Tại sao phải học Truyền thông và Marketing thời trang?
- hang
- Ngày 21 tháng 5 năm 2018
Ngày nay, thiết kế ra một bộ sản phẩm thời trang đẹp thôi là không đủ, bên cạnh đó, nhà thiết kế phải biết cách làm hài lòng và thu hút khách hàng tiềm năng. Và, đó là lúc các chiến dịch Marketing & truyền thông thời trang ra đời. Truyền thông và Marketing thời trang là gì?
Nhiều người cho rằng truyền thông và marketing là một, có mục đích tương đối giống nhau nhưng trên thực tế, mục đích của chúng là hoàn toàn khác nhau. Hiểu một cách đơn giản, mục đích của Marketing là để tăng doanh thu, tăng lợi nhuận và để định vị thương hiệu thì mục đích của Truyền thông chủ yếu là để thương hiệu được nhiều người biết tới và tạo ra nhu cầu cho khách hàng. Với mức thu nhập và tiêu dùng của người dân tăng nhanh như hiện nay, hàng trăm thương hiệu quốc tế đã nhanh chóng đổ bộ vào Việt Nam và chiếm thị phần 60% trong thị trường thời trang (theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan).
Khi rò rỉ thông tin Zara về Việt Nam, giới trẻ và đặc biệt là các tín đồ thời trang đã háo hức và điên cuồng mua sắm trong ngày Opening đầu tiên tại Hồ Chí Minh
Chỉ trong chưa đầy 3 tháng, Zara, H&M, Pull&Bear,... - những thương hiệu quần áo bình dân đình đám đã chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội. Theo Vnexpress, sau một năm khai trương ở phía Nam, doanh thu của Zara Việt Nam đã nằm trong top 5 cửa hàng bán tốt nhất toàn cầu của hãng và đó là lúc hãng bắt đầu kế hoạch “Bắc tiến”. Điều này đã khiến các thương hiệu Việt phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Có lẽ vì thế mà các doanh nghiệp trong nước đã phải tung ra liên tiếp các chiến dịch Marketing truyền thông thời trang để khắc phục thực trạng này.
Vai trò của Truyền thông và Marketing đối với thương hiệu: Các doanh nghiệp lớn, nhỏ đều phải xoay sở để tìm ra chỗ đứng cho mình. Mặc dù, sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, đặc biệt là Facebook và Instagram – nơi khởi đầu của rất nhiều nhà thiết kế trẻ, việc tự xây dựng thương hiệu đã dễ dàng hơn rất nhiều nhưng bện cạnh đó, họ lại phải đối mặt với cả các nhãn hiệu thế giới. Sự cạnh tranh này khiến các thương hiệu phải buộc nghĩ ra các chiến dịch Marketing & Truyền thông thật hiệu quả để tạo dựng hình ảnh mà họ muốn trong mắt khách hàng, cũng như nắm bắt được tâm lí người tiêu dùng.
Ra mắt BST Xuân/Hè 2018, Calvin Klein đã tung một loạt hình ảnh của đại gia đình Kim trong chiến dịch quảng cáo OUR FAMILY thể hiện sự kết nối giữa các thế hệ.
Càng ngày người mua hàng càng thông minh hơn trong việc nhìn nhận những sản phẩm được quảng bá của các doanh nghiệp. Việc thương hiệu quảng cáo những lợi ích của sản phẩm thôi là chưa đủ mà nhãn hàng cần xây dựng được mối quan hệ với khách hàng và cố gắng phát triển mối quan hệ ấy. Nhiều khi người tiêu dùng mua hàng không chỉ vì sản phẩm đẹp hay có gì đặc biệt mà chỉ đơn giản là do nó thuộc thương hiệu gì.
Các chiến dịch Marketing/Quảng cáo liên tiếp của Biti’s Hunter đã lấy lại cho hãng phong độ của một thương hiệu giày tại Việt Nam.
Biti’s Hunter đã tung ngay một mẫu giày giới hạn sau sự thành công của U23 và phải nói rằng, họ đã nắm bắt rất tốt tâm lí của người tiêu dùng.
Vì thế, điều khó khăn nhất chính là hiểu khách hàng, để họ tin tưởng và trở thành khách hàng trung thành. Và điều này lại phụ thuộc phần lớn vào cách truyền thông của doanh nghiệp như thế nào trên thị trường để trở nên khác biệt. Truyền thông là cách doanh nghiệp đưa thông điệp, hình ảnh của thương hiệu đến với công chúng trước hết là với mục đích nhận diện thương hiệu và cuối cùng là để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng. Có thể nói, hình ảnh mà bạn hình dung ra khi nghĩ về một nhãn hàng nào đó chính là những gì mà họ đã truyền tải thông điệp tới bạn. Chẳng hạn khi nhắc tới Burberry chúng ta sẽ đều nghĩ tới chiếc áo Trench Coat huyền thoại hay nghe tới tên Tom Ford có lẽ hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu các chị em sẽ là những thỏi son màu vàng đắt giá,…
Chiếc áo trench coat còn được rất nhiều sao nhí nổi tiếng diện trước công chúng như Romeo Beckham.
Thỏi son “vàng” đắt giá đã làm chao đảo bao nhiêu chị em phụ nữ cho tới tận bây giờ.
Không phải tự dưng những từ ngữ hay hình ảnh về một thương hiệu đột nhiên có sẵn trong nhận thức của bạn mà đó là cả một quá trình bạn tiếp nhận những hoạt động truyền thông của họ. Vì thế, sự thành công của một thương hiệu không thể thiếu giai đoạn truyền thông và marketing. Những ai nên học Truyền thông và Marketing thời trang?
Bất cứ ai yêu thích thời trang và có ý làm trong lĩnh vực về thời trang đều nên có kiến thức về Truyền thông và Marketing.
Thực tế, các nhà truyền thông và Marketing thời trang Việt Nam hiện nay đều không qua trường lớp bài bản mà họ thường sẽ làm trái ngành. Chính vì thế, các nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên và đi tìm những ứng viên không chỉ tài năng mà còn có kiến thức chuyên sâu, bài bản về lĩnh vực này.
Học Truyền thông và Marketing thời trang, bạn sẽ làm được rất nhiều mảng trong ngành công nghiệp thời trang chứ không chỉ đơn thuần về Marketing như nhà Tư vấn thời trang, Điều phối thời trang, Báo chí thời trang hay nhà mua thời trang,... Thế nhưng, các chuyên ngành đào tạo về mảng thời trang chưa thực sự mở rộng và chuyên sâu mặc cho ngành công nghiệp thời trang đang cần nguồn nhân lực rất lớn.
Bạn có thể tham khảo thêm về chương trình đào tạo Truyền thông và Marketing thời trang tại Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hanoi:
http://www.designstudies.vn/vi/courses/undergraduate-courses/fashion-communication-marketing/