VIỆT NAM NƠI TÔI SỐNG 2019 - AI SẼ LÀ QUÁN QUÂN MÙA THỨ 4?
Vòng chung kết cuộc thi tìm kiếm tài năng thiết kế trẻ cuộc thi "Việt Nam – Nơi tôi sống" đang tiến hành lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất để vinh danh tại Triển lãm và trao giải mùa thứ 4. Mời bạn hãy cùng chiêm ngưỡng Top 10 để cùng dự đoán xem, ai sẽ giành được vòng nguyệt quế năm nay nhé!
Khác với những mùa trước, các tác phẩm năm nay chất lượng tốt không chỉ nằm trong cách thể hiện mỗi tác phẩm mà còn sự sáng tạo của các thí sinh các chất liệu thể hiện tác phẩm khác nhau. Mỗi bài thi có một điểm mạnh riêng khiến cho việc lựa chọn các bài tiêu biểu nhất trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Sau vòng phỏng vấn Top 20, các thí sinh đã thể hiện hết mình với Ban giám khảo, chia sẻ về đề tài, ý tưởng, những khó khăn và thú vị khi thực hiện tác phẩm dự thi.
Trần Hoàng Quân (1997) với tác phẩm Đồng Nai.
Tác phẩm "Đồng Nai" thể hiện thiên đường của các loại trái cây nhiệt đới, đặc biệt là sầu riêng. Mùi vị đặc trưng của sầu riêng có thể là "khó yêu" đối với nhiều người nhưng đây là mùi nhớ nhung của những người con Đồng Nai và là linh hồn của mảnh đất màu mỡ này.
Tác giả Trần Hoàng Quân chia sẻ thêm: "Tôi rất thích nghệ thuật vẽ minh họa và cuộc thi đã mang tới một cơ hội tuyệt vời để tôi thể hiện tình yêu quê hương bằng nghệ thuật."
Hoàng Phương Thảo (1991) với tác phẩm Bản sắc Đắk Lắk, lấy ý tưởng từ một chuyến du lịch tới vùng đất cao nguyên đầy nắng gió. Cô gái trẻ Hà Nội yêu ngay những cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, kiến trúc của vùng đất đỏ bazan. Là người yêu truyền thống, thích truyền thông, tác giả chọn chất liệu giấy góp để gửi gắm tính dân tộc và giá trị thuần Việt. Bảng chữ cái được sáng tạo dựa trên những họa tiết, kiến trúc và vẻ đẹp của thiên nhiên, con người Tây Nguyên.
Vương Diệu Linh (1999) với tác phẩm Hà Nội
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Diệu Linh nhận thấy, mỗi người có cảm nhận riêng. Có người nghĩ tới Hà Nội về một thủ đô sầm uất, tấp nập, có người nghĩ về khung cảnh yên tĩnh vắng vẻ đầy duyên dáng của Hà Nội xưa. Dù là gì, ai cũng đều nhớ đến Hà Nội với sự tự hào và yêu thương. Riêng tác giả nhớ về Hà Nội như một con sóng chất chứa tình thương, và cả những đau thương trong quá khứ. Trước khi đến với những ngày nắng, Hà Nội đã phải trải qua bao ngày mưa.
Và để có được Hà Nội như ngày hôm nay, chính là nhờ công ơn của thế hệ đi trước. Nên Diệu Linh đã lấy cảm hứng tạo nên tác phẩm từ những người - đại diện cho người dân, người lính, bà mẹ, người chị... đã giúp cho Hà Nội có độc lập, tự do, họ hy sinh vì Hà Nội. Bên cạnh đó, hình ảnh những em bé là đại diện cho thế hệ sau, kế thừa những gì đã có và tiếp tục phát triển, xây dựng Hà Nội mới.
Nguyễn Như Bình (2002) với tác phẩm Sài Gòn
Bằng cách sử dụng màu sắc khá độc đáo và uyển chuyển, tác giả đã vẽ nên cái tên Sài Gòn từ những biểu vật quen thuộc như cánh chim, cột cờ, chợ... Bạn có nhận ra?
Hoa của Sài Gòn được tưới bằng lệ, Vinh quang của Sài Gòn được tưới bằng những hạt mầm của thời gian. Nét đẹp rồng vàng được tạo nên từ cả một hành trình dài đầy màu sắc, có màu sắc, có con người, có lao động, có cả những hương sắc từ thiên nhiên.
Nguyễn Đăng Tùng (1996) với tác phẩm Hải Phòng
Thiết kế của Nguyễn Đăng Tùng lấy cảm hứng từ những bức tranh cổ động với hình ảnh những đoàn thuyền khổng lồ đang tiến ra biển, những tòa nhà cao tầng đồ sộ.. Màu sắc chủ đạo được sử dụng là sắc đỏ - biểu tượng Hải Phòng - "Thành phố hoa phượng đỏ"
Võ Thị Minh Châu (2000) với tác phẩm Sài Gòn.
Với tông màu trắng đen chủ đạo vẫn không làm mất đi vẻ lộng lẫy xa hoa mà trái lại mang một vẻ đẹp bí ẩn. Vẻ đẹp cổ kính đi từ những giá trị bình dị đến hiện đại. Thay lời mời gọi bạn bè trong nước và quốc tế đến với Sài Gòn, lê la những con đường, góc phố với tách cà phê đá khám phá từng nét đẹp rất riêng mang đậm chất Sài Gòn xưa và nay. " Cả thành phố gói gọn trong một chiếc xích lô" - hình ảnh quá đỗi quen thuộc với người dân Sài Thành trong những năm 50, 60 của thế kỉ trước giờ đã bị thay thế bằng các phương tiện hiện đại nhưng thấp thoáng đâu đó vẫn còn.
Chiếc xích lô được tái hiện như một lời nhắn nhủ quý trọng những nét đẹp văn hóa và hành trình đi lên của một thành phố hiện đại.
Nguyễn Nhật Anh (1997) với tác phẩm Hà Nội
Thiết kế thể hiện những nét đặc trưng cũng như những điều tác giả yêu quý về Hà Nội (Hanoi's) như là gánh hàng rong, tháp Rùa, trà đá vỉa hè,... Đồng thời, để thể hiện Hà Nội là một thành phố có sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống, Nhật Anh đã dùng những họa tiết từ Mỹ thuật An Nam xưa như sóng, mây và đặc biệt là họa tiết hồi văn chũ vạn được làm nổi bật bằng ánh kim để làm điểm nhấn cho thiết kế. Nét hiện đại được thể hiện thông qua biểu tượng #hashtag được cách điệu để tăng tính đồ họa và hòa hợp với họa tiết hồi văn bên trong.
Nét hiện đại bao quanh nét cổ kính nhằm thể hiện dù Hà Nội có chuyển mình, thay đổi từng ngày thì những giá trị truyền thống vẫn luôn quý như vàng ngọc.
Nguyễn Ngọc Trâm Anh (2002) với tác phẩm "Nghe An - listen and feel".
Thiết kế lấy cảm hứng từ con đường Hồ Tùng Mậu (Tp.Vinh) về đêm - con đường gắn liền với tuổi thơ tác giả. Và đó chính là biểu tượng của Nghệ An: lung linh, tươi đẹp, không ngột ngạt. Những ánh đèn đường, đèn led tỏa sáng trong đêm như một rừng hoa mơ mộng. Đôi chút tiếng xe cộ, tiếng còi inh ỏi. Những câu nói đậm chất chữ tình vang bên tai. Mỗi lần đi trên con đường này, dường như cái đẹp mộng mơ của nó đã khiến mọi mệt mỏi trong lòng tan biến đi. "Có lẽ, chính điều đó đã thôi thúc tôi vẽ nên "Nghe An - listen and feel".
Trương Tường Vi (2002) với tác phẩm Bến Tre quê tôi - Nơi xanh ngát một màu xanh của dừa. Tác giả của quê hương Đồng Khởi xúc động bởi vẻ đẹp tâm hồn của những con người chân chất, thật thà và hình ảnh người con gái Bến Tre hiện lên với mái tóc dài thướt tha, duyên dáng dưới bóng dừa. Những giai điệu đờn ca tài tử những câu vọng cổ đậm chất tình quê. Hay khu du lịch Làng Bè nổi tiếng cùng với những chuyến ghe tấp nập dừa. Tất cả điều đó làm nên một Bến Tre rất khác, thật tươi đẹp nhưng cũng thật đơn giản và bình dị. "Đó là Bến Tre - nơi tôi sống."
Trần Quang Khải (1994) với tác phẩm Việt Nam - Nơi tôi sống, lấy cảm hứng từ nghệ thuật kiến trúc điển hình từ 3 thành phố đặc trưng của Bắc, Trung, Nam để giới thiệu về sự đa dạng trong nghệ thuật nước nhà. Nét trẻ trung, hiện đại của Sài Gòn, sự cổ kính, uy nghi của Hà Nội, hay sự tươi mới của Đà Nẵng, đã làm cho một Việt Nam ngày càng đa dạng, đa sắc màu.
Tác giả đã xử lý kỹ thuật một cách độc đáo ( đốt giấy báo) để sáng tạo phần nền mang vẻ hoài cổ, làm nổi bật những góc cạnh quê hương Việt Nam.
Trong lúc chờ đợi những tác giả xuất sắc nhất, hãy theo dõi cuộc thi tại đây http://www.designstudies.vn/vi/events/competitions/vietnam-where-i-live/ để đăng kí tham dự Triển lãm và lễ trao giải Việt Nam - Nơi tôi sống 2019 và nhiều hoạt động thú vị đang chờ các bạn nhé!
LCDF