Những thiết kế nội thất đậm hơi thở bền vững từ sinh viên
Học viện Thiết kế & Thời trang London Hà Nội LCDF - Hanoi luôn là trường thiết kế đi đầu về đào tạo thiết kế bền vững ở Việt Nam. Với các sinh viên Thiết kế Nội thất & Kiến trúc, họ thường xuyên phải thực hiện các đề án đáp ứng tiêu chí thiết kế thân thiện với môi trường. Giảng viên Anh quốc từng cùng sinh viên tới các kho phế liệu để tìm kiếm nguyên vật liệu.
Để rồi sau đó cho ra đời những chiếc đèn làm từ ống nước không đụng hàng như thế này.
Không chỉ là lên ý tưởng, sinh viên khoa Nội thất ở LCDF-Hanoi trực tiếp tham gia vào khâu sản xuất đồ nội thất, mô hình thiết kế. Điều này giúp họ nắm rõ được quy trình sản xuất, hiểu hơn về vật liệu – một trong những phần kiến thức đặc biệt cần thiết với các nhà thiết kế nội thất.
Mỗi nội dung học như thiết kế đồ nội thất, vật liệu, thiết kế không gian, tìm hiểu ngữ cảnh, văn hóa… đều yêu cầu sinh viên nộp lại bản mô tả chi tiết về quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, mô hình/sản phẩm hoàn thiện… Vì phải tự tìm tòi, thực hành và đi trải nghiệm nên sinh viên tuy vất vả nhưng sẽ ngấm được rất nhiều kiến thức thay vì chỉ tiếp nhận một chiều từ giảng viên.
Đây là sản phẩm của một sinh viên khi được yêu cầu tạo ra những chiếc ghế hoàn toàn không dùng ốc, vít hay keo kết dính. Tất cả chỉ là những mảnh gỗ ghép lại.
Bạn có tin những chiếc ghế này được làm từ vỏ mít, vỏ hộp sữa nghiền… Để có được những sản phẩm làm từ vật liệu tái chế như thế này, sinh viên đã trải qua một bài tập thú vị: tự sáng tạo các vật liệu mới từ phế thải.
Đây là một góc những mẫu vật liệu thử nghiệm làm từ phế thải như: bã trà, hoa cúc, ống hút nhựa, nhãn… Quá trình thử nghiệm bằng cách nén, nung, rèn, nướng… phế liệu mang tới cho sinh viên không ít phát hiện mới và rất nhiều thất bại nhưng đã giúp các nhà thiết kế tương lai hiểu sâu hơn về lĩnh vực vật liệu tái chế - một xu hướng đang lên.
Những sản phẩm 3D nghệ thuật từ rác thải này có thể khiến bạn liên tưởng tới gì?
Bản thiết kế quán café không chất thải của sinh viên người Nga Jenia Ivanicheva. Theo yêu cầu của đề bài, sinh viên phải thiết kế một quán cà phê pop-up theo mô hình ZERO-WASTE (không chất thải) và sẽ được đặt tại khuôn viên nhà trường LCDF - Hanoi.
Ở đề án thiết kế không gian triển lãm, sinh viên Nguyễn Minh Hiền đã sử dụng chỉ thừa từ một công ty may để tạo ra những vật liệu trang trí. Mục đích là khi triển lãm kết thúc, có thể thu hồi lại các vật liệu này, không tạo ra rác thải và hoàn toàn có thể tiếp tục sử dụng với mục đích khác.
Trong thiết kế triển lãm lấy cảm hứng từ nhà tập thể cũ của sinh viên Phương Thảo, những hình khối hoa văn trên cửa sổ được làm từ vật liệu tái chế đặc biệt.
Đó là những mảnh hộp sữa được nghiền và ép lại tạo nên vật liệu mới chắc chắn không kém gì mica hay xi măng.