Đi đâu tìm nguồn cảm hứng?
Trên cuộc hành trình chinh phục thiết kế sáng tạo, có một câu hỏi “muôn thuở” mà chúng tôi thường rỉ tai nhau, đó là làm cách nào để duy trì được dòng chảy sáng tạo trong mình, và nên đi đâu, đi đến nơi nào để có thể tìm được nguồn cảm hứng. Câu trả lời thì cũng có muôn vàn, mỗi cá nhân sáng tạo đều có một phương cách riêng để khơi gợi nguồn cảm hứng trước những điều đáng làm ra rung động. Chia sẻ cùng LCDF- Hanoi, Vi Huyền Linh (Cựu sinh viên chuyên ngành Thiết kế Đồ họa) và cô Donna Bramhall (Giảng viên Thiết kế tại LCDF Hanoi) đã đưa ra những kinh nghiệm trong quá trình tìm kiếm nguồn cảm hứng của mỗi người.
Vi Huyền Linh là cựu sinh viên chuyên ngành Thiết kế Đồ họa tại LCDF Hanoi. Hiện đang hoạt động với vai trò thiết kế đồ họa và chụp ảnh tự do, Vi Linh gần như phải sáng tạo miệt mài và không ngừng nghỉ. Quá trình đó luôn cần ý tưởng, khi được hỏi về cách đương đầu mỗi lúc cảm thấy “bế tắc”, Vi Linh chia sẻ rằng, “Mình sẽ nghỉ ngơi, làm một số hoạt động giúp tinh thần thoải mái hơn như đi bộ, đọc sách hoặc xem phim, dành thời gian bên bạn bè, vì cảm hứng có thể bắt nguồn từ mọi cuộc gặp gỡ, sự việc hàng ngày hay những kế hoạch bất chợt.”
Không chỉ hoạt động sôi nổi trong ngành Thiết kế sáng tạo, Vi Linh (bên phải) còn từng tham gia trợ giảng tại LCDF- Hanoi nhằm truyền cảm hứng cho những bạn trẻ có cùng đam mê.
Vi Linh chia sẻ thêm: “Với mình, ngay từ ban đầu Thiết kế Đồ họa đã là ngành học mình lựa chọn vì yêu thích. Vậy nên để duy trì sự sáng tạo, hay những lúc bí ý tưởng, mình thường nhớ về xuất phát điểm ban đầu, khi mình đã hào hứng để được học, được làm công việc này như thế nào.”
Với khối lượng kiến thức và công việc khổng lồ của ngành Thiết kế Đồ họa, đôi lúc các bạn trẻ sẽ cảm thấy khó khăn để có thể duy trì trạng thái cân bằng và ổn định. Đưa ra lời khuyên trong trường hợp này, Vi Linh đã rút ra kinh nghiệm từ chính hành trình của mình:
“Mỗi ngày học, làm việc và thực hành thiết kế giúp mình nhìn nhận rõ hơn về những điều mình đã làm được và những điều mình làm chưa tới để luôn luôn cải thiện. Kỷ luật luôn là yếu tố tiên quyết. Khi có nhiều thứ đến một lúc, hãy vạch rõ đầu mục công việc hàng ngày và lần lượt hoàn thiện từng hạng mục, không bỏ ngang so với kế hoạch đã đặt ra.
Một trong những tác phẩm ấn tượng của Vi Linh khi theo học chuyên ngành Thiết kế Đồ họa tại LCDF Hanoi.
Vi Linh cùng Đồ án năm 2 chuyên ngành Thiết kế Đồ họa tại LCDF -Hanoi.
Bên cạnh Vi Huyền Linh, cô Donna Bramhall (Giảng viên Thiết kế tại LCDF Hanoi) cũng đưa ra một số gợi ý để có thể duy trì nguồn cảm hứng luôn luôn dồi dào. Trong Ngày hội trải nghiệm thiết kế, ngoài những kinh nghiệm để tạo lập Hồ sơ Nghệ thuật hấp dẫn, cô Donna đã chia sẻ thêm 6 cách giúp tìm kiếm nguồn cảm hứng như sau.
1: Thám hiểm nhiều địa hạt sáng tạo khác nhau
Đừng giới hạn bản thân ở một vùng đất duy nhất. Hãy khám phá thật đa dạng loại hình nghệ thuật, thiết kế, văn học, âm nhạc hay thậm chí là cả những khía cạnh khoa học nữa. Cảm hứng đến từ những “vùng đất giao nhau” sẽ mang đến cho bạn thật nhiều ý tưởng độc đáo và sáng tạo.
Cô Donna Bramhall chia sẻ tại Ngày hội trải nghiệm thiết kế tháng 12/2023.
2: Nhìn ngắm thế giới xung quanh
Hãy dành thời gian quan sát mọi thứ xung quanh bạn và chú ý đến những chi tiết, màu sắc, hình khối, họa tiết độc đáo của chúng. Ý tưởng đôi khi sẽ đến từ những thứ mà thường ngày bạn không phát hiện ra đấy!
Hình ảnh từ chuyến đi tìm nguồn cảm hứng tại Sapa của sinh viên LCDF Hanoi.
3: Hãy đọc thật nhiều
Mở rộng kiến thức và nhận thức của bạn bằng cách đọc sách, báo, tiểu luận thuộc nhiều thể loại khác nhau.
4: Xây dựng hành trình sáng tạo (Creative Journal) của riêng bạn
Ghi lại những ý tưởng, suy nghĩ và những điều hay ho mà bạn quan sát được trong một cuốn creative journal sẽ giúp bạn có thêm nhiều nguồn cảm hứng tham khảo mỗi khi cảm thấy bế tắc. Đó cũng là một cách tuyệt vời để theo dõi sự trưởng thành trong hành trình sáng tạo của bạn.
Sinh viên LCDF -Hanoi phác họa hình ảnh nhuộm vải chàm trong chuyến đi tìm nguồn cảm hứng tại Sapa.
5: Trải nghiệm những nền văn hóa mới
Việc tiếp xúc với các nền văn hóa và môi trường khác nhau có thể mở rộng góc nhìn của bạn và truyền cảm hứng cho những ý tưởng mới. Nếu được, hãy đến những địa điểm mới, thử những món ăn mới và đắm mình trong những trải nghiệm đa dạng.
Sinh viên LCDF- Hanoi trải nghiệm nghệ thuật Batik - vẽ sáp ong cùng người dân Sapa trong chuyến đi tìm nguồn cảm hứng.
Hình ảnh từ chuyến đi tìm nguồn cảm hứng tại Sapa của sinh viên LCDF Hanoi.
6: Tham gia nhiều sự kiện và workshops
Ghé thăm những triển lãm nghệ thuật, workshops hay sự kiện có liên quan đến lĩnh vực mà bạn theo đuổi, gặp gỡ người có chung niềm đam mê và hòa mình vào không gian sáng tạo là một trong những cách giúp cho nguồn cảm hứng trong bạn luôn dồi dào.
Cô Donna Bramhall chia sẻ tại Ngày hội trải nghiệm thiết kế
Thiết kế sáng tạo là một cuộc hành trình dài mà trên cuộc hành trình đó, người trải nghiệm buộc phải sáng tạo không ngừng nghỉ. Duy trì nguồn cảm hứng và luôn làm mới những ý tưởng là cách để “những kẻ phiêu lưu” theo kịp với dòng chảy sáng tạo hiện thời. Như đã nói, mỗi người đều có những phương pháp khác nhau để khơi gợi nguồn cảm hứng. Vậy, phương pháp của bạn là gì?
Ngọc Anh