Câu chuyện của những Nhà thiết kế trẻ theo đuổi thời trang bền vững
- tuan
- June 14, 2021
Theo Liên hợp quốc, ngành thời trang đứng thứ hai thế giới về ô nhiễm môi trường. Theo National Geographic, để tạo ra một chiếc quần jeans xanh, phải mất 11.000 lít nước. Mỗi năm trung bình lượng sản phẩm thời trang dư thừa toàn cầu vượt quá 100 tỷ sản phẩm. Đó là những con số khiến vài năm gần đây, xu hướng thời trang bền vững (eco fashion, sustainable fashion) càng được quan tâm.
Thời trang bền vững được thể hiện qua nhiều cách như sử dụng vải an toàn, tự nhiên, hạn chế vải thừa, hạn chế rác thải, bền vững với con người, môi trường, mua sắm có chọn lọc…
Học viện Thiết kế và Thời trang London tại Hà Nội nổi tiếng là nơi tập trung những Nhà thiết kế đi đầu về thời trang bền vững như: Nhà thiết kế Vũ Thảo với thương hiệu Km109, Nhà thiết kế giành chiến thắng cuộc thi thiết kế Thời trang châu Á Vũ 2013 Tá Linh, Quán quân cuộc thi thiết kế thời trang bền vững 2020 thế giới Lê Ngọc Hà Thu v.v...
Hãy cùng lắng nghe những Nhà thiết kế tương lai chia sẻ câu chuyện của họ về những bước đi đầu tiên lựa chọn thời trang bền vững.
Khâu tay hàng nghìn mảnh vải nhỏ
Các mảnh ghép được cắt và phối màu dựa trên ý tưởng mô phỏng những mảng tường rêu mốc bong tróc ở các khu ổ chuột.
Đào Thu Trang đã sử dụng vải denim cũ mua từ hàng thùng và xin từ người quen, sau đó cắt chúng thành hàng nghìn mảnh nhỏ ghép lại, khâu đột bằng tay. Trung bình mỗi sản phẩm cô mất 500 giờ thực hiện.
Không chỉ tận dụng vải cũ, các sản phẩm thiết kế của Thu Trang còn được thiết kế đa chức năng, dễ phối cho nhiều phong cách nhằm kéo dài tuổi thọ sản phẩm. Cô chia sẻ: “Là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 5 trên thế giới, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Đứng trước nguy cơ đó, tôi muốn vận dụng các kỹ năng và kinh nghiệm học được ở LCDF-Hanoi để trở thành một nhà thiết kế thời trang tái chế trong xu hướng thời trang bền vững”.
Hàng giờ đun gỗ, đặt vải công nghệ mới từ nước ngoài
Nhà thiết kế tương lai Bùi Thanh Lam nói về Bộ sưu tập của mình: “Vải đều được dệt từ sợi tự nhiên như lanh, 100% cotton, len cừu Merino và lụa, organza được dệt từ sợi polyester tái chế. Mình tự nhuộm vải từ A-Z để nước nhuộm không gây hại cho môi trường”.
Các màu sắc trong Bộ sưu tập của Thanh Lam như nâu cam, nâu, đen đều được nhuộm từ chất liệu tự nhiên như gỗ vang, mặc nửa, và nghệ.
Thời kỳ làm Bộ sưu tập tốt nghiệp, nhà của Thanh Lam như một xưởng chế biến thu nhỏ vì chất đầy các nồi đun gỗ, những chậu cỡ đại để nhúng vải.
Chiếc áo vest 100% vải tự nhiên trong Bộ sưu tập của Thanh Lam.
Để đảm bảo Bộ sưu tập sử dụng những chất liệu thân thiện nhất với môi trường, Nhà thiết kế còn nhập thêm vải da dứa từ Tây Ban Nha. Vải da dứa (Pinatex) làm từ lá dứa có thể tự phân hủy và thay thế cho chất liệu da động vật. Theo ước tính, để tạo ra một m2 vải Pinatex, cần khoảng 480 lá dứa, chi phí sản xuất thấp hơn da động vật.
Lượng quần jeans cũ hùng hậu từ bạn bè… của bố
Bộ sưu tập thời trang tốt nghiệp của Phạm Trung Anh lấy cảm hứng từ nước Nga. Nhà thiết kế tương lai đã biến tấu các mảng miếng từ quần bò cũ để tạo ra những sản phẩm hoàn toàn mới.
Trung Anh kể lại hành trình thu thập vải: “Mình đã đi tìm vải bò ở chợ và nhờ trường để có thể xin trực tiếp vải bò từ một thương hiệu chuyên đồ denim nhưng đều không đáp ứng được nhu cầu vì chất vải hơi dày và không có nhiều sắc độ như mình muốn. Mình đăng bài kêu gọi góp những đồ bò cũ, nhờ bố mẹ kêu gọi bạn bè, cuối cùng mình đã có một số lượng đồ bò cũ khá nhiều. Điều thú vị là trong số đó, có 30 chiếc quần jeans được góp từ một vài người bạn hồi du học Nga của bố. Câu chuyện du học Nga, thanh xuân tươi đẹp của bố cũng chính là ý tưởng cho bộ sưu tập của mình".
Những chiếc quần jeans cũ được chuyển sang một vòng đời mới dưới hình hài các mẫu váy, áo hiện đại.
Chiếc áo vest 100% vải tự nhiên trong Bộ sưu tập thời trang của Thanh Lam.
Cũng giống như Thanh Lam, Bộ sưu tập của Quỳnh Anh có 80% vải được nhuộm màu tự nhiên từ lá chàm và củ nâu giảm thiểu các chất hoá học từ màu hoá học ra môi trường. Nhà thiết kế còn hạn chế vải thừa bằng cách tận dụng vải vụn, vải cắt còn dư để trang trí.
Quỳnh Anh nói về Bộ sưu tập lấy cảm hứng từ thời bao cấp của mình: “Màu chính trong Bộ sưu tập của mình là màu nâu thể hiện sự cổ xưa và màu xanh dương là từ áo đại cán dành cho lãnh đạo thời bao cấp. Thế nên hầu hết chỉ cần tới các màu nhuộm tự nhiên. Ngoài ra, mình cũng dùng vải dư để làm chi tiết trang trí cho trang phục".
Bộ sưu tập mang tên “Hoài niệm” với các màu xưa cũ.
Màu nhuộm được tạo ra từ quá trình đun gỗ.
“Vì dùng vải tự nhiên nên mình thường phải đặt trước 1-2 tuần, ít khi có sẵn vải lắm. Có những loại vải phải đợi đến 3-4 tuần để được nhuộm đúng màu mình thích' – Quỳnh Anh tiết lộ.
Hãy cùng đón chờ những thiết kế hoàn chỉnh của các Nhà thiết kế tương lai ứng dụng thời trang bền vững tại Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2021 sắp tới nhé.