Muôn cách theo đuổi lối sống xanh của người trẻ yêu thời trang
Chuỗi sự kiện thời trang trực tuyến của của nhóm sinh viên ngành Truyền thông & Marketing thời trang - Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội tổ chức đã khơi nguồn cảm hứng sáng tạo tới cộng đồng trong thời kỳ đại dịch. Hơn thế nữa, chuỗi sự kiện còn đầy ắp những thông tin và hướng dẫn để thực hành theo đuổi thời trang bền vững.
Các sự kiện và hoạt động khác nhau tại chuỗi sự kiện bao gồm: tạo phong cách thời trang, lối sống bền vững, talkshows với nhà thiết kế và nhiếp ảnh gia, đồ tự chế, bí quyết chăm sóc và giữ gìn sức khỏe v.v…
Trao đổi đồ online là một hoạt động trong chuỗi sự kiện được sinh viên Châu Bùi thực hiện.
Cách thể hiện các sự kiện và hoạt động cũng được “đổi món”, biến hóa liên tục không khiến người xem bị nhàm chán.
Có thể kể đến ở đây những nội dung cuốn hút người trẻ như: Cách lên đồ sang chảnh với “nguyên liệu” từ tủ đồ của mẹ; hướng dẫn cách chỉnh sửa ảnh và tự set up “studio” chụp ảnh, quay clip tại nhà tiết kiệm; phóng sự cho người xem nhận ra việc sản xuất vải jeans/denim gây hại cho môi trường lớn tới cỡ nào; clip trình diễn thời trang chảnh chất từ vải tái chế; cách nhuộm vải bằng vỏ… củ hành tây; cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia đình đám vừa đoạt giải một cuộc thi ảnh thời trang; cách tập luyện và công thức làm đồ uống giữ dáng…
Trang phục từ vải tái chế của Hà Thu và Tuấn Hiệp lấy cảm hứng từ công nhân vệ sinh.
Cụ thể, ở nhóm nội dung về tạo dựng phong cách, bạn sẽ được anh chàng Thọ Hiệp cùng cô em người mẫu không chuyên hướng dẫn bạn những mẹo làm mới tủ quần áo. Anh bạn Trọng Quý sẽ giúp bạn gỡ rối cho ngày “không biết mặc gì”. Thú vị hơn nữa là clip tranh thủ tận dụng tủ đồ của mẹ của cô sinh viên kiêm mẫu ảnh Khánh An. Điểm chung của các clip này đều là làm mới từ đồ cũ, góp phần tiết kiệm chi tiêu, hạn chế rác thải.
Các sinh viên thời trang thể hiện khả năng tư vấn, tạo mẫu với các chủ đề thực tế.
Với nhóm nội dung về tự chế thời trang, bạn sẽ được tận mắt theo dõi cô sinh viên người Cuba Vanessa tỉ mẩn tự làm những món trang sức nhỏ xinh trong những ngày tháng giãn cách. Đặc biệt hơn, cô bạn “nhỏ mà có võ” Hồ Phương Mai (chủ sở hữu kênh Tiktok gần 70 ngàn follow) sẽ đưa bạn vào thế giới của những người sản xuất nội dung trên mạng xã hội (Instagram, Tiktok) với các tips như: nên sắp đặt góc quay chụp trong nhà như thế nào, chọn nền nào cho da sáng đẹp, dùng những app chỉnh ảnh nào hiệu quả, cách chỉnh chi tiết… Tất cả đều bám sát tiêu chí tiết kiệm.
Thực tế một góc “studio” trong nhà của Hồ Phương Mai.
Nội dung về thời trang xanh mang đến cực kỳ nhiều kiến thức và khám phá hay. Nhiều người sẽ bất ngờ khi biết có thể dùng vỏ hành tây để nhuộm màu vải qua phần hướng dẫn của cô bạn Phan Thủy Tiên, quá trình dọn tủ chuẩn bị cho sự kiện trao đổi đồ qua zoom của nữ sinh viên Châu Bùi. Chuyên nghiệp hơn nữa là những nội dung chia sẻ của Nguyễn Lê Hà Thu về quá trình sản xuất đồ denim đã gây hại cho môi trường như thế nào. Cách sáng tạo với đồ denim và một bộ cánh chất lừ của sinh viên LCDF- Hà Nội thiết kế từ vải tái chế.
Mất khoảng 10.000 lít nước để sản xuất ra một chiếc quần jeans. Cùng với đó là các hóa chất nhuộm độc hại thải ra nguồn nước. (Ảnh: Racked)
Với cách thể hiện mới mẻ, sinh viên Bùi Lê Ngọc Vy trở thành người tổ chức và dẫn chương trình hấp dẫn tại talkshow phỏng vấn Nhà thiết kế Lê Ngọc Hà Thu - Quán quân cuộc thi thiết kế thời trang bền vững lớn nhất thế giới Redress Design Award 2020. Sinh viên Trần Phi Yến thổi làn gió mới qua cuộc phỏng vấn cùng nhiếp ảnh gia Trịnh Trần (Yukimusarai) – Giải nhất cuộc thi ảnh Proudly Vietnam. Qua đây, mọi người sẽ hiểu thêm về phong cách phi giới tính qua nhiếp ảnh thời trang.
Talkshow của Bùi Lê Ngọc Vy cùng Nhà thiết kế Lê Ngọc Hà Thu đưa tới nhiều kiến thức sâu về thời trang bền vững.
Sinh viên LCDF Hà Nội dẫn dắt cuộc trò chuyện với nhiếp ảnh gia Trịnh Trần.
Ngoài nội dung phong phú và tích cực, chuỗi sự kiện mang tên Fashion Station (Trạm Thời trang) còn ghi điểm bởi sự tự nhiên, chân thực mang phong cách một chương trình đến từ sinh viên, khác với các sự kiện thời trang trên truyền hình. Cũng có những clip quay dựng chuyên nghiệp, nhưng bạn sẽ thấy ở đây sự gần gũi đến từ những người mẫu không sở hữu số đo chuẩn, những tư vấn cực kỳ thật cho hội mê chụp ảnh ảo, chơi Instagram, Tiktok, các góc quay chân thực ngay tại trường hay tại nhà của các sinh viên hoặc những phút giây bối rối vì chưa bí câu trả lời khi được người xem đặt câu hỏi…
Với tính chất gần gũi này, những người sáng lập của Trạm Thời trang – các sinh viên ngành Truyền thông & Marketing Thời trang LCDF Hà Nội - kỳ vọng sẽ mang tới sự đồng cảm lớn, giúp người xem tìm thấy mình ở đó, cảm thấy tự tin hơn để theo đuổi thời trang.
LCDF-Hanoi