News from LCDF

Sinh viên tái hiện văn hóa tín ngưỡng Việt Nam qua bộ chữ độc đáo từ đất sét

z6146920258439_765aba0fb34b665b8f0f444d943a82f1gg.jpg

Sáng tạo bộ chữ tôn vinh văn hóa và tín ngưỡng Việt Nam

Với cảm hứng từ những trải nghiệm thực tế, Giang đã chọn chủ đề bàn thờ, một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Việt. Cô bạn chia sẻ: “Người Việt Nam có một lối sống thiên về đời sống tinh thần, luôn quan tâm đến sự kết nối với tổ tiên và thế giới tâm linh. Khi lang thang trên phố đi bộ, mình thấy có những cửa hàng bán bàn thờ, và nó mang rất nhiều câu chuyện thú vị về thế giới tinh thần của người Việt Nam”.

A0-_1_-đã-nén.jpg

Bộ chữ của Giang không chỉ đơn thuần là những ký tự, mà là sự tái hiện lại văn hóa và tín ngưỡng qua một hình thức nghệ thuật đặc biệt. “Mình muốn tôn vinh hoạt động thờ cúng của người Việt, nâng cao nhận thức về ý nghĩa của nó đối với những người bạn cùng độ tuổi”, Giang chia sẻ thêm. Cô sinh viên trẻ giải thích rằng trong tín ngưỡng của người Việt, bàn thờ là nơi giao thoa giữa hai thế giới, giữa người sống và người đã khuất. Đây cũng là nơi tổ tiên và con cháu có thể giao tiếp thông qua các nghi lễ thờ cúng.

Giang cũng cho biết theo Phật giáo, linh hồn của tổ tiên và bản thân mình sẽ được đưa đến cõi âm – một thế giới song song với thế giới sống của chúng ta. Chính tại bàn thờ, người Việt có thể tìm thấy sự kết nối với cõi âm, giải thích các hiện tượng xung quanh cuộc sống và tìm kiếm sự an ủi, phúc lành từ tổ tiên mỗi khi gặp khó khăn.

z6146920292900_4f13183ee052a931ebb33a30f6890dc8.jpg

Bộ chữ của Hương Giang giới thiệu tại triển lãm được nặn từ đất sét, một chất liệu gần gũi và đầy ý nghĩa. Giang giải thích: “Đất sét thuộc nguyên tố thổ trong ngũ hành, rất gần với âm, vì vậy mình quyết định chọn đất sét làm chất liệu. Các màu sắc trong bộ chữ cũng được lấy cảm hứng từ những loại gỗ mà người Việt thường dùng để đóng bàn thờ, như gỗ đỏ, gỗ mít. Bên cạnh đó, màu sắc cũng tuân theo nguyên lý ngũ hành”.

Bộ chữ không chỉ là hình ảnh của những ký tự, mà còn chứa đựng nhiều biểu tượng văn hóa của người Việt như hoa cúc, hoa ly, chén, lọ, những vật dụng quen thuộc trong các nghi lễ thờ cúng. Đặc biệt, các hình ảnh rồng và phượng, những linh vật nổi bật trong văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, cũng xuất hiện trong bộ chữ.

brochure 2.png

Giang tâm đắc nhất là chữ E trong bộ chữ, vì đây là hình ảnh con rồng, linh vật mang đậm dấu ấn trong tín ngưỡng của người Việt. Cô bạn chia sẻ: “Trước đây mình đã nghiên cứu về con rồng trong tín ngưỡng của người Việt, và khi tạo hình lại con rồng trong bộ chữ, mình cảm thấy rất hài lòng với kết quả. Chữ E có độ cong rất đẹp và cũng là chữ mình phải dành nhiều thời gian nhất để hoàn thành”.

Bộ chữ có thể được ứng dụng vào các sản phẩm văn hóa, nghiên cứu tín ngưỡng và nghệ thuật trang trí. Giang bày tỏ: “Bộ chữ này mang tính tái hiện văn hóa, nó phù hợp với các sản phẩm có mục tiêu nghiên cứu văn hóa, tín ngưỡng của người Việt”.

Để hoàn thành tác phẩm và giới thiệu tại triển lãm, cô bạn cũng đã phải trải qua không ít thử thách, trong đó việc làm quen với đất sét là một khó khăn lớn. “Đất sét mà mình sử dụng khá nhẹ, nên dù không dễ bị chảy nhưng dễ bị biến dạng. Khi tạo hình, mình phải rất cẩn thận để tránh va chạm vào các vật thể khác, và nhiều chữ mình phải làm lại từ đầu”, Giang nói.

T-shirt mockup.png

Mock-up áo phông.

Những bài học quý giá từ môn học Thiết kế đồ họa chữ

Giang cho biết môn học Thiết kế đồ họa chữ mang lại nhiều sự thú vị bởi sinh viên học được cách sắp xếp và biến đổi các con chữ để tạo thành những bố cục thị giác có thể giao tiếp hiệu quả với khán giả. Đây là một kỹ năng giúp người học trở nên linh hoạt hơn trong sáng tạo, đồng thời tuân thủ các quy tắc tiêu chuẩn để đạt được hiệu quả thị giác như ý đồ ban đầu. Giang nhận định rằng thiết kế tổng thể là một lĩnh vực rộng lớn, và những kỹ năng thu được từ việc làm bài tập là vô cùng phong phú. Những bài học này ngày càng mở rộng sau mỗi lần làm sai, từ đó có thể áp dụng phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể.

Chính từ những trải nghiệm đó, Giang chia sẻ thêm: “Mình hiểu rõ hơn về cách khai thác một nghiên cứu để tạo ra một tác phẩm có chiều sâu về kiến thức và thông điệp. Đối với mình, tinh thần của thiết kế đồ họa (Graphic Design) chính là nằm trong những tầng lớp ý nghĩa đó. Mặc dù đôi lúc mình bị xoay quanh vấn đề nội dung quá nhiều mà quên mất nhiệm vụ sáng tạo của bản thân, nhưng đó cũng là một bài học quý giá. May mắn là mình đã nhận ra điều đó sau khi môn học kết thúc”.

z6146920258439_765aba0fb34b665b8f0f444d943a82f1gg.jpg

Hương Giang (trái) và bạn cùng lớp tại triển lãm.

Bên cạnh đó, Giang còn rèn luyện được kỹ năng quản lý thời gian và sắp xếp công việc hợp lý. Điều này giúp cô bạn hoàn thành bài tập đúng và đầy đủ theo yêu cầu, đồng thời đảm bảo đúng thời hạn. Đây là một kỹ năng thiết yếu, không chỉ hỗ trợ Giang trong việc học mà còn hữu ích trong các dự án thiết kế sau này.

“Để lên ý tưởng, chuẩn bị cho triển lãm cuối kỳ, mọi người đã đồng lòng xây dựng và làm việc trong không khí vui vẻ, cùng nhau ở lại trường đến khuya để hoàn thiện công việc. Thành quả là một triển lãm đúng như kỳ vọng, chứa đựng sự nỗ lực và tinh thần gắn kết của cả lớp”, Giang chia sẻ thêm về buổi triển lãm vừa qua.

Với những nỗ lực và đam mê, tác phẩm của Hương Giang không chỉ là bộ chữ đơn giản mà còn là một câu chuyện văn hóa đầy chiều sâu. Đây là sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật thiết kế và tín ngưỡng dân tộc, mang lại cái nhìn mới mẻ về giá trị tinh thần trong cuộc sống của người Việt Nam.