15 câu hỏi nhà thiết kế nội thất cần chuẩn bị khi tìm hiểu khách hàng
- tuan
- Aug. 30, 2021
Nhà thiết kế Nội thất càng có nhiều chi tiết về nhu cầu, thói quen, quan điểm sống của khách, càng dễ tạo nên bản thiết kế gây thỏa mãn.
1- Hãy nói qua cho tôi về nhu cầu của bạn?
Câu hỏi mở đầu để bắt đầu mọi dự án đặc biệt là khi lần đầu làm việc với khách hàng qua điện thoại. Các thông tin cơ bản nhất sẽ được ghi lại và từ đó bạn sẽ phát triển ra một loạt câu hỏi.
2- Ngân sách của bạn là bao nhiêu?
Nhiều Nhà thiết kế e ngại việc ngay từ đầu đã nhắc đến tiền nhưng không nên phí thời gian của đôi bên nếu ngân sách mà họ có thể chi trả không tương xứng với dịch vụ của bên thiết kế. Ngân sách nhiều hay ít còn quyết định tới mức độ đầu tư của nhà thiết kế, vật liệu, đồ nội thất được lựa chọn. Ngoài ra, đừng quên thảo luận phương thức thanh toán, các điều khoản khi sửa lại thiết kế.
Sự chênh lệch giữa ngân sách và kỳ vọng của khách hàng luôn là vấn đề trong thiết kế.
3 - Bạn yêu cầu tiến độ của dự án như thế nào, trong bao lâu?
Thời gian dài hay ngắn theo quy chuẩn của khách hàng và Nhà thiết kế là khác nhau. Khách có thể nói “Chúng tôi không vội, trong 1 tuần bạn hoàn thành xong căn phòng này cũng được” trong khi bạn đang nghĩ “Dự án này cũng đơn giản, chắc nửa tháng là có thể xong rồi”. Có gì đó không đúng ở đây nhỉ?
4 - Ai là người có vai trò quyết định chính ở dự án này?
Câu hỏi cần thiết đặc biệt trong trường hợp thiết kế cho hộ gia đình. Đôi khi sẽ rất khó khi cả hai vợ chồng cùng đưa ra ý kiến và bạn không biết nghe ai. Hãy để họ chốt một đầu mối làm việc với Nhà thiết kế và công việc của bạn sẽ suôn sẻ hơn.
Quan điểm thẩm mỹ, nhu cầu thiết kế của các cặp vợ chồng thường có nhiều khác biệt. Nhà thiết kế sẽ vô cùng khó xử nếu làm việc cùng lúc với cả hai.
5 - Mục đích bạn muốn hướng tới trong dự án này là gì?
Cần xác định những không gian nào sẽ được thiết kế, khách hàng muốn sử dụng không gian đó với mục đích gì; tính năng hiện có nào đó của không gian có bị thay đổi không…
Nếu khách hàng nói họ cực thích kiểu cổ điển trong khi bạn lại chuyên về hiện đại, màn hợp tác này có thể không thành công hoặc sẽ khiến bạn phải gồng quá sức. Đừng cố nhận dự án có phong cách, thế mạnh không hợp chỉ vì tiền. Làm việc với khách hàng đánh giá cao, đồng quan điểm về phong cách sẽ giúp công việc suôn sẻ và cả hai bên đều dễ chịu.
6 - Điều mà bạn thích/không thích ở không gian hiện tại là gì, bạn muốn giữ lại gì?
Có người sẽ nói họ thích ánh sáng tự nhiên của căn phòng, màu sắc sơn tường, ô cửa sổ nhìn ra vườn cây, muốn xóa bỏ sự tù túng của các bức tường ngăn cách hoặc đơn giản chỉ là họ muốn giữ lại hướng nhà và nhà thiết kế toàn quyền quyết định.
7 - Phong cách thiết kế mà bạn thích là gì?
Khách có thể nói về phong cách tân cổ điển, Bắc Âu, vintage, đương đại, tương lai, tối giản, gần gũi thiên nhiên… hoặc trong trường hợp họ không thể tả bằng lời nói, hãy đặt câu hỏi tiếp.
Có rất nhiều phong cách, trường phái nội thất khác nhau với những đặc trưng riêng.
8 - Tôi có thể xem vài mẫu thiết kế mà bạn thích?
Một cách nhanh chóng để xem quan điểm, phong cách thiết kế của bạn và khách hàng có tương đồng. Đôi khi khách mô tả một đằng nhưng hình ảnh họ thích lại một nẻo vì cách dùng từ hoặc do hai bên “không cùng kênh ngôn ngữ”.
Một căn hộ theo phong cách thiết kế tân cổ điển.
9 - Người sử dụng (thành viên gia đình, khách hàng) thường làm gì trong không gian này?
Nắm được các thói quen hành vi của của người dùng, nhà thiết kế sẽ tạo ra được không gian có chức năng phù hợp. Ví dụ: thiết kế phòng khách lịch sự để gia đình có thể quây quần mà vẫn có thể tiếp đối tác.
10 - Độ tuổi, đặc điểm, tính cách, sinh hoạt của những người thường sinh hoạt trong không gian này là gì?
Thông tin của người sử dụng là cực kỳ quan trọng vì chúng có ảnh hưởng tới quyết định màu sắc, vật liệu, cách bố trí đồ nội thất…
Nhìn vào thiết kế phòng ngủ này có thể thấy Nhà thiết kế đã tìm cách thỏa mãn tình yêu đại dương của chủ nhân.
11 - Có sở thích hay hoạt động hay yêu cầu đặc biệt nào bạn muốn đưa vào không gian này không?
Có khách hàng sẽ muốn phòng ngủ thành không gian đọc sách, xem phim, muốn phòng bếp có sự liên kết nhiều hơn với bên ngoài, không gian thuận tiện cho xe lăn, cho người không thể với cao…
12 - Có những đồ nội thất, chi tiết nào bạn muốn có trong không gian này?
Nhà thiết kế cần tính toán không gian cho những đồ nội thất bắt buộc phải có. Ví dụ: có những gia đình muốn lắp màn hình treo tường xem phim, đặt máy tập chạy trong nhà…
13 - Bạn thấy sản phẩm giá này có thể chấp nhận không?
Định giá về đắt/rẻ của mỗi người một khác nhau tùy vào quan điểm, điều kiện kinh tế. Khách của bạn có thể nghĩ gạch lót sàn nhà tắm 30x30cm giá 300 ngàn là đắt trong khi có những người cho rằng nó khá rẻ. Thường xuyên đặt câu hỏi tương tự với các đồ nội thất, vật liệu mà bạn định đưa vào thiết kế.
Khách hàng hẳn sẽ rất vui nếu được cung cấp nhiều lựa chọn với mức giá khác nhau.
14 - Tôi cần làm việc với nhà thầu phụ/đơn vị nào khác?
15 - Bạn từng làm việc với nhà thiết kế nào trước đó chưa?
Nếu câu trả lời là có, hãy hỏi thêm lý do tại sao. Nếu khách hàng có nhiều điều không hài lòng với Nhà thiết kế trước đó, có thể bạn sẽ gặp vấn đề giống như vậy. Hãy cân nhắc để điều chỉnh hoặc rút khỏi dự án nếu cảm thấy mình không phù hợp.
Nếu muốn theo đuổi ngành Thiết kế Nội thất và Kiến trúc một cách chuyên nghiệp, bạn hãy tìm hiểu chương trình đào tạo này tại Học viện Thiết kế và Thời trang London tại Hà Nội. Sinh viên được đào tạo chi tiết từ A-Z các kỹ năng thực tế và vững chắc cho nghề nghiệp tương lai của mình. Từ đó, sinh viên tốt nghiệp hoàn toàn tự tin khi làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trong ngành thiết kế nội thất mà không bị rơi vào tình cảnh giỏi lý thuyết, kém thực hành.