News from LCDF

Sinh viên LCDF-Hanoi làm giám khảo cuộc thi thời trang ở tuổi 19

lcdf-hanoi-sinh-vien-vy-bui-05.png

Vy Bùi đạt điểm tuyệt đối ở hầu hết các môn trong khi học cùng lúc hai chuyên ngành tại LCDF-Hanoi là Thiết kế thời trang, Truyền thông và Marketing thời trang. Hơn thế nữa, cô bạn còn đồng thời làm nhiều công việc ngay khi còn là sinh viên năm nhất. Đặc biệt, cô nàng vừa trở thành giám khảo cuộc thi thiết kế thời trang Dias ở tuổi 19.

lcdf-hanoi-sinh-vien-vy-bui-01.png

Bảng thành tích “gây choáng” của cô bạn 19 tuổi của LCDF- Hanoi.

Trên trang blog của mình, Bùi Lê Ngọc Vy đã đúc kết ra “5 điều cần tránh khi học thiết kế thời trang”, cùng xem đó là gì nhé!

1 - Suy nghĩ tiêu cực:

Với cường độ học tập và làm việc liên tục, Vy Bùi từng trải qua cũng như chứng kiến bạn bè xung quanh vướng phải những ngày bế tắc. Vy thừa nhận cần thời gian để rèn luyện tinh thần “thép” nhưng có 2 thời điểm “nhất định” không được để bản thân rơi vào trạng thái chán nản: “quá trình đi tìm ý tưởng thiết kế” và “quá trình may rập”.

Thứ nhất, quá trình đi tìm ý tưởng thiết kế là thời điểm bạn cần mở mang tâm trí để xác định bộ sưu tập hay đồ án của mình làm về chủ đề gì. Đừng trách bản thân vì chưa thể có một ý tưởng hay, cũng đừng sợ khi bạn cảm thấy tâm trí mình trống rỗng. Bạn phải có khoảng trống thì mới có thể tiếp nhận cái mới và bạn phải sai thì mới có cơ hội nhận ra thế nào là đúng.

Thứ hai, may rập là một trong những giai đoạn nhạy cảm nhất về mặt tâm lý đối với phần lớn sinh viên thiết kế thời trang. Hầu hết chúng mình chưa có kinh nghiệm từ trước với công việc này và thường cảm thấy vô cùng khó khăn khi phải làm quen với các kĩ thuật may mặc. Mình hãy cứ làm thôi, hỏng thì hít một hơi thật sâu và tự nhủ “sai thì làm lại!”, “rồi kiểu gì cũng phải xong thôi". Mình đã thực hiện và cảm thấy nó giúp ích rất nhiều!”- Ngọc Vy chia sẻ.

lcdf-hanoi-sinh-vien-vy-bui-02.png

Cùng lúc học hai ngành Fashion Marketing và Fashion Design tại LCDF-Hanoi giúp cho Bùi Lê Ngọc Vy đúc rút ra kinh nghiệm và cái nhìn khách quan trong thời trang.

2- So sánh phong cách của bản thân mình với người khác

Theo quát sát của Ngọc Vy, có 2 kiểu suy nghĩ phổ biến: so sánh để rồi tự ti vào bản thân, và so sánh để tự mãn trên sự sáng tạo của người khác.

Không chỉ trong thời trang, ngành công nghiệp sáng tạo là một thế giới rộng lớn và cởi mở với như tư duy khác biệt, đồng nghĩa với việc người làm sáng tạo phải quen với những ý kiến trái chiều.

Vy Bùi tâm sự: “Chúng ta không sáng tạo chỉ để làm hài lòng ai đó và người khác cũng không có nghĩa vụ phải làm vậy với ta. Một khi có thói quen so sánh, điều đó có nghĩa quan điểm nghệ thuật của ta bị phụ thuộc vào một đối tượng thứ 3 và đôi khi sẽ mất đi chính kiến. Tầm nhìn hạn chế về bản thân cũng như về người khác sẽ phần nào cản trở sức sáng tạo của bạn”.

lcdf-hanoi-sinh-vien-vy-bui-03.jpg

Tác phẩm đề án học kỳ 1 ngành Thiết kế thời trang tại LCDF - Hanoi của Bùi Lê Ngọc Vy.

3- Không phân biệt được việc trùng lặp ý tưởng và vấn đề đạo nhái

“Việc thiết kế của bạn đôi khi vô tình có nét hao hao của ai đó không phải là điều đáng trách. Thậm chí việc phong cách của bạn được ảnh hưởng và truyền cảm hứng từ người đi trước cũng hết sức bình thường, bạn không cần tự ti về điều đó. Tuy nhiên, nếu bạn bắt chước quá nhiều, nhất là phạm vào những chi tiết mang tính “signature style" của họ thì có thể coi là đạo nhái. Để kết luận điều này, ta cần có những cơ sở nhất định”. - Cô nàng đạt nhiều điểm tuyệt đối nhất LCDF - Hanoi thẳng thắn bày tỏ.

Sự thật cho đến nay, “trùng lặp hay đạo nhái” vẫn là đề tài bàn cãi muôn thuở không riêng gì trong thời trang mà bất cứ lĩnh vực sáng tạo nào. Khi các nhà thiết kế có lập trường vững vàng, trang bị kiến thức và đạo đức làm nghề thì đối mặt với tranh cãi không còn đáng ngại.

lcdf-hanoi-sinh-vien-vy-bui-04.jpg

Ngọc Vy lấy ví dụ về màn “đụng độ” lịch sử trong thời trang giữa hai nhà mốt đình đám là Balmain và Givenchy: trùng lặp mẫu vest khoét eo trong cùng một mùa.

4- Thiết kế phóng tay mà không suy tính cách hiện thực hóa thành phẩm

“Thiết kế trên giấy của bạn phải có khả năng thực hiện bởi chính bạn, chứ không phải một thiết kế mà bạn chỉ có thể đi thuê may”.

Đó là kinh nghiệm xương máu cô bạn rút ra sau những bài chạy đồ án “mướt mồ hôi” mà Vy phải đáp ứng yêu cầu của các giảng viên Anh Quốc cực kỳ khó tính tại LCDF-Hanoi: Trong quá trình học thiết kế, bạn sẽ được yêu cầu tự ra rập và làm mẫu mộc, sẽ có những thời điểm bạn không thể trốn tránh việc đó bởi nó là môn học.

Để làm ra một thiết kế bạn có khả năng may được, bạn cần hiểu rõ ưu và nhược điểm của mình trong may mặc. Khi chưa học tới phần kiến thức về rập ở những kiểu dáng quá cầu kỳ hay các kĩ thuật xử lý chất liệu, Ngọc Vy chia sẻ “mẹo” nhấn vào kích cỡ để vẫn tạo được ấn tượng về thị giác.

lcdf-hanoi-sinh-vien-vy-bui-05.png

Giữa nhiều áp lực, Vy đã khéo sử dụng thế mạnh bản thân để làm điểm nhất gây ấn tượng trong những đồ án phức tạp tại LCDF-Hanoi

Thiết kế của mình tưởng chừng phức tạp vì nó ngốn vải, nhưng bóc tách các chi tiết thì cũng không quá phức tạp. Còn ví dụ bạn mình chỉ thích những phom dáng tối giản thì sẽ nhấn vào textile & texture - xử lý bề mặt vải, các hiệu ứng nổi”. - Ngọc Vy chia sẻ.

5- Thu mình, không thử sức với những cái mới

Vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân chưa bao giờ dễ dàng, cũng giống như việc bạn thay đổi một thói quen. Ngọc Vy không ngại thử sức những lĩnh vực khó, để mở mang hiểu biết, hiểu sâu về chuyên môn.

Thời gian đầu, có những thứ mình cần điều chỉnh bản thân khi tiếp nhận cái mới, mọi thứ từng rất khó khăn và khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Cách duy nhất mình làm là hạ cái tôi xuống và tập mở mang tâm trí, nhìn nó một cách đa chiều hơn, tiếp thu quan điểm của người khác và kết hợp nó với lăng kính của mình”.

Cảm ơn những chia sẻ của Bùi Lê Ngọc Vy, chúc Vy sẽ sớm đạt được ước mơ trở thành Nhà thiết kế và Kinh doanh thời trang xuất sắc. Trong kỳ tới, bạn muốn được gặp nhân vật nào tại LCDF-Hanoi nhỉ? Đừng quên chia sẻ và tag fanpage London College for Design & Fashion - Hanoi để bày tỏ với chúng mình nhé!