News from LCDF

9X bỏ du học theo ngành thời trang, đưa mẹ lên sàn catwalk

23506 header image

TPO - Bỏ du học để theo đuổi ước mơ "vu vơ" thiết kế trang phục, Bùi Nhất Nam (24 tuổi) đã bước đầu ghi được dấu ấn. Mới đây, thiết kế trẻ này đã trình làng bộ sưu tập thời trang độc đáo “Hồi ức – Nostalgia” và được trình diễn với những người mẫu độc: Mẹ và người thân, bạn bè.

Trong Tuần lễ thời trang tốt nghiệp có chủ đề "4.0 khác biệt", do Học viện Thiết kế và Thời trang London-Hà Nội tổ chức dành cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, Bùi Nhất Nam là một trong 9 thiết kế trẻ mang đến sự độc đáo cả về thiết kế và người mẫu trình diễn. Mỗi sinh viên có 6 thiết kế trình diễn, nhưng bộ sưu tập của Nhất Nam có đến 10 mẫu.
Thiết kế "Hồi ức" của Bùi Nhất Nam được lấy ý tưởng từ đời sống của con người Việt Nam từ ngày xưa đến hiện tại. Những hình ảnh thân thuộc của người Việt Nam thời bao cấp như các loài hoa trong dịp lễ đặc biệt, họa tiết gạch bông của Pháp trong căn biệt thự cổ đã được thiết kế và in kỹ thuật số trên nền vải lụa; kết hợp giữa các màu xanh đậm, vàng mù tạc, màu be tạo nên sự sang trọng, trẻ trung cho trang phục. Nguồn cảm hứng cho phong cách của Nhất Nam là những người thuộc thiểu số của xã hội như: Cộng đồng LGBTQ, phụ nữ quá khổ, phụ nữ trung niên, những người bị ngành thời trang lãng quên
Người mẫu trình diễn bộ sưu tập này trên sàn catwalk là mẹ, cô dì và bạn của Nhất Nam. Khởi đầu cho các thiết kế là mẹ Nam. Cậu chia sẻ: "Câu chuyện bắt đầu từ người mẹ. Mẹ là người luôn lo lắng, lắng nghe và luôn ủng hộ tôi dù cho tôi có là ai đi chăng nữa. Mẹ luôn là nguồn cảm hứng cho tôi từ khi bắt đầu biết tới thời trang. Tôi muốn mẹ là gương mặt đầu tiên bước lên trên sàn diễn, nơi diễn ra bộ sưu tập hoàn chỉnh đầu tiên của tôi". (Trong ảnh, mẹ Nhất Nam trình diễn thiết kế của cậu. Họa tiết in trên váy được kết hợp từ chiếc khăn trải bàn thường được thấy tại Việt Nam từ những năm 90s, kết hợp cùng với họa tiết gạch bông. Chiếc áo khoác rộng phá cách có thể cởi ra và hòa thành cùng với chiếc váy bên trong làm một)
Gắn với mẫu thiết kế trong bộ sưu tập là câu chuyện bản thân. Thiết kế "vũ công chuyên nghiệp"  ược lấy ý tưởng từ cô dâu và chú rể từ hồi xưa - một nửa là bộ suit chú rể, một nửa là chiếc váy nhiều tầng của cô dâu, kết hợp cùng với họa tiết hoa lay ơn, loài hoa mà xưa kia là biểu tượng trong ngày cưới. "Vũ công chuyên nghiệp" gắn với sở thích nhảy múa hồi bé của cậu. "Hồi bé tôi thích múa nhưng những người xung quanh tôi cho rằng không hợp với con trai. Tôi từ bỏ đam mê đó, cho tới khi tôi vào với thời trang nơi những điệu nhảy trước gương hàng giờ đồng hồ đã khơi dậy cảm hứng sáng tác trong tôi.
Nhất Nam chia sẻ: "Hình tượng tiếp theo của tôi là một câu chuyện về giới tính. Từ bé đã bị nhiều người dị nghị là không được vung tay, điệu đà hoặc đánh son. Bản thân tôi, từ bé đã bị mọi người trêu chọc rất nhiều là bê đê. Tôi đã cố gắng gồng mình lên sống như một người đàn ông, nhưng khổ nỗi tôi điệu quá. Điều này chỉ thực hiện được khi tôi bắt đầu bước chân vào lĩnh vực thời trang"
Ít người biết, trước khi đến với thời trang và có những thiết kế thời trang độc đáo này, Nhất Nam đang theo học chuyên ngành Quản trị kinh doanh tại Đài Loan theo hệ trao đổi (2 năm học tại Việt Nam, 2 năm học tại Đài Loan). Nam cho biết, khi theo học THPT chỉ tập trung học để thi đậu tốt nghiệp và đại học mà thiếu bản thân thiếu định hướng nghề nghiệp, kĩ năng sống
Sang Đài Loan học, Nhất Nam nhận ra bản thân thiếu mục tiêu, sự hào hứng với ngành học khi tiếp xúc với những người bạn giàu nhiệt huyết, say mê học tập, nghiên cứu những lĩnh vực mà họ tâm huyết.
Đúng lúc này, Nam gặp lại ước mơ làm trang phục thời trang của một thời bản thân từng cho là "ước mơ vu vơ, vì không biết bắt đầu như thế nào". “Tình cờ tôi được biết về một cuộc thi dành cho nhà thiết kế nên đã tạm nghỉ học và ở tại kí túc bắt đầu học vẽ để theo đuổi ngành thiết kế. Khi xem các thiết kế, tôi cảm thấy mọi tế bào trong người đều nói lên rằng mình muốn làm công việc kia”, Nam nói
Quyết định bỏ học để theo đuổi thời trang của Nam gặp phải sự phản đối của gia đình, người thân, nhất là mẹ. Để thuyết phục mẹ, Nam tự tay may những bộ trang phục mặc hàng ngày cho bà. Đồng thời, Nam vừa đi học may vừa tìm công việc liên quan tới tới thời trang. Không bằng cấp và kinh nghiệm nên, cậu chỉ xin được bán quần áo
Cơ hội đến với ngành thời trang thực sự khi Nam được một người bạn thuê làm phiên dịch cho thương hiệu thời trang. Dần dần trong công việc, nhận thấy Nam có khả năng thiết kế nên chị đã giao nhiệm vụ này cho cậu. Mẹ Nam cũng nhận thấy sự nghiêm túc, "có tương lai” của cậu con trai và quyết định đầu tư một khoản nhỏ cho cậu mở cửa hàng. Tiếp đó, Nam làm một hồ sơ nghệ thuật rất dày gồm tất cả ảnh của các mẫu thiết kế do mẹ cậu làm mẫu, kèm với CV xin học bổng gửi đến trường Học viện Thời trang London. Nam đã thuyết phục được nhà trường cấp 50% học phí
Sau thời gian gắn bó với lĩnh vực thời trang và có bộ sưu tập đầu tiên được trình làng, Bùi Nhất Nam chia sẻ: "Đến nay, Nam cho rằng thời điểm khó khăn nhất là quá trình phát triển bộ sưu tập vì đây là lần đầu làm bộ sưu tập. Để làm bộ sưu tập này, tôi đã thay đổi, chỉnh sửa rất nhiều, thậm chí từng nghĩ nên dừng lại và không thay đổi nữa. Điều giúp tôi vượt qua được những khó khăn là niềm đam mê và mong muốn truyền tải được thông điệp nào đó tới mọi người, không chỉ có mỗi thiết kế quần áo".

XUÂN TÙNG/ Tiền Phong