường phù hợp với mình. Mặc dù chỉ đạt được 60% sự mong đợi về chất lượng khoá học và giảng viên, nhưng 90% cho trải nghiệm môi trường học, ký túc xá, và khu vực sinh sống. Trường có thư viện đồ sộ, đa dạng các loại sách tiện cho việc nghiên cứu và học tập; còn có cả tài khoản để học trực tuyến với thời hạn kéo dài 03 năm sau khi tốt nghiệp.
Hơn nữa, đặc thù của ngành cần di chuyển và tham quan rất nhiều địa điểm, tìm hiểu thực địa để làm đồ án nên cần phải nằm ở gần London - nơi có nhiều bảo tàng và kiến trúc vượt thời gian (nếu bạn nào muốn xin Visa đi tham quan các nước châu Âu cũng sẽ rất tiện nếu ở gần thủ đô).
Một góc thư viện của University of Herfordshire.
- Tại University of Herfordshire, cách học và kiến thức khác như thế nào so với tại LCDF-Hanoi?
Phương Liên: Điểm giống nhau là cùng ngôn ngữ giảng dạy tiếng Anh, cách học và quá trình học của môn.
Khác nhau ở chỗ kiến thức và các môn học khi du học sẽ ở Level Advanced vì chương trình chúng mình đăng ký là năm cuối. Tự học là chính, ngoài ra có các buổi Tutorial 1-1 online/offline của từng môn.
Đỗ Linh: Ở LCDF-Hanoi, sinh viên mỗi lớp ít, chỉ bằng 1/10 so với một lớp ở University of Herfordshire nên thời gian giáo viên dành cho từng sinh viên được nhiều hơn. Vậy nên các bạn sinh viên đang học tại LCDF-Hanoi nên thấy đó là một lợi ích cực kỳ lớn. Tuy nhiên,việc tự học ở ở University of Herfordshire lại được cung cấp nhiều trang thiết bị và kho thư viện sách khổng lồ nên lượng thông tin dành cho việc nghiên cứu và học tập sẽ đa dạng hơn.
Có một điều mà các bạn cần lưu ý là khi được giao nhiệm vụ viết bài tiểu luận ở Level 4 & 5, các bạn cần tìm hiểu tất cả mọi thứ liên quan đến luận văn vì nếu học năm cuối tại UK mà không tìm hiểu đầy đủ từ bậc học dưới thì đấy sẽ là một cực hình.
Những mô hình 3D do Phương Liên thực hiện khi còn học ở LCDF Hà Nội. 2 năm học trong môi trường quốc tế tại đây đã giúp Phương Liên và Đỗ Linh bớt nhiều bỡ ngỡ khi du học.
- Hai bạn còn từng đại diện khoa tham dự cuộc thi về Thiết kế tại Anh Quốc đúng không?
Đỗ Linh: Mình và Liên với 4 bạn cùng lớp nữa đại diện cho khoa tham dự cuộc thi BIID (British Institute of Interior Design) Student Design Challenge 2019 tổ chức tại showroom Herman Miller, London. Tuy không được giải nhưng đã được ban giám khảo khen ngợi và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm thực tế thú vị từ người cố vấn (mentor), bà Lori Pinkerton-Rolet.
- Một vài kinh nghiệm khi du học các bạn có thể chia sẻ lại?
Đỗ Linh: Xin chia sẻ vài cách tiết kiệm tiền mình đã đã sử dụng khi đi du học, lấy cảm hứng từ một cuốn sách cũ mua được tại Anh.
- Đầu tư một chiếc xe đẩy đi chợ bằng vải – tìm mua cũ (bánh xe cần phải tốt, khung xe không bị méo mó), đi xin của những anh chị du học sinh Việt Nam khoá trước, hoặc mua ở khu họp chợ (thấy nhiều người già bản địa dùng nhưng không hiểu vì sao, đến khi hỏng cái vali đầu tiên vì kéo lê trên đường quá nhiều mới nhận ra).
- Không nên mua ô, hãy mua 03 áo mưa trong suốt, một cái để mặc, một cái dự phòng và một cái để bọc cho cả xe đẩy đi chợ nữa.
- Luôn luôn mang theo 1 chiếc túi to để đựng đồ shopping , phòng khi bạn có dịp ghé ngang siêu thị/chợ để mua đồ ăn, v.v.
- Mua thực phẩm đông lạnh để tích trữ cho 2 tuần. (tiết kiệm thời gian để làm bài)