CHUYỆN CHƯA KỂ VỀ NHỮNG TÁC PHẨM LỌT VÀO CHUNG KẾT VIỆT NAM NƠI TÔI SỐNG
- hang
- Ngày 08 tháng 3 năm 2018
Với những vẻ đẹp bình yên hay ồn ào, hoài cổ hay hiện đại...tất cả những thành phố của Việt Nam hiện lên đầy tươi trẻ và dấp dẫn du khách qua các tác phẩm nghệ thuật thể hiện bản sắc của mỗi vùng miền khi tham gia dự thi Việt Nam Nơi tôi sống.
Hãy cùng chiêm ngưỡng những tác phẩm đã lọt vào “mắt xanh” của Ban giám khảo và dự đoán Quán quân của mùa giải năm nay nhé !
Ngô Thị Hậu (1994) 8 mảnh ghép minh họa cho 8 huyện của Lào Cai, với những đặc trưng riêng biệt, những đặc sản nổi tiếng. Lào Cai không chỉ đẹp bởi phong cảnh thiên nhiên mà còn đẹp bởi văn hóa, con người nơi đây. Sự đa dạng hóa các dân tộc đã tạo nên một Lào Cai rực rõ đầy hấp dẫn yêu thương. Ý tưởng khung vuông được lấy cảm hứng từ những họa tiết trên trang phục thổ cẩm của các dân tộc – Đó là một phần không thể thiếu khi nói về Lào Cai
Không thể che giấu được tình cảm yêu mến dành cho quê hương, Hậu chia sẻ: “Năm trước, mình rất tiếc thì không có đủ thời gian tham dự thi. Năm nay tôi muốn giới thiệu đến mọi người quê hương mình qua những nét yêu dấu như: Biển mây Y Tý, ruộng bậc thang Sapa, yêu chợ Phiên Si Ma Cai. Đỉnh Phan xi pang. Nếu có dịp, mọi người hãy thưởng thức những món ăn đậm chất quê hương Lào Cai như mèm mén, thắng cố, xôi bảy màu, mận Tam Hoa Bắc Hà, ớt Mường Khương, măng Bảo Yên. ”
Trương Lâm Minh Nguyệt (1999) khắc họa Sài Gòn qua những nét vẽ mang đậm màu sắc kiến trúc, kết hợp hài hòa những đường nét của các địa danh không thể quên như Chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố, Nhà hát, tòa nhà Biteco cao nhất Sài Gòn.
Minh Nguyệt chia sẻ: “Mình thích học ngành Đồ họa và yêu vẽ từ cấp 3, nên khi biết đến cuộc thi mình muốn thể hiện tình yêu quê hương bằng một tác phẩm nghệ thuật, vừa thử sức vừa thêm kinh nghiệm cho bản thân.”
Giữ nhịp sống ồn ào, hối hả của Sài Gòn, Nguyễn Bảo Quốc (1995) đã nhớ về Cần Thơ bằng con tim tha thiết được sống giữa vẻ đẹp trữ tình và bình yên của khu Chợ nổi Cái Răng, vườn cò Bằng Lăng, những vườn trái cây trĩu quả hay những du thuyền lấp la lấp lánh ánh đền trên dòng sông Hậu về đêm. Và nổi bật lên ở tác phẩm là cầu Cần Thơ như thổi hồn cho dòng chảy hiện đại, năng động khát vọng vươn lên của miền quê này.
Theo Bảo Quốc: “Cuộc thi Việt Nam Nơi tôi sống rất thú vị, vì nó giúp giới thiệu hình ảnh các vùng miền quê hương đến gần hơn với du khách thập phương. Và cũng là cơ hội tốt để các bạn yêu thiết kế chinh phục một học bổng quốc tế có giá trị cao.”
Đỗ Phương Thảo (1998) Cô gái Sài Gòn yêu Hà Nội với những nét dung dị đáng yêu của trà đá vỉa hè, bún đậu mắm tôm, bún chả, bia phố cổ, bên cạnh vẻ đẹp cổ kính của tháp Rùa nghiêng soi bóng bên Hồ Gươm, nhà thờ, cột Cờ Hà Nội và Lăng Bác.
Thảo tâm sự: “Mình sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng đã có duyên với Hà Nội và hiện đang sinh sống tại đây. Có lẽ với mỗi người Hà thành, họ cảm nhận về Hà Nội sẽ khác mình, nỗi nhớ cũng khác, nhưng đọng lại trong sâu thẳm trái tim mỗi người vẫn là những nét rất chung mà mình đã đưa vào tác phẩm này.”
Tuyên Quang hiện lên với vẻ đẹp ngàn đời trong câu nói Chè Thái gái Tuyên đã được bạn Mai Thanh Xuân ( 1995) đưa vào thiết kế dự thi của mình. Người xem có thể nhận thấy, bên cạnh đó là vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ như sông Lô, núi non trùng điệp, đồng thời là sự pha trộn màu sắc văn hóa trẻ trung của “Lễ hội đường phố” được tổ chức vào dịp Trung thu hàng năm. Hình ảnh của những chiếc đèn rực rỡ màu sắc trong hình hài những con vật như: gà trống, con rồng, chim bồ câu, con voi.. hòa mình trong dòng sông quê hương đã in đậm trong tâm trí các bạn trẻ Tuyên Quang bây giờ và nó trở nên ngày càng thân thuộc bên những nét đẹp truyền thống.
Cùng vẽ về Sài Gòn, Lê Huỳnh Mỵ lựa chọn góc độ khác, My muốn giới thiệu với mọi người về văn hóa ẩm thực đường phố Sài Gòn với những món ăn dân dã như: nước mía, bánh tráng, chuối nếp nướng, bánh mì kẹp, hủ tiếu, cháo lòng… Tất cả mùi vị đặc trưng đó đó lớn lên cùng tuổi thơ mỗi người trong cái ồn áo, náo nhiệt của một thành phố lớn.
Huỳnh My chia sẻ: “Mọi thứ tưởng chừng là hiển nhiên, nhưng mỗi khi xa quê, hay lớn lên, tất cả sẽ trở thành hoài niệm đẹp thời học trò trong lòng mỗi người con của Sài Gòn. Nếu bạn có dịp ghé thăm, hãy thưởng thức những hương vị Sài Gòn để cảm nhận tình yêu bình dị này.”
Trần Dương Minh Hoàng với tác phẩm dự thi “Vi vu Đà Nẵng” giới thiệu những địa danh nổi tiếng của thành phố biển này để thể hiện tình cảm của một người trẻ tuổi dành cho cố Chủ tịch Nguyễn Bá Thanh – Người đã biến Đà Nẵng hóa rồng với nhiều công trình mang dấu ấn lịch sử như: Cầu quay sông Hàn, Cầu Rồng, 2 tòa nhà trung tâm TTHC và Novotel, chùa Linh ứng…
Hoàng hy vọng: “Các bạn trẻ hãy xách Ba-lô và xê dịch tới thành phố xinh đẹp Đà Nẵng để khám phá và trải nghiệm cuộc sống. Nơi đây có rất nhiều thứ vi vu khiến bạn say mê đó.”
Lê Thị Cẩm Nhung (1998) An Giang nơi tôi sinh ra và lớn lên, là màu xanh thẫm của vùng đất “Thất sơn” linh thiêng. Là màu vàng ấm áp của từng hạt lúa, thứ quà tặng quý giá mà tạo hóa ban tặng, cũng là sự chan hòa, nồng hậu của người dân nơi đây. Đó là màu xanh của dòng sông Hậu hiền hòa ôm lấy đất, là sự thanh bình thẩm thấu vào từng điều dung dị nhất.
Cẩm Nhung cho biết mình chưa từng học vẽ bao giờ, nhưng cũng rất háo hức tham gia cuộc thi này và chính sự “Nồng hậu, Yên bình và Xanh” của An Giang đã thổi hồn cho những nét vẽ đầu tiên của Nhung. Hy vọng qua tác phẩm này, du khách sẽ biết tới vùng đất miền Tây Nam Bộ xa xôi với nhiều điều thú vị để ghé thăm.
Trần Quỳnh Nhi (2000) với tác phẩm mang biểu tượng bản đồ Check – in Quảng Ninh để giới thiệu những vẻ đẹp của danh lam thắng cảnh, nét đặc trưng của kiến trúc ở vùng đất gió biển nổi tiếng này. Quỳnh Nhi hy vọng tác phẩm sẽ như một lời mời gọi du khách, nếu chưa từng đến Quảng Ninh là chưa thực sự biết đến Việt Nam.
Hoàng Ngọc Trang (1998) cảm nhận về Hà Nội qua câu nói: “ Phải tìm mới thấy, có duyên mới gặp.” Nét duyên thầm của Hà Nội không bắt mắt, khoa trương mà nhẹ nhàng ẩn sâu trong những ngôi nhà cổ, hàng cây cổ thủ, lối sống của người dân.
Ngọc Trang chia sẻ: “Mình muốn giới thiệu về một Hà Nội lặng lẽ như vẻ đẹp sau cơn mưa vội vàng với bầu không khí trong lành, không dễ dàng “bắn trúng tim” ai đó qua cái nhìn vẻ bề ngoài. Vẻ đẹp của Hà Nội chỉ thực sự được cảm nhận qua tâm hồn của những người biết lặng nhìn và thấu hiếu theo thời gian.”
Ban tổ chức cuộc thi Việt Nam Nơi tôi sống sẽ sớm công bố kết quả chung cuộc và ai sẽ trở thành quán quân mùa giải thứ 3, giành suất học bổng giá trị tại trường quốc tế danh tiếng Học viện thiết kế và thời trang London –Hanoi.
Trong lúc chờ đợi Triển lãm và trao giải Việt Nam Nơi tôi sống 2018, các bạn yêu thích cuộc thi hãy theo dõi và bình chọn cho tác phẩm mình yêu thích nhất tại đây nhé! https://www.facebook.com/profile.php?id=1665142553747576
Giải thưởng chung kết và giải bình chọn online sẽ được công bố chính thức trên website và các phương tiện truyền thông báo chí! Chúc các bạn may mắn!