Bảo tàng ở Việt Nam có hấp dẫn hơn trong mắt người trẻ ?
Khi đi du lịch đến một thành phố hay một quốc gia, bạn được khuyên hãy ghé thăm viện bảo tàng để hiểu về nơi ta đến nhiều hơn. Thế nhưng ngay tại Hà Nội nơi chúng ta sinh sống, bạn đã bao giờ ghé thăm Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, hay Bảo tàng Dân tộc học? Mỗi khi nhắc tới viện bảo tàng, hầu hết các bạn trẻ chúng ta chỉ coi đây như là nơi chỉ dành cho người lớn tuổi hay nhà nghiên cứu. Vậy làm thế nào các viện bảo tàng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người trẻ?
Đây là một trong những đề án của các sinh viên Thiết kế Đồ họa cuối kỳ qua. Với tư duy sáng tạo và những kiến thức học được về lồng ghép các kỹ thuật đồ họa chuyển động, nhiếp ảnh, cắt dãn, vẽ…, các Nhà thiết kế đồ họa tương lại đã tạo ra những tác phẩm kích thích sự tò mò và hào hứng cho những bạn trẻ có sở thích về văn hóa, nghệ thuật, và lịch sử.
Hãy cùng xem qua một số tác phẩm đó nhé:
Tác phẩm của Phạm Hà An lấy nguồn cảm hứng từ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để lồng ghép những tác phẩm hội họa Việt Nam nổi tiếng với những biểu cảm đáng yêu, hài hước, hấp dẫn các bạn trẻ hiện đại.
“Hai thiếu nữ và em bé” (Họa sỹ Tô Ngọc Vân) đang… uống trà sữa
“Thiếu nữ Huế” ( Mai Trung Thứ) đang … xem TV
Với đề án "WHAT IS ACT? ", Vũ Việt Anh lấy cảm hứng từ các hoạt cảnh mô tả phong tục của người dân tộc được trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Việt Anh mong muốn khơi gợi sự tò mò của các bạn trẻ và truyền cảm hứng cho họ tìm hiểu về bề dày văn hoá truyền thống của các dân tộc Việt Nam
Vũ Việt Anh ghé thăm làng tranh Đông Hồ qua những bức tranh dân gian quen thuộc
Những hình ảnh thú vị mô tả hoạt động hằng ngày của người dân tộc thiểu số sẽ gây tò mò cho các bạn trẻ
Bằng đề án này, Vũ Việt Anh mong muốn truyền cảm hứng cho người trẻ đến bảo tàng và khuyến khích họ tham gia các sự kiện, các hoạt động liên quan để tìm hiểu khám phá văn hoá dân tộc Việt Nam.
Tác phẩm của Nguyễn Phương Mai đưa người xem đến với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bằng những hình ảnh, ngôn từ ngợi ca người phụ nữ Việt Nam luôn kiên cường, trung hậu, đảm đang từ xưa tới nay, từ Hai Bà Trưng dũng cảm đánh thắng giặc phương Bắc tới những người phụ nữ hiện đại ngày ngày bận rộn với công việc văn phòng nhưng vẫn gánh vác trách nhiệm của người vợ, người mẹ trong gia đình.
Người phụ nữ phải mang nặng đẻ đau, gánh vác nhiều trách nhiệm
Nhưng họ vẫn luôn là những người “giỏi việc nước, đảm việc nhà”
Cũng lấy cảm hứng từ chuyến đi tới Bảo tàng Dân tộc học, tác phẩm của Nguyễn Vân Anh và Vi Huyền Linh đã đem những hình ảnh đặc trưng trong văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đến gần hơn với người trẻ hiện đại
Vi Huyền Linh chia sẻ: “Tác phẩm cuối kỳ lần này là mong muốn được tổ chức một buổi triển lãm pop-up tại Bảo tàng Dân tộc học của mình. Triển lãm sẽ trưng bày các tác phẩm đồ họa hiện đại, hài hước lấy cảm hứng từ các tác phẩm điêu khắc và phù điêu của dân tộc Chăm. Qua đó, mình hy vọng sẽ làm cho viện bảo tàng trở thành một nơi thân thiện và hiện đại để mọi người cảm thấy gần gũi, thoải mái hơn khi ghé thăm.”
Với phần hình ảnh bắt mắt đối với giới trẻ, màu sắc hấp dẫn, cùng các hiệu ứng chữ cái và bố cục, Vi Huyền Linh mong muốn đề án có thể phát triển thành các sản phẩm bày bán tại Bảo tàng Dân tộc học như áo phông, mũ , cốc tách, kẹp sách, túi tote, vv
Tác phẩm của Vân Anh với màu sắc và hiệu ứng hấp dẫn, trẻ trung
Hy vọng rằng những ý tưởng sáng tạo thú vị này của các bạn sinh viên Thiết kế Đồ họa sẽ mau chóng được đưa vào áp dụng để viện bảo tàng hoàn toàn có thể trở thành một nơi thú vị để các bạn trẻ có thể tới để giải trí và học hỏi được nhiều kiến thức bổ ích.