Thiết kế đầm dạ hội – đề án giúp sinh viên Thiết kế thời trang thả trí tưởng tượng bay xa
Trong 3 năm học Thiết kế thời trang, sinh viên LCDF – Hanoi phải thực hiện rất nhiều đề án. Trong số này, thiết kế trang phục dạ hội là một trong những đề án được mong chờ nhất. Đó có thể là vì với đề tài này, sinh viên được thả trí tưởng tượng và sáng tạo nhiều hơn cả. Tất nhiên, độ khó cũng lên cao và hỏi đỏi nhiều kỹ thuật phức tạp.
Vậy thì cùng xem, sức sáng tạo của sinh viên LCDF-Hanoi thể hiện như thế nào trong những thiết kế dạ hội đầu tay nhé!
Thiết kế của Nguyễn Hoàng Dũng truyền tải hai thái cực trái chiều của người phụ nữ: sự gợi cảm, quyến rũ và sự trong trắng, ngây thơ. Nhà thiết kế trẻ muốn khích lệ phụ nữ sống đúng với con người mình, hy vọng rằng xã hội sẽ bớt đi những định kiến bất công đối với họ.
Thiết kế tràn ngập những gam màu bay bổng, nữ tính. Hình in ấn tượng lấy cảm hứng từ biểu tượng nhạc pop Madonna và Đức mẹ Maria.
Thiết kế ấn tượng của Trần Yến Chi lấy cảm hứng từ hình tượng nhân vật Mẹ rồng trong bộ phim ‘Game of Thrones’ và những bộ áo giáp thời trung cổ.
Điểm nhấn nằm ở phần tay áo da được khắc, cắt laser và hoàn thiện thủ công. Kỹ thuật thêu smoking hình vảy rồng nằm ở phần cúp ngực. Phom dáng thiết kế gợi nên vẻ quyền lực cho người phụ nữ.
Bị thu hút bởi vẻ đẹp và sự bí ẩn vô tận của đại dương cùng những loài sinh vật biển, Phạm Hương Trà coi đó làm nguồn cảm hứng xuyên suốt cho đề án thiết kế kỳ này.
Các chất liệu trên váy được xử lý cầu kỳ qua nhiều công đoạn như in nhuộm, xếp li, cuốn thép, đặc biệt phần chân váy được gắn hệ thống sợi quang và đèn tạo hiệu ứng lấp lánh. Trang phục mang tính ứng dụng cao, có thể được kết hợp linh hoạt tạo nhiều phong cách.
Đề án của Nguyễn Hà Phương lấy cảm hứng từ trường phái nghệ thuật Siêu thực, đặc biệt là những tác phẩm để đời của hai nghệ sĩ tiêu biểu thuộc trường phái này là Hoạ sĩ Salvador Dali và Nhà thiết kế Elsa Schiaparelli.
Với Trường phái Siêu thực, người nghệ sĩ đặt mình vào trạng thái vô thức, khơi dậy những giấc mơ và thể hiện chúng qua những hình ảnh, bức vẽ, vần thơ có phần khác thường, kì ảo, đôi khi ẩn chứa những tầng thông điệp từ sâu thẳm trong tiềm thức.
Mẫu thiết kế sử dụng 3 kỹ thuật xử lí chất liệu là beading (đính hạt), applique (đắp vải) và couching (đính dây) để mô phỏng một cơ thể, trí óc và cảm xúc con người trong một thế giới ảo ảnh, siêu thực, nơi mọi thứ đều bị đảo lộn.
“La Belle Epoque” vốn được những người châu Âu sống vào đầu thế kỷ 20 hồi tưởng lại là những tháng ngày tươi đẹp, hạnh phúc và thịnh vượng nhất. Nguyễn Hạ Lam đã đưa vẻ lãng mạn, bay bổng cuả châu Âu những ngày tháng đó vào thiết kế.
Chiếc váy lấy cảm hứng từ trang phục tiểu thư châu Âu với phần corset ôm sát và chân váy xếp tầng duyên dáng. Kỹ thuật in và xếp ly được áp dụng trên tông màu hồng lãng mạn, gợi nhắc đến cảm giác lâng lâng hạnh phúc của những người trẻ đang yêu.
Phụ nữ Việt Nam luôn xinh đẹp. Dù chuẩn mực của cái đẹp bị chi phối bởi những quan điểm khác nhau qua từng thời kỳ, người phụ nữ tự tin sẽ luôn là người phụ nữ đẹp nhất.
Nguyễn Thị Minh Tâm đã truyền tải thông điệp đó qua thiết kế đồ dạ hội với những màu sắc rực rỡ, hoạ tiết bắt mắt lấy cảm hứng từ chiếc “Chăn con công”. Những điểm nhấn xếp ly mang đến nét nữ tính cho người mặc.
Thiết kế của Phạm Thị Huệ Anh mang vẻ đẹp trang nghiêm, uy nghi của của triều đình nhà Nguyễn tại Huế với hình tượng Nam Phương Hoàng Hậu là cảm hứng chủ đạo. Thiết kế sử dụng vải gấm với tông màu vàng - trắng và điểm xuyết những sợi ánh kim gợi vẻ sang trọng, hoàng tộc.
Thiết kế của Bùi Thị Trang lấy ý tưởng từ những tác phẩm gốm sứ.
Thiết kế mang cảm hứng truyền thống, nét chấm phá hiện đại được thể hiện qua phom dáng độc đáo và kĩ thuật dập ly dẻ quạt (sunray pleat). Màu sắc chủ đạo xanh - trắng, gợi cảm giác nhẹ nhàng, yên bình.
Thiết kế của Trần Thị Cẩm Vân lấy cảm hứng từ văn hoá Gothic và phong cách Lolita của mình.
Thiết kế mang tông màu đen bí ẩn với những chất liệu tương phản như ren, da, voan, gợi sự quyến rũ nhưng không kém phần cá tính cho người mặc.