Du lịch ẩm thực - văn hóa vòng quanh Việt Nam với biểu tượng đáng yêu từ giới trẻ.
- hang
- Ngày 29 tháng 1 năm 2018
Cảm hứng từ văn hóa, âm nhạc, ẩm thực … đã vẽ nên Đà Nẵng, Bắc Giang, Sài Gòn, Hội An, Quy Nhơn, Kiên Giang… đẹp đến “tan chảy”.
Cuộc thi Việt Nam Nơi tôi sống đang đến vòng chung kết, bình chọn và chấm giải. Các thí sinh đều hồi hộp chờ đợi ai sẽ lọt vào Top 50, Top 10, Top 4 và vinh dự trở thành Quán quân 2018 với suất học bổng toàn phần tại Học viện thiết kế và thời trang London- Hà Nội.
Các tài năng thiết kế trẻ nồng nhiệt quảng bá quê hương qua các tác phẩm dự thi thiết kế mùa thứ 3. Hãy cùng chiêm ngưỡng những biểu tượng chạy dài theo tổ quốc hình chữ S đang làm Ban giám khảo bối rối nhé!
Lê Huỳnh Mỵ muốn giới thiệu với mọi người về ẩm thực đường phố Sài Gòn với những món ăn dân dã như: nước mía, bánh tráng, chuối nếp nướng, bánh mì kẹp, hủ tiếu, cháo lòng… Tất cả đời sống ẩm thực đó lớn lên cùng tuổi thơ mỗi người trong cái ồn áo, náo nhiệt của một thành phố lớn. Tác giả muốn gửi tới một thông điệp: Mọi thứ tưởng chừng là hiển nhiên, nhưng mỗi khi xa quê, hay lớn lên, tất cả sẽ trở thành hoài niệm đẹp thời học trò trong lòng người con của Sài Gòn. Nếu bạn có dịp ghé thăm, hãy thưởng thức những hương vị Sài Gòn để cảm nhận tình yêu bình dị này.
“Đà Nẵng ấm lòng” của thí sinh Lê Thanh Tài (1995) lấy cảm hứng từ tô Mì Quảng thân yêu mà bất kỳ người con Quảng Nam nào cũng nhớ khi xa quê.
Thanh Tài tâm sự: “Tôi vẫn còn nhớ rõ hương vị đậm đà của tô mì Quảng, lần đầu tiên được thưởng thức khi đặt chân lên thành phố này. Sau vài năm sống và học tập ở đây, tôi mới chợt nhận ra, cách mà con người xây dựng nên một Đà Nẵng đầy sức hút như ngày này, cũng giống như cách họ tạo ra một tô Mì Quảng hấp dẫn và đầy mê hoặc. Mảnh đất này cũng vậy, sự kết hợp tuyệt vời giữa cảnh sắc thiên nhiên cùng thành quả lao động sáng tạo của người dân tạo nên một nét hiện đại nhưng vẫn dung dị, đậm đà sưởi ấm bao tâm hồn “người lữ khách” như tôi.”
Tác phẩm Bắc Giang của Nguyễn Thị Kim Thoa (1998) lại đưa người xem đến một vùng đất của nghệ thuật văn hóa. Không phải là vải thiều, bánh đa kê, hay mỳ chũ mà chính là địa danh “Làng Vĩ Cầm” đã trở thành cảm hứng cho tác phẩm này. Đó là làng then, ngôi làng duy nhất tại Việt Nam có truyền thống chơi đàn vĩ cầm gần 60 năm. Tác phẩm là câu chuyện về món ăn tinh thần “kiểu Tây” nhưng rất Việt Nam của làng quê đã sinh ra nhiều tài năng trong lĩnh vực nghệ thuật như: Trần Vinh, Bùi Đắc Sừ, Quốc Minh, Hà Huy Bái, Lê Văn Khách, Nguyễn Văn Đưa.
Nguyễn Ngọc Quỳnh với thiết kế lấy cảm hứng từ vẻ đẹp núi đồi của Phú Thọ như: Đồi chè, rừng cọ, cánh đồng lúa chín, lũy tre rì rào bên đầm sen thơm ngát… Bên cạnh đó, tác giả dẫn dắt du khách tới những danh thắng, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như Đền Hùng, hoa văn trống đồng tất cả nằm trong một trái tim lớn với tông màu xanh lá thể hiện tình yêu của tác giả dành cho quê hương.
Lê Kiều Trang (2001) với tác phẩm Hà Nội mắt biếc là tình yêu của cô gái nhỏ với thủ đô yêu dấu, như nói hộ tiếng lòng của nhiều người khác. Mỗi khi nhớ về Hà Nội, người ta cảm thấy sự thân thương, trìu mến của giọng nói Hà Thành, món ngon phố cổ ( phở bò, bún chả, bánh mì kẹp, trà chanh, cafe, kem Tràng Tiền… ). Tác giả muốn giới thiệu đến du khách thập phương những nét đẹp bình dị, ngày thường của thủ đô yêu dấu mà không thể lẫn với bất kỳ nơi nào khác.
Cũng chung niềm cảm hứng văn hóa nghệ thuật như Bắc Giang, Đoàn Đại Hải đã gửi tác phẩm Quy Nhơn – Cái nôi của hát bội để tham gia cuộc thi này. Thiết kế sử dụng những hình ảnh mang tính biểu trưng của thành phố Quy Nhơn, đó là mặt nạ hát bội, mây trong sân khấu tuồng, rượu bầu đá, bánh canh chả cá, bãi tắm hoàng hậu.
Người xem bị thu hút bởi nghệ thuật vẽ chấm T-ram, mỗi dấu chấm tượng trưng cho một con người đất võ, mỗi con người sẽ không thành hình, nhưng nếu đứng cạnh nhau sẽ tạo nên một tổng thể vững chắc, không thể phá vỡ.
Nguyễn Hà Linh (2000) lựa chọn một hình ảnh đặc trưng nhất của Hội An để tạo nên tác phẩm này. Đơn giản, đó chỉ là một chiếc đèn lồng nhỏ xinh, nhưng lại là chiếc đèn lồng đẹp nhất, rực rỡ nhất, tỏa sáng với vẻ đẹp vừa hoài cổ vừa hiện đại của mình. Tác giả mong muốn kí ức đêm Hội An trong vẻ đẹp xanh thẳm của da trời hòa quyện cùng màu xanh biển cả của mình sẽ lan tỏa đến tất cả mọi người chưa đến, đang ở hoặc đã xa sẽ nhớ về Hội An.
Thái Bình – Quê hương năm tấn của Nguyễn Thị Hiền (1999), tái hiện cuộc sống thanh bình với những cánh đồng lúa mênh mông, bát ngát, gói trọn trong biểu tượng hình chiếc quạt kết hợp cùng gam màu vàng của bông lúa, màu nâu của ngôi chùa keo hay những tuyệt tác tinh hoa của làng nghề truyền thống, những món ăn đặc trưng của quê lúa. Bên cạnh đó là vẻ đẹp của những người dân lao động, hăng say trong một vụ mùa bội thu hay màu xanh của bãi biển Đồng Châu dịu êm. Con người và cảnh vật nơi đây hòa quyện, gắn bó với nhau tạo nên một bức tranh bình dị, trù phú, nồng thắm tình người mà mỗi người con xa xứ đều tha thiết nhớ về.
Hà Tây- Vùng đất trăm nghề của thí sinh Đỗ Đình Đạt (1994) tưởng nhớ về cái tên đã trở thành hoài niệm,lấy cảm hứng từ những giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ nghệ và kiến trúc, bên cạnh hình ảnh về những người thợ thủ công tại mỗi làng nghề của Rèn Đa Sĩ, Lụa Vạn Phúc, Nón Chuông, Quạt Vác, Mây tre Phù Ninh, tò he Xuân Lá…
Hà Nội đêm trăng hay ngày nắng của Vương Tất Đạt (1998) là ý tưởng thiết kế bắt nguồn từ con người, kiến trúc, nghệ thuật múa rối nước , ẩm thực của người Hà Nội làm người ta nhớ về đêm trăng thưởng trà, bình minh vương mùi hương cốm mùa thu, những buổi xem biểu diễn nghệ thuật hay chiều tà ngắm phố cổ rêu phong trong ánh hoàng hôn.
Nguyễn Hải Anh (1996) với tác phẩm Nam Định muốn giới thiệu về vẻ đẹp của những người dân nơi đây với đức tính cần cù lao động và kiên nhẫn, dù bao khó khăn, vất vả cũng không làm họ nản lòng. Chính họ là những người đã làm nên thương hiệu của phở Nam Định yêu thương hoặc đồ ăn vặt như bánh xíu páo, nem nắm…
Kiên Giang qua nét vẽ của thí sinh Đỗ Thị Giỏi, hiện lên vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã, xanh tươi của đảo ngọc Phú Quốc, Hà Tiên với nét đẹp truyền thống mang đậm dấu ấn lịch sử truyền đời. Tới đây, du khách vừa thưởng thức cảnh đẹp vừa nhâm nhi những món ăn ngon đặc trưng của Nam Bộ mà không thể tìm thấy ở nơi nào khác như: Bánh ống lá dứa, các loại hải sản, bánh thốt nốt, bún kèn Hà Tiên, xôi xiêm… Tất cả đều hòa quyện tình người tình đời yêu thương!
Cũng khai thác vẻ đẹp của Sài Gòn, nhưng “Sài Gòn – Café sữa đá” của Võ Hoàng Nhi (1997) làm người xem ngẩn ngơ vì cách chọn ý tưởng của tác giả. Một nét thân quen và rất Sài Gòn. Ai đã từng đặt chân đến đây, đừng quên tỉnh giấc lúc 6h sáng, chỉ để ngắm thành phố tỉnh giấc bên ly café nóng bỏng.
Còn gì tuyệt vời hơn, khi bình thản ngắm Sài Gòn náo nhiệt lúc bình minh từ vỉa hè, bên ly café thơm nồng và ổ bánh mì quen thuộc, rất bình dị bao đời nay.
Các bài dự thi gửi về Ban tổ chức rất nhiều. Các bạn hãy theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm mình yêu thích nhất tại đây nhé! https://www.facebook.com/profile.php?id=1665142553747576
Giải thưởng chung kết và giải bình chọn online sẽ được công bố chính thức trên website và các phương tiện truyền thông báo chí! Chúc các bạn may mắn!