Duy Hoàng – Nhà thiết kế ghi dấu với style đồ rap
Profile nhân vật:
- Hoàng Quang Duy – 1998 – Phú Thọ
- Tốt nghiệp khoa Thiết kế Thời trang - Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội
- Từng trình diễn Bộ sưu tập tại Vietnam International Fashion Week 2020.
- Là nhà thiết kế được nhiều rapper, DJ Việt yêu thích : Big Daddy –Emily, Erik, Yanbi, Gizmo, DJ Trần Phi Thành, DJ Tilo, rapper Tony D…'
Duy Hoàng tại sân khấu Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam 2020.
Duy Hoàng có thể nói qua về phong cách thiết kế của mình?
Mình lấy cảm hứng từ những biker trên thế giới, nhấn mạnh đến phom dáng, những đường cắt thời trang ứng dụng và có thể mặc nhiều kiểu tuỳ theo mong muốn, bởi vì với mình mỗi người đều là nghệ sỹ và mình chỉ là người đưa cho họ những dụng cụ để tạo nên tác phẩm riêng.
Mình có sở thích đi phượt, mỗi một chuyến đi là một trải nghiệm và mình đã đưa những trải nghiệm riêng từng vùng đất vào thiết kế. Ví dụ: hình in ở Bộ sưu tập thời trang vừa rồi lấy cảm hứng từ một lần đi giữa biên giới Việt Nam – Lào. Mình thấy những vách núi đá có những hoạ tiết rất thú vị và mạnh mẽ nên mình đã lấy ý tưởng từ vách núi đó để làm hình in.
Bộ sưu tập có tone màu chủ đạo là vàng, xanh lam, họa tiết rằn ri. Họa tiết lấy cảm hứng từ núi thể hiện tinh thần mạnh mẽ, kiên cường.
Các thiết kế của Duy Hoàng đã đến với giới nghệ sĩ như thế nào?
Lần đầu tiên là sự kết hợp giữa mình và rapper Tony D. Khi Tony D. đang thi chương trình Rap Việt mùa 1, sau đó đã có nhiều người để ý hơn đến thiết kế của mình. Mình và Tony đã hỗ trợ nhau trong Vietnam International Fashion Week khá thành công.
Sau đó, những rapper và DJ khác đã liên hệ và muốn cùng hợp tác cho những sản phẩm của họ như: vợ chồng Big Daddy –Emily, Erik, DJ Trần Phi Thành, DJ Tilo, Yanbi, Gizmo. Mình đang hợp tác với anh Cường Seven, nhóm Spacespeakers (đế chế Rap, Hiphop nổi tiếng nhất Việt Nam).
Phong cách độc lạ của Duy Hoàng rất được các nghệ sĩ giới underground như vợ chồng Big Daddy – Emily, rapper Yanbi, Gizmo yêu thích.
Duy có thể chia sẻ một vài điều đáng nhớ khi thiết kế cho các DJ, rapper?
Mỗi lần kết hợp làm việc với rapper mình cảm nhận được cuộc sống của mình cũng giống họ, cũng tự do, cũng đường phố giống với con người của mình.
Như mọi người cũng đã biết mình chuyên làm đồ nam và có lần mình làm cho một bạn ở team Spacespeakers cũng khá là khó khăn khi vóc dáng người bạn rất nhỏ, vòng eo khiến các chị em phải mơ ước và nhiệm vụ là phải làm sao cho hài hoà khi mặc lên che được khuyết điểm đó và vẫn tôn được dáng bộ đồ.
Nhà thiết kế cũng là nghề làm dâu trăm họ nên khi khách hàng đã bỏ tiền để có những thiết kế riêng của mình thì ai cũng phải khắt khe và khó tính. Hiểu được điều đó nên khi thiết kế mình luôn cố gắng để khi xem sản phẩm, khách hàng sẽ phải “wow” chứ không phải “um cũng được”.
Có 1 câu chuyện khá là vui là mình và Tony D. sau khi đã thân thiết, lúc đó cả 2 đều rất nhiều việc và stress khá nhiều. 2 người nói chuyện với nhau than thở về công việc bề bộn xong, 1 trong 2 nói hay trốn vài hôm đi đâu đó tắt điện thoại không liên lạc với ai nữa và cả 2 chốt luôn 4h sáng hôm đó đi Đà Lạt và chuẩn bị 2 tiếng sau khi cuộc nói chuyện kết thúc. Có những trải nghiệm khá là thú vị và cho cả 2 có nhiều năng lượng hơn sau chuyến đi.
Tony D là thí sinh từng gây chú ý tại Rap Việt mùa 1. Anh cũng là người mở màn cho Bộ sưu tập của Nhà thiết kế Duy Hoàng tại Tuần lễ thời trang quốc tế Việt nam.
Cái tôi của các Rapper, DJ chắc còn cao hơn những nghệ sĩ, ca sĩ khác, điều đó có ảnh hưởng như thế nào tới quá trình thiết kế của bạn?
Cũng khá là thú vị khi nhắc đến vấn đề này vì mỗi rapper đều có chất riêng những cái tôi rất cao và để thoả mãn điều đó thì họ cần những cái thật sự khác người. Vậy nên khi thiết kế họ không muốn bất cứ gì bị trùng lặp và giống ai đó cả về màu sắc lẫn chi tiết nhỏ nhất.
Trước khi hợp tác với 1 rapper nào đó mình sẽ phải nghiên cứu và tìm hiểu về họ những điểm nổi bật để có thể đưa cái chất riêng của họ vào trong thiết kế. Ví dụ như sở thích, hay linh vật của từng người. Có 1 câu mình luôn giữ trong đầu khi thiết kế là “muốn hơn người thì phải khác người”.
Vậy còn cái tôi của nhà thiết kế thì sao?
Mình khá là khắt khe khi làm việc. Nếu khách sử dụng lại thiết kế trong Bộ sưu tập của mình, mình muốn họ mặc theo cách của họ chứ không được giống những gì đã phối trước đó. Mình muốn đồ của mình không chỉ mặc được 1 kiểu và có thể mặc được theo nhiều cách khác nhau.
Còn khi thiết kế đồ riêng cho khách, mình không muốn họ tự ý thay đổi thiết kế của mình. Mình sẽ nghe những góp ý của họ và mình sẽ làm ngược lại điều họ muốn theo cách khiến họ phải trầm trồ. Lý do là nếu họ tự làm được thì không cần mình phải thiết kế còn khi đã muốn mình thiết kế thì phải tôn trọng những gì Nhà thiết kế làm ra. Đương nhiên khi họ nhận được sản phẩm thì họ sẽ chỉ “wow” chứ không phải là “um cũng được”.
Nhà thiết kế Duy Hoàng mong muốn khách hàng sẽ có cách mặc sáng tạo khác nhau với cùng một bộ đồ.
Khác biệt khi thiết kế đồ ứng dụng và đồ biểu diễn mà nhà thiết kế cần chú ý là gì?
Khi làm đồ biểu diễn, ta có thể bay hết mình và bay thoải mái theo ý tưởng của bản thân. Còn ứng dụng là sẽ tiết chế từ những đồ biểu diễn để có thể những người thường không phải người nổi tiếng vẫn có thể mặc ra đường được và làm cho họ tự tin.
Với công việc thiết kế đồ cho giới nghệ sĩ rap, underground cá tính mạnh, đăc thù là mỗi người có một vóc dáng riêng không chuẩn như người mẫu nên khi thiết kế phải làm sao cho phù hợp với từng người, che những khuyết điểm của họ và đặc biệt là phải có chất riêng của mỗi người.
Một thiết kế dành riêng cho Erik tại show The Heroes.
Những khó khăn bạn từng gặp khi theo đuổi ngành thiết kế này là gì?
Mình nghĩ stress lớn nhất mà ai cũng phải vượt qua để trở thành Nhà thiết kế là đối diện với sự từ chối của khách hàng. Có thể khách hàng không hiểu được những gì mình mang vào thiết kế nhưng càng như vậy mình lại càng muốn cố gắng để thể hiện bản thân và làm cho khách hàng hài lòng. Đôi khi cũng có khoảng thời gian bị tụt mood, những lúc như vậy thì không làm được gì nhưng vài lần cũng biết cách kiểm soát nó và trở lại như bình thường. Đó cũng là nguyên nhân của chuyến đi phượt thần tốc với Tony D như kể trên.
Mình muốn các bạn trẻ hiểu rằng thời trang không màu hồng như các bạn đang nghĩ. Nếu muốn theo đuổi nó thì xác định sống chết với nó và đừng bao giờ nản chí, suy nghĩ liên tục không được dừng lại, vì ngành công nghiệp thời trang đào thải rất nhanh. Bạn ngừng nghĩ nghĩa là bạn bị loại.
LCDF-Hanoi