THIẾT KẾ ĐỒ HOẠ VÀ GÓC NHÌN NGƯỜI VIỆT TRẺ
- tuan
- Ngày 12 tháng 9 năm 2019
Thiết kế Đồ hoạ là một lĩnh vực truyền thông bằng hình ảnh. Tác phẩm đồ họa thành công không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà còn mang một nét dấu ấn cá nhân vô cùng sâu sắc được thể hiện bởi góc nhìn, quan điểm cá nhân và cá tính của tác giả. Hay nói cách khác, một tác phẩm thiết kế đồ hoạ chính là một phương tiện, một cách thức để biểu đạt nên “cái tôi” và bản ngã của một người thiết kế.
Với chủ đề “Văn hoá người Việt trẻ”, những tác phẩm cuối kỳ của các bạn sinh viên khoa Thiết kế Đồ hoạ - LCDF Hanoi đã phần nào nói lên cách nhìn, quan điểm và sự cảm nhận của những nhà thiết kế tương lai.
Tác phẩm “Đam mê” của Phạm Hà An
Cùng chủ đề về niềm đam mê nhưng góc nhìn của hai tác phẩm “Đằng sau sân khấu” của Vi Huyền Linh và “Đam mê” của Phạm Hà An lại rất khác nhau! “Đam mê” của Phạm Hà An đã dùng một góc nhìn trực diện, đầy thẳng thắn để lột tả nên những nỗ lực và khát khao vươn lên để được ghi nhận của những nghệ sĩ xăm hình. “Đăng sau sân khấu” của Vi Huyền Linh thì lại khác! Ngược lại với tông màu tối trầm của “Đam mê”, “Đằng sau sân khấu” lại được thể hiện bằng những sắc màu tương phản sáng tối rất rõ nét: ánh sáng hào quang lộng lẫy trên sân khấu và những khoảng tối lặng lẽ đầy miệt mài trên những sàn tập. Qua đó Vi Huyền Linh muốn nói lên những góc khuất, những khó khăn hay đơn giản hơn chính là những vết chai trên đôi chân, những giọt mồ hôi rơi xuống sàn tập của những vũ công ballet.
Đam mê dưới góc nhìn mạo hiểm và phóng khoáng như “Dù lượn” của Vân Anh cũng cho những trải nghiệm đầy mới mẻ. Chọn một đam mê, một nét văn hoá rất mới của giới trẻ là “Dù lượn”, Vân Anh khắc hoạ nên đời sống đầy sinh động của những người trẻ đam mê bộ môn mạo hiểm này. Với gam màu thể thao đặc trưng: vàng, xanh lam và xanh lá, tác phẩm đã toát lên được phần nào sự mạnh mẽ, can đảm và niềm đam mê vượt lên trên sự sợ hãi của “những kẻ chinh phục bầu trời”!
Tác phẩm “Dù lượn” của Vân Anh
Không chỉ có những góc nhìn sâu lắng về đam mê, những góc nhìn thực tế về đời sống đương đại của người trẻ cũng gây ấn tượng không kém. Chọn chủ đề về “Sống ảo”, Vũ Việt Anh đã phần nào lột tả được một khía cạnh rất đời sống của giới trẻ ngày nay. Khi các mạng xã hội cá nhân ngày một phát triển, những “màng lọc” ảo diệu ngày càng được giới trẻ ưa thích để thể hiện nên cuộc sống cá nhân của mình. Thế nhưng khi lạm dụng quá nhiều đến mức sa đà, những người trẻ sẽ mắc kẹt, không thể thoát ra khỏi “lớp vỏ” do chính họ tạo ra, không thực sự hiểu được bản thân và luôn lo lắng những gì người khác nghĩ về mình. Ý tưởng đầy táo bạo khi sử dụng những lớp nilon ngột ngạt của Vũ Việt Anh đã tạo nên một ấn tượng thị giác và hiệu quả truyền thông rất thuyết phục.
Tác phẩm “Sống ảo” của Vũ Việt Anh
Cũng với chủ đề đời sống đương đại, Phương Mai lại chọn một góc nhìn có phần lạc quan, dí dỏm hơn với “Chủ nghĩa tiêu dùng”! Nhìn tác phẩm đầy màu sắc bắt mắt của Phương Mai, ắt hẳn người xem sẽ bắt gặp đâu đấy hình ảnh của chính mình. Bởi mua sắm giờ đây đã trở thành một phần trong văn hóa người trẻ và những món đồ hiệu đắt tiền, cuộc sống sang chảnh đã dần trở thành thước đo cho hạnh phúc. Thế nhưng liệu vật chất có thực sự bù đắp được những khoảng trống trong tâm hồn hay chỉ là một “liều thuốc giảm đau” tạm thời? Sử dụng cách truyền đạt vô cùng nhẹ nhàng, vui tươi nhưng vấn đề mà “Chủ nghĩa tiêu dùng” của Phương Mai đặt ra đã khiến cho mỗi người đều có những câu trả lời cho riêng mình.
Tác phẩm “Chủ nghĩa tiêu dùng” của Phương Mai
Một tác phẩm cũng tràn đầy màu sắc khác là “Video game ảnh hưởng như thế nào đến giới trẻ” của Hoàng Đạo Minh Nhật. Với một chủ đề không quá mới mẻ nhưng Minh Nhật đã lựa chọn cách thể hiện rất sáng tạo. Trò chơi điện tử là một phương pháp giải trí hấp dẫn sau những giờ học và làm việc căng thẳng. Tuy nhiên, tính bạo lực trong một số trò có thể tác động lên tính cách các bạn trẻ và việc dành quá nhiều thời gian chơi game sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc và học tập. Với những hình vẽ màu sắc tươi sáng cùng hình ảnh những trò chơi rất đỗi thân quen, thông điệp của tác phẩm được gửi đi thật nhẹ nhàng: “Người trẻ cần hiểu rằng trò chơi điện tử có hai mặt tốt xấu và làm thế nào để cân bằng chính là điều quan trọng nhất”.
Bên cạnh những tác phẩm kể trên, còn có những tác phẩm khác đề cập đến những nỗi lo, những băn khoản của người trẻ như “Giấc mơ và sự kỳ vọng” của Thanh Thư. Sự kỳ vọng xuất phát từ tình yêu thương của bố mẹ đôi lúc lại trở thành sự áp đặt. Và cứ thế, kỳ vọng mong mỏi ấy đã khiến các bạn trẻ đã tự tạo nên những áp lực vô hình và chật vật giữa việc sống vì ước mơ, đam mê của bản thân hay sống vì gia đình. Với gam màu nhẹ nhàng, những nét vẽ mộc mạc man mác, Thanh Thư đã mang đến một chút lo lắng, một chút bối rối rất đỗi “đời thường” trong thanh xuân của những người trẻ.
Tác phẩm “Ước mơ và sự kỳ vọng” của Thanh Thư
Tất cả những sáng tạo, những quan điểm, những cảm nhận về “Văn hoá người Việt trẻ” trong các tác phẩm đã được thể hiện dưới sự góc nhìn của đồ hoạ, của tác giả và đem đến cho người xem bao suy tư, trải nghiệm thật khó quên.
LCDF - Hanoi