Giải oan cho ngành công nghiệp sáng tạo
Nếu nhắc đến ngành công nghiệp khai thác khoáng sản hay công nghiệp chế tạo, chúng ta đều dễ dàng hình dung và mô tả. Tuy nhiên với ngành công nghiệp sáng tạo vẫn có nhiều câu hỏi chưa được giải đáp đúng:
- Công nghiệp sáng tạo là gì?
- Sáng tạo là tài năng thiên bẩm mà chỉ một số người được trao cho?
- Muốn làm Nhà thiết kế thiết kế là phải biết vẽ?…
Cùng LCDF Hanoi mở cánh cửa, ngó nhìn vào và xua đi đám mây hiểu lầm về ngành công nghiệp này nhé
1 - Công nghiệp sáng tạo là gì?
Theo định nghĩa của Bộ Văn hoá – Truyền thông và Thể thao Vương quốc Anh, các ngành công nghiệp sáng tạo là “Những ngành có nguồn gốc từ sự sáng tạo, kỹ năng cá nhân; có tiềm năng tạo ra cơ hội công việc, thu nhập thông qua hoạt động lao động và khai thác sở hữu trí tuệ”. Nói cách khác, thuật ngữ Công nghiệp sáng tạo đề cập đến một loạt các hoạt động kinh tế liên quan đến việc tạo ra và thương mại hoá sự sáng tạo, ý tưởng.
Cụ thể hơn, ngành công nghiệp sáng tạo bao gồm:
- Quảng cáo và marketing
- Kiến trúc
- Thủ công
- Thiết kế (ấn phẩm, thời trang)
- Sản xuất phim và video
- Sản xuất âm nhạc
- Xuất bản
- Không gian trưng bày, bảo tàng
- Các phần mềm kĩ thuật công nghệ
…
Tại Châu Âu và Bắc Mỹ đã hình thành mạng lưới các thành phố sáng tạo và được UNESCO công nhận như Thành phố Văn học Edinburg (Scotland), Thành phố Thiết kế Montréal (Canada), Berlin (Đức). Các hoạt động sáng tạo được xác lập là ngành công nghiệp cũng như phân vùng đã thúc đẩy phân công lao động, phát triển tiềm năng.
Tại Việt Nam, một số ngành công nghiệp sáng tạo đang phát triển mạnh như phim ảnh, quảng cáo, thời trang, thiết kế, game,.. mang trong mình rất nhiều tiềm năng.
2 - Làm sáng tạo cần một tài năng thiên bẩm
Nhà tâm lý học Albert Eistein đã khẳng định: “Không có nghiên cứu nào chứng minh rằng có những người bẩm sinh sáng tạo hơn người khác”. Tư duy sáng tạo hoàn toàn có thể được học tập và rèn luyện. Dưới đây là một số phương pháp kích thích và phát triển tư duy sáng tạo mà LCDF gợi ý đến bạn:
- Phương pháp Brainstorming – Động não: viết ra những ý tưởng xuất hiện ngay trong đầu bạn, hãy cứ viết đừng đặt nặng chất lượng, càng nhiều ý tưởng càng tốt. Những ý tưởng đôi khi tưởng chừng như vụn vặt lại chính là chìa khoá mở ra mảnh đất mới sau khi liên kết chúng với nhau
- Phương pháp Ask Question – Đặt câu hỏi: các câu hỏi dưới dạng 5W1H (What – Why – Where – When – Who – How) sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về vấn đề. Cách giải quyết vấn đề sẽ dần dần hé lộ khi bạn trả lời được những yếu tố chi phối nó.
- Phương pháp 6 Think Hats – 6 Chiếc nón tư duy: Đây được xem là cách thức tư duy sáng tạo hiệu quả nhất hiện nay. Bằng cách áp dụng đồng thời 6 lối tư duy, phương pháp này giúp khai thác cách giải quyết vấn đề toàn diện, đáp ứng đồng thời yêu cầu sáng tạo và yêu cầu hiệu quả.
3 - Người làm sáng tạo thường tự do và chỉ làm việc theo cảm hứng
Chúng ta thường lầm tưởng những ý tưởng sáng tạo sẽ nảy đến bất chợt, việc của những người làm sáng tạo là chờ đợi và bắt lấy ý tưởng vụt qua đầu trong một tích tắc. Sự thực không phải như vậy đâu! Sáng tạo là một quy trình dài gồm nhiều bước, các sản phẩm sáng tạo là thành quả của quá trình quan sát nghiên cứu và làm việc nghiêm túc.
Nghiên cứu và thu thập thông tin đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sáng tạo. Phần công việc này thường “ngốn” rất nhiều thời gian của các nhà sáng tạo bởi nó đòi hỏi những góc nhìn đa chiều và sâu sắc về một chủ đề cụ thể từ rất nhiều nguồn khác nhau.
Để cho ra đời ý tưởng triển lãm tò he, Vũ Minh Hiền - Sinh viên Thiết kế Nội thất và Kiến trúc LCDF-Hanoi đã dành nhiều ngày đi mòn gót tại VCCA – Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom và các làng nghề để quan sát và thu thập thông tin phục vụ bản trình bày ý tưởng
Song song với hoạt động thu thập thông tin, nhà sáng tạo sẽ liên tục kết nối các ý tưởng, phác hoạ hướng sáng tạo của mình. Công đoạn này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức bởi đòi hỏi liên tục nhìn lại, cải tiến các ý tưởng để có thể đưa ra giải pháp tối ưu nhất. Đôi lúc, những ý tưởng ban đầu sẽ bị thay thế hoàn toàn khi chúng ta tìm ra con đường tối ưu hơn.
Sau hai công đoạn trên, con đường dần thành hình và trở nên rõ ràng, chắc chắn hơn. Giờ là lúc bắt tay biến những ý tưởng sáng tạo thành hiện thực. Thỉnh thoảng, nhà sáng tạo thậm chí phải trở lại bước phác hoạ khi phát hiện điều gì đó không ổn trong lúc thực thi sản phẩm cuối cùng.
Bên cạnh đó, do đặc thù công việc, nhà sáng tạo luôn cần tự học hỏi, cập nhật kiến thức và kĩ năng trong thời đại thông tin luôn biến động và phát triển nhanh chóng. Đây là phần việc không có trong bất kì bản mô tả công việc nào nhưng luôn đòi hỏi các nhà sáng tạo dành nhiều thời gian nghiên cứu trong quá trình làm việc.
4- Để bắt đầu thiết kế sáng tạo nhất định phải có năng khiếu vẽ
Lầm tưởng trên là một trong những lí do chính khiến nhiều bạn ngần ngại khi mong muốn theo đuổi lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Tuy nhiên, nhà thiết kế là người cần cân bằng giữa kỹ thuật và sáng tạo, năng khiếu không phải yếu tố quyết định quá trình sáng tạo sản phẩm. Như đã tìm hiểu ở trên, quy trình sáng tạo yêu cầu nhà thiết kế cần đưa ra các giải pháp cho một vấn đề thông qua nhiều kĩ thuật tư duy.
Vẽ luôn là một phần đặc biệt được các Nhà thiết kế yêu thích bởi kỹ năng này có thể giúp họ có thể diễn đạt tư duy bằng hình ảnh tốt nhất, càng thực hành vẽ nhiều, bạn càng có khả năng tư duy hình ảnh và sáng tạo tốt hơn.
Và thêm nữa, vẽ cũng là một kĩ năng có thể trau dồi và luyện tập để tiến bộ vượt bậc như câu chuyện “Vẽ xấu, không có năng khiếu có thể làm Nhà thiết kế?” của các bạn sinh viên tại LCDF -Hanoi.
Ngành công nghiệp sáng tạo thực sự là mảnh đất tươi mới dành cho những tâm hồn yêu thích khám phá và say mê những điều mới lạ đúng không nào!