LCDF- Hanoi chung tay hướng nghiệp tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ trẻ vùng cao
- tuan
- Dec. 3, 2024
Dự án " Hướng nghiệp tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ trẻ vùng cao" là một trong những dự án hoạt động vì cộng đồng của Học viện Thiết kế và thời trang London (LCDF Hà Nội) nhiều năm qua. Dự án được phát triển với mong muốn tạo điều kiện cho các sinh viên học thiết kế tiếp cận với di sản văn hóa và làng nghề truyền thống đồng thời hợp tác cùng các phụ nữ trẻ ở bản Sín Chải, xã San Sả Hồ, Sapa, Lào Cai có công việc ổn định và hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Sinh viên Nguyễn Hà Anh mặc trang phục cùng thiết kế và sản xuất với các thiếu nữ bản Sín Chải, Sapa
Trước đây tất cả các cô gái H'mông tại bản Sín Chải, đều biết dệt vải lanh, nhuộm chàm hay vẽ sáp ong lên vải. Tuy nhiên thời gian gần đây các phụ nữ trẻ ở bản đang dần thờ ơ với nghề thủ công truyền thống này. Họ vẫn biết thêu thùa may vá để làm trang phục cho mình nhưng không phải ai cũng biết nhuộm chàm, dệt vải.
Nghề nhuộm chàm có dấu hiệu bị mai một ở thế hệ trẻ trong bản do những trang phục, sản phẩm thủ công được làm từ vải chàm không còn được ứng dụng nhiều trong đời sống thường ngày. Trang phục truyền thống này chỉ được sử dụng ở các dịp lễ tết. Một số sản phẩm được bày bán ở các cửa hàng lưu niệm không có sự khác biệt và không mang lại giá trị cao.
Dự án " Hướng nghiệp tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ trẻ vùng cao Sapa" hướng đến khuyến khích phụ nữ trẻ học nghề truyền thống dệt, nhuộm vải chàm và từng bước giúp họ tạo thu nhập từ nghề. Quá đó, góp phần gìn giữ nghề truyền thống nhuộm chàm, tăng cường tính bền vững trong thiết kế
Ở giai đoạn 1 của dự án, thầy và trò của LCDF- Hà Nội đã trải qua những ngày tháng sống tại bản, hướng dẫn thực hiện một xưởng may chuyên nghiệp để giúp chị em phụ nữ trong bản được tiếp cận với máy may và các kỹ thuật may hiện đại. Chuyến đi đã để lại rất nhiều cảm xúc trong lòng thày và trò LCDF-Hà Nội để tiếp tục thực hiện các hỗ trợ tiếp theo.
Sinh viên Học viện Thiết kế và Thời trang London giúp chị em phụ nữ bản Sín Chải được tiếp cận với máy may và các kỹ thuật may hiện đại
Sùng Thị Lan, Châu Thị Bâu, Vàng Thị Ài là 3 phụ nữ trẻ của Sín Chải đã xuống Hà Nội để học cách làm mới những sản phẩm truyền thống bằng vải chàm từ các giảng viên, nhà thiết kế thời trang, thiết kế nội thất của trường. Vẫn là dệt vải, nhuộm chàm, thêu thùa hay vẽ sáp ong nhưng nay các cô gái sẽ được tiếp cận với những ý tưởng sáng tạo hơn và phương pháp để biến những ý tưởng đó thành sản phẩm.
Các thiếu nữ H'mong học thời trang với sinh viên tại xưởng thực hành Học viện thiết kế và thời trang London - Hà Nội
Triển lãm mang tên "Khói xanh" đã trưng bày sản phẩm sáng tạo của các thiếu nữ H’mong sau khóa học về các kỹ thuật ứng dụng vải chàm để tạo nên các thiết kế đương đại ứng dụng trong cuộc sống. Triển lãm được tổ chức đã thu hút sự chú ý của công chúng khi giữa Thủ đô Hà Nội được chứng kiến một số công đoạn nhuộm chàm, dệt vải của các cô gái dân tộc H'mông.
Một góc trưng bày triển lãm tác phẩm sau 3 tháng học của các thiếu nữ H'mong tại LCDF -Hà Nội – Tháng 11. 2023
Bà Hà Thị Hằng -Giám đốc điều hành phát biểu tại Triển lãm tác phẩm mang tên "Khói Xanh"
Bà Hà Thị Hằng - Giám đốc điều hành LCDF chia sẻ: "Khi các giảng viên từ Anh sang Việt Nam, họ luôn thấy hấp dẫn bởi văn hóa truyền thống lâu đời, kỹ năng của người Việt trong các sản phẩm thủ công. Nếu các nhà thiết kế biết đưa các nền văn hóa, kỹ thuật thủ công này vào các thiết kế đương đại sẽ tạo ra những sản phẩm có giá trị cao. Tôi rất thán phục những gì mà các em gái H’Mông tạo ra cùng nhà thiết kế. Tương lai, chính họ sẽ là người chủ động sáng tạo những họa tiết hoa văn của dân tộc mình, ứng dụng vào trang phục, đồ décor hiện đại. "
Nhờ sự kết nối giúp đỡ của các thành viên dự án, bà con Sín Chải đã nhận được sự quan tâm của chuyên gia thời trang quốc tế, chuyên gia Nhật Kyoko Nakano đã đến nghiên cứu và hỗ trợ củng cố quy trình kỹ thuật nhuộm vải và cách làm họa tiết mới cho bà con Sín Chải. Chị Sùng Thị Lan chia sẻ với niềm vui sướng: "Hai chuyên gia Nhật sang hỗ trợ về kỹ thuật em có thấy trên mạng mà chưa từng ứng dụng và chưa biết cách làm như thế nào . Khi có các bác dạy cho thì em mới hiểu, nó không khó như mình nghĩ , khi mà khâu xong, cắt xong chỉ thì em thấy hạnh phúc vì các họa tiết ra là xinh. "
Chuyên gia Nhật Kyoko Nakano và chị Sùng Thị Lan
Bác Giả đang thực hiện việc nhuộm vải chàm truyền thống
Bác Giả là một người lớn tuổi tại Sín Chải cho biết: "Do đặc thù thời tiết khí hậu lạnh và ẩm ướt quanh năm nên từ trước đến nay việc nhuộm vải chỉ thực hiện được từ tháng 6 đến tháng 9 còn các tháng còn lại trong năm thì lạnh quá không nhuộm được . Trong thời gian không nhuộm chàm được thì phụ nữ ở nhà dệt vải, nấu cơm, hái ngô, gặt lúa. Tôi rất mong các con được đi học, phát triển để có tương lai tốt hơn và làm được những gì mình mong muốn".
Chị Sùng Thị Lan sau khi được học tập các kiến thức về cắt may hiện đại tại LCDF-Hà Nội đã truyền dạy lại cho nhiều chị em khác trong bản. Và mong muốn của chị cũng như nhiều bà con khác ở địa phương ở giai đoạn tiếp theo là xây được một xưởng nhuộm để mùa đông vẫn có thể nhuộm được, nuôi thùng nhuộm chàm đảm bảo bám màu và vải nhuộm cũng được xấy khô ngay tại xưởng. Trước đây số lượng vải nhuộm chỉ phục vụ được cho gia đình nhưng nếu có được một xưởng nhuộm thì sẽ giúp tạo công việc nhuộm vải chàm quanh năm, phục vụ được đông đảo khách du lịch và thị trường, tạo dòng thu nhập đều đặn cho bà con, nhất là chị em phụ nữ".
Cô gái 17 tuổi ,Vàng Thị Sua bày tỏ khát khao mãnh liệt với các thành viên dự án: "Em muốn học để phát triển bản thân và phát triển bản làng của mình vì em muốn là mình biết thêm nhiều thứ, cũng muốn truyền tải thông điệp này đến với các bạn nữ trong bản làng."
Mặc dù nhuộm vải chàm là một nghề truyền thống lâu đời của người H’mong nhưng công việc này đối mặt với nguy cơ dần mai một, những nỗ lực của các thành viên dự án "Hướng nghiệp tạo sinh kế bền vững cho phụ nữ trẻ vùng cao" ở các giai đoạn tiếp theo đang rất cần sự chung tay để hiện thực hóa được mong muốn tạo sinh kế cho chị em phụ nữ Sín Chải bằng chính nghề truyền thống dệt và nhuộm vải chàm của quê hương mình, có cuộc sống tốt đẹp hơn, phát huy được giá trị bản thân, tự tin hơn và có tiếng nói trong gia đình, đầy lùi nạn tảo hôn.
Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình cũng như các hạng mục hỗ trợ, thông tin dự án, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email info@designstudies.vn hoặc gọi điện: 02437199706.