Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2022 – Nhà thiết kế Gen Z trân trọng di sản văn hóa truyền thống
Re:new (Đổi mới) là một trong ba nhóm chủ đề của Tuần lễ thời trang tốt nghiệp mang tên Tái sinh/ Re:Birth với các bộ sưu tập cảm hứng từ di sản văn hóa và nghệ thuật sáng tạo. Các bộ sưu tập trong nhóm chủ đề này thể hiện rõ sự tìm tòi, nghiên cứu và thái độ trân trọng của các nhà thiết kế GenZ với những di sản văn hóa truyền thống và các tác phẩm sáng tạo, nghệ thuật.
Cùng ngắm các bộ sưu tập trong nhóm chủ đề này:
Bộ sưu tập “24” của Nhà thiết kế Phạm Thị Huệ Anh kết hợp giữa truyền thống và hiện đại lấy cảm hứng từ thị trấn Sapa và trang phục dân tộc H'Mông. Nguyên liệu chính là vải taffeta và quần áo được tái chế từ trang phục dân tộc.
“Giao thoa văn hoá” là bộ sưu tập thời trang Ready-to-wear của nhà thiết kế Nguyễn Hà Chi lấy cảm hứng từ hình ảnh người phụ nữ Việt Nam thời thượng những năm 1960s-1970s, thời điểm giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và phương Tây có bước phát triển mạnh. Thiết kế sử dụng kỹ thuật rập li, rút rúm và thêu chỉ màu từ trang phục truyền thống nhưng tái hiện lại theo phong cách hiện đại, mới mẻ hơn.
Bộ sưu tập “Hạnh phúc của một tang gia” của Nhà thiết kế Trần Quốc Anh bắt nguồn từ phong trào Âu hóa trong tiểu thuyết “Số đỏ” (Vũ Trọng Phụng). Loại vải được sử dụng chủ yếu là vải lụa tơ tằm Việt Nam, được dệt bằng công nghệ hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có. Các chi tiết đính kết thủ công nhằm tôn vinh và phát huy các giá trị văn hoá thông qua các trang phục.
Cơ thể của phụ nữ hay những cảm xúc của họ thay đổi theo thời điểm mà bạn gặp họ. Sự thay đổi đó đã truyền cảm hứng cho bộ sưu tập “Imperfect/ Không có gì hoàn hảo" của nhà thiết kế Bùi Thị Thu Hường với mong muốn hướng tới những khách hàng là phụ nữ độc lập tự chủ, không bị phụ thuộc.
Bộ sưu tập “Thị” của nhà thiết kế Chu Thị Thái Hà xây dựng hình ảnh người phụ nữ tươi mới, mạnh mẽ, độc lập trái ngược với người phụ nữ bị áp đặt bởi những hủ tục thời xưa. Thiết kế được lấy cảm hứng từ những trang phục truyền thống với chất liệu shantung, đũi và tơ sống. Vẫn là áo yếm, guốc mộc hay váy đụp nhưng được “re: new”/ đổi mới theo một cách rất thời trang.
Bên cạnh đó, các bộ sưu tập lấy cảm hứng từ Nghệ thuật – Sáng tạo cũng nằm trong chủ đề Re: new – Đổi mới của Tuần lễ thời trang tốt nghiệp "Tái sinh/ Re:birth" 2022.
Với bộ sưu tập “Bùa yêu", nhà thiết kế Nguyễn Ngọc Trâm muốn truyền tải niềm tin tuyệt đối vào tình yêu. Thiết kế mang tinh thần trẻ trung thể hiện niềm hạnh phúc khi yêu với hoạ tiết trái tim được lặp lại qua nhiều cách thể hiện khác nhau. Bảng màu gồm những tông màu tươi sáng như xanh, hồng, tím tạo nên sự tương phản với tông màu đen.
Bộ sưu tập “Giai điệu tình yêu" của nhà thiết kế Nguyễn Hà Phương đến từ nghệ thuật tình yêu trong các bức tranh lịch sử như “Nụ hôn” của Francesco Hayez và “Những bức thư tình” của Jean-Honoré Fragonard. Thiết kế mang nhiều dấu ấn của thời kỳ nghệ thuật Rococo Pháp với phom dáng đặc trưng như váy ôm, áo nịt ngực, áo bèo, tay phồng. Hình trái tim – lặp lại trong nhiều chi tiết.
Nguồn cảm hứng chính từ bộ sưu tập “Illusion” của nhà thiết kế Nguyễn Thị Yến Nhi là hiệu ứng “illusion” đến từ các bức tranh của họa sĩ người Mexico, Octavio Ocampo. Đây là các tác phẩm dù được vẽ trên một nền toan nhưng nếu được nhìn dưới các góc khác nhau sẽ mang đến những ảo ảnh khác nhau. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, cùng một sự vật và hiện tượng nhưng sẽ có nhiều cách cảm nhận và đánh giá khác nhau.
Bộ sưu tập “Intersextion" bắt đầu từ những trải nghiệm của chính nhà thiết kế Nguyễn Lan Chi. Dù đó là những trải nghiệm vui hay buồn thì đối với cô, cách ta phản ứng lại với chúng mới là điều quan trọng nhất. Các thiết kế mang những tông màu pastel được lấy từ những bức tranh do Lan Chi vẽ và chất liệu taffeta chủ đạo tạo nên một tổng thể dịu dàng và sang trọng.
Bộ sưu tập “Ỡm ờ" của nhà thiết kế Nguyễn thị Minh Tâm đến từ các tác phẩm văn học của Vũ Trọng Phụng. Nhà thiết kế đã kết hợp yếu tố trào phúng, châm biếm trong đó với trang phục truyền thống như Áo Dài, nón lá, nón quai thao. Thiết kế mang những màu sắc trendy với chất liệu là vải tái chế từ quần áo cũ. Nhà thiết kế quan điểm “Không có bộ quần áo nào là cũ hay bỏ đi, chúng sinh ra đều mang một sứ mệnh riêng và sứ mệnh của tôi là tái sinh chúng.
“Year Dot” - tác phẩm của nhà thiết kế Nguyễn Thị Hương Giang là bộ sưu tập kết hợp lịch sử quân sự, kỹ thuật từ thời thế chiến thứ nhất vào nghệ thuật, thời trang. Chiến tranh đã qua đi và những gì chúng để lại không chỉ là những vết thương mà còn là tiền đề cho các phát triển y học như phẫu thuật thẩm mỹ, điêu khắc mặt nạ… Chất liệu chính là polyester pha len, da, cotton, kết hợp với các kỹ thuật thủ công như khâu tay phẫu thuật và bào xé vải.
Cùng chờ đón đầy đủ các bộ sưu tập thuộc cả 3 nhóm chủ đề (Re:Vive (Thức tỉnh), Re:Grow (Sống dậy) và Re:New (Đổi mới) của Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2022 nhé.