Từ A-Z quá trình nghiên cứu tạo nên thiết kế không gian triển lãm của Sinh viên Thiết kế Nội thất
Nếu coi bản thiết kế cuối giống khối băng nổi thì khối công việc mà Nhà thiết kế phải làm đằng sau nó thực sự lớn hơn cả tảng băng chìm. Cùng xem hành trình để tạo nên một bản thiết kế không gian triển lãm của sinh viên Thiết kế Nội thất & Kiến trúc tại Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội nhé!
Khảo sát địa điểm, trải nghiệm thực tế
Vì đề bài yêu cầu chọn một nhãn hàng thân thiện với môi trường nên Vũ Minh Hiền – đã chọn Tò he Việt và bắt đầu khảo sát địa điểm đặt triển lãm. Cô dành nhiều ngày đi mòn gót tại VCCA – Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom để quan sát khách tham quan di chuyển, xem lối vào nào được đi nhiều hơn, những điểm trong không gian được nán lại nhiều. Thói quen hành vi, lộ trình của nhiều người đến thăm được ghi chép làm thông tin giúp ích cho thiết kế sau này.
Minh Hiền chụp và vẽ lại mặt bằng triển lãm.
“Mình đi xem ở VCCA thấy mấy đứa bé hay thích sà vào các chỗ nhỏ nhỏ xinh xinh mà người lớn hay bỏ qua, từ đó cũng rút ra được ý tưởng riêng khi thiết kế triển lãm Tò he , tạo ra các điểm tương tác có độ cao thấp dành cho khán giả đặc biệt này” – Minh Hiền chia sẻ.
Mật độ khách tham quan, lộ trình di chuyển của một vị khách cụ thể cũng được ghi lại.
Các biểu đồ được vẽ trong quá trình khảo sát hiện trạng này gồm: mật độ người tham dự, bản vẽ hệ thống chiếu sáng, phân tích biểu đồ phân bố mức độ ánh sáng, bố cục bài trí triển lãm, thói quen/hành vi tương tác…
Tìm hiểu khách hàng, thói quen người dùng
Sau khi chọn một brand thân thiện môi trường, Nhà thiết kế tương lai sẽ nghiên cứu xem nó có thật sự “xanh” không, tìm hiểu những giá trị đặc trưng. Với đề án lần này, Minh Hiền đã đến xem sản phẩm của thương hiệu Tò he Việt, quan sát cách các bạn nhỏ tương tác với tò he và phỏng vấn đại diện thương hiệu.
Tiếp đến là định hình người dùng, Nhà thiết kế tương lai đã trực tiếp khảo sát ý kiến các khách hàng tới triển lãm để nắm bắt nhu cầu, những vấn đề mọi người hay gặp phải như: âm thanh ồn ào, phần thông tin quá ít chữ, không có chỉ dẫn rõ ràng… nhằm loại bỏ khi thiết kế triển lãm.
Bản vẽ chia khu vực thể hiện từng giá trị của triển lãm. Màu xanh là khu vực giúp truyền tải giá trị truyền thống, màu hồng là khu vực có chức năng thư giãn, chơi.
Tìm cách đáp ứng các yêu cầu của đề bài
Các từ khóa có trong đề bài của lớp Thiết kế Nội thất lần này là: triển lãm phải có tính tương tác, áp dụng công nghệ, khơi gợi được các giác quan người dùng, kể lại câu truyện giá trị của thương hiệu.
Minh Hiền đã liệt kê, học hỏi điểm đặc biệt trong các triển lãm cô từng tham dự như ‘Đó là ở đâu, Đó là ở đây’ của Nguyễn Đức Phương, Triển lãm ‘Nước non xanh’ biếc tại L’Espace của nghệ sĩ thị giác Lê Giang, ‘Xem đêm càng đêm’ của Nguyễn Đức Phương… Cô cũng đi phỏng vấn các Nhà thiết kế Nội thất ở VUUV để biết thêm về về triển lãm ‘Cục im lặng’ – dự án mà họ thực hiện cho Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Công Trí.
“Cục im lặng” là triển lãm thời trang kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật – một sự kiện độc đáo gây chú ý năm 2020.
Trong quá trình tìm các phương án thích hợp cho thiết kế không gian triển lãm Tò he Việt, Minh Hiền còn phải nghiên cứu thêm rất nhiều kiến thức như: cách phân bố khoảng không, mặt bằng cho triển lãm, tìm hiểu những ứng dụng công nghệ, các vật liệu thân thiện với môi trường có sẵn trên thị trường Việt Nam, cách xây dựng để sau triển lãm có thể hoàn toàn tháo và trả lại, không để lại tác hại môi trường, các yếu tố tương tác trong triển lãm, xây dựng hành trình trải nghiệm người dùng…
Phác thảo, chọn lọc để tìm ra thiết kế tối ưu
Khi có những thông tin đã tổng hợp được ở trên, Nhà thiết kế Nội thất tương lai sẽ lên concept cho không gian, phác thảo 3D, phân tích biểu đồ và lựa chọn giải pháp không gian nào thỏa mãn được tất cả các yêu cầu. “Đó là một chuỗi các hoạt động lặp lại như làm biểu đồ, vẽ tay, đưa lên máy, chỉnh sửa, phân tích để sửa đổi rồi lại vẽ lại” – Minh Hiền nhấn mạnh.
Nhà thiết kế nghiên cứu những cách để khách tham quan cảm nhận triển lãm bằng nhiều giác quan.
Vũ Minh Hiền chia sẻ về tính chất bền vững trong bản thiết kế: “Bản thiết kế phải làm tốt vai trò triển lãm trải nghiệm (chứ không phải shop bán sản phẩm), phải đúng với concept Nhà thiết kế đặt ra ban đầu (được thỏa sức tưởng tượng) và hơn hết là mang tính bền vững, thân thiện với môi trường, không để lại rác thải. Tất cả các vật liệu đều được thuê, mượn, có thể trả lại hoặc có ứng dụng khác một khi triển lãm được tháo dỡ. Tấm vật liệu 100% làm từ vỏ hộp sữa có thể được trả lại. Tấm thép lỗ V được thuê và trả lại dễ dàng. Khung bằng mây tre có thể ứng dụng làm ra sản phẩm đèn, trang trí, và hoàn toàn phân hủy được. Chỉ tạo màu là rác thải chưa sản xuất của Canifa, vì không cần bất cứ keo dán nào nên có thể tháo ra dễ dàng, dùng lại trong các workshop vải, thêu thùa…”.
Sau khi đã lên được ý tưởng chung về phân bố không gian, Nhà thiết kế tương lai phải thiết kế chi tiết về không gian 3D, đi vào số đo và tỉ lệ cụ thể. Khoảng cách giữa các vật thể phải hợp lý để đáp ứng được số lượng lớn khách tham quan đến VCCA. Kích thước và khoảng cách bàn và chỗ ngồi được tính toán để người dùng có thể đi lại thoải mái và vẫn trải nghiệm được không gian ngồi.
Khó hơn cả là xây dựng được một mạng lưới phù hợp để lắp đặt hệ thống dây treo. “Không phải treo lung tung đâu cũng được mà có các số đo cụ thể để người trải nghiệm vào cảm nhận tốt nhất, mục đích là làm người trải nghiệm đi chậm lại nên con đường được để ra khá hẹp”.
Hệ thống lưới treo. Các dây treo này có độ cao khác nhau.
Triển lãm bao gồm 3 không gian. Không gian thứ nhất dùng công nghệ Video projection mapping để kể nguồn gốc của Tò he, tại sao sản phẩm này lại chuộng ở Việt Nam, vật liệu…
Khu vực tương tác ứng dụng công nghệ,các hình ảnh sẽ có sự thay đổi khi có người chạm vào.
Không gian thứ 2, Nhà thiết kế tương lai lấy cảm hứng từ việc khi nặn Tò he, trẻ con thường vây xung quanh người nghệ nhân và được kể lại những câu chuyện. Ở đây đặt những cột tương tác để người dùng có thể ghé vào và kể các câu chuyện mình tưởng tượng ra và ghi âm lại. Những câu chuyện này có thể được nghe lại ở các hộp phát gắn trên tường.
Những bốt thu âm và các hộp phát lại âm thanh gắn trên tường.
Không gian thứ 3 gồm hệ thống dây treo, để mọi người chậm lại, tạo một không gian tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, an toàn để bắt đầu ngồi xuống, thỏa sức tưởng tượng, nặn các hình tò he ngộ nghĩnh, có thể không hoàn hảo, không thể share được trên mạng xã hội, nhưng vui vô cùng!
Từng chi tiết nhỏ xuất hiện trong triển lãm đều phải có tính toán.
Sau khi hoàn thiện các bản vẽ chi tiết, bản vẽ 3D, Nhà thiết kế tương lai tiến hành làm mô hình thu nhỏ của triển lãm theo đúng tỷ lệ. “Mình lại tiếp tục chạy khắp nơi để cắt laser, nghĩ cách làm thế nào để treo được đống dây, buộc dây, làm những phần việc tỉ mỉ không tên. Còn phải làm thuyết trình sạch đẹp, làm bản vẽ kĩ thuật, làm biểu đồ để thuyết trình cho cô giáo, cho khách tham quan triển lãm nội thất” – Minh Hiền chia sẻ.
Mô hình thu nhỏ của Triển lãm Tò he Việt của sinh viên Thiết kế Nội thất Vũ Minh Hiền.
Giờ thì bạn đã được biết hành trình để Nhà thiết kế tạo ra một bản thiết kế không gian triển lãm. Một hành trình cực kỳ vất vả với cả trăm đầu việc. Nhưng cũng chính từ hành trình phải chạy như con thoi đó, các sinh viên Thiết kế Nội thất tại LCDF - Hanoi đã tiến bộ rất nhanh và trở thành những Nhà thiết kế thực sự độc lập, đủ bản lĩnh để làm những dự án thực tế ngay khi còn chưa tốt nghiệp đấy!