30 tuổi xách balo đi học Thiết kế: tôi được và mất gì?
Tuổi 30 chưa già, chẳng trẻ, với nhiều người đây là thời kỳ vẻ đẹp đạt tới độ chín nhờ sự tự tin, trải nghiệm, kỹ năng tích lũy. Người tuổi này không còn bồng bột, đủ vững vàng để đưa ra các quyết định quan trọng.
Có không ít sinh viên LCDF - Hanoi đã nhập học khi ở tuổi 30. Nhiều người trong số họ cho rằng đây là quyết định quan trọng nhất từ trước tới giờ. Cùng nghe những chia sẻ từ người trong cuộc.
Hoàng Phương Thảo, sinh viên Thiết kế đồ họa: Phải cố gắng gấp đôi, gấp ba bạn khác bù cho 10 năm bỏ lỡ
Phương Thảo từng là sinh viên Học viện tài chính, có một công việc thu nhập ổn định “nhưng mỗi ngày trôi qua đều giống nhau” trong khi cô luôn thích được khám phá.
Sẵn với óc sáng tạo và năng khiếu hội họa, Phương Thảo tham gia cuộc thi Việt Nam - Nơi tôi sống và giành được học bổng, cô chọn nghỉ việc để đi học khoa Thiết kế đồ họa.
Một bảng chữ cái sáng tạo từ những thứ đặc trưng của Đắk Lăk, lồng ghép cả hình ảnh hoa hậu H’Hen Nie đã giúp Hoàng Phương Thảo nhận giải nhì cuộc thi Việt Nam -Nơi tôi sống 2019.
Cô được chồng ủng hộ xuyên suốt quá trình theo học tại LCDF - Hanoi
Nhà thiết kế chia sẻ về quyết định của mình ngày đó:
“Mỗi người đều có một ‘vùng an toàn’ mà không ai dám bước ra, thế nên khi mình quyết định bước khỏi vùng an toàn đó, những người xung quanh đều cho rằng đó là điều quá muộn màng, rằng mình đang sung sướng lại tự đi làm khó bản thân, rằng các bạn đồng trang lứa đều đã một nách hai con. Duy chỉ có một vài người thân yêu nhất luôn yêu thương vô điều kiện và tôn trọng quyết định của mình bởi họ cũng muốn mình hạnh phúc”.
Một bức tranh vẽ nhanh của Phương Thảo tặng cho học sinh cấp 3 trong một sự kiện hướng nghiệp ngành Thiết kế
Nói về sự khác biệt khi đi học ở tuổi 30, cô chia sẻ: “Nếu như ở tuổi đôi mươi mọi thứ còn đang mơ hồ, đôi khi học chỉ để đối phó qua môn thì với tuổi 30, mọi thứ phải thật nghiêm túc vì mình biết mình xa vạch đích hơn các bạn và phải chạy nước rút thật nhanh, cố gắng gấp đôi gấp ba. Mình thậm chí còn từ chối mọi cuộc hẹn để dành thời gian học bài, nói chung mọi thứ phải chạy với công suất tối đa bù cho 10 năm mình đã bỏ lỡ trước đó”.
Là một trong những sinh viên xuất sắc, được đánh giá cao về tư duy sáng tạo, Phương Thảo ngay khi chưa tốt nghiệp cũng đã nhận được nhiều lời mời hợp tác. Nhìn lại quyết định của mình, cô chỉ có một điều tiếc nuối “Giá mà mình đi học ở LCDF-Hanoi sớm hơn”.
https://www.youtube.com/watch?v=yLJGpBw_VXs
MV Lạy cô do Phương Thảo minh họa
Cường Đàm, sinh viên Thiết kế thời trang: Không còn phải mò đường, giống như đi trên sa mạc nhưng đã có la bàn, bản đồ
Từng học 5 năm ở Đại học Kiến trúc, sau đó tự mày mò khởi dựng thương hiệu thời trang CHATS, ở tuổi 30, Cường Đàm quyết định đi học thiết kế thời trang một cách bài bản nhất để củng cố chắc chắn cho sự nghiệp.
Anh chia sẻ: “Quãng thời gian 3-4 năm sau khi khởi nghiệp thời trang, mình đã để bản thân trì trệ và chủ quan trên chiến thắng, vì thế công việc kinh doanh gặp trục trặc. Mình nhận ra bản thân thương hiệu muốn phát triển chắc thì người đứng đầu phải có kiến thức nền tảng. Đó là lý do mình quyết định đi học lại từ đầu ngành thiết kế thời trang ở Học viện Thiết kế và Thời trang London Hà Nội.
Bộ sưu tập thời trang tốt nghiệp của Cường Đàm.
Nhà thiết kế cho rằng thời trang là một sân chơi dành cho tất cả mọi người vì chính anh cũng đã từng là con số 0 trong nền công nghiệp này. “Nếu có niềm đam mê với thời trang, bạn có thể thử nghiệm từng bước một từ nhỏ đến lớn. Tuy nhiên, tại thời điểm khó khăn đối phó với đại dịch trên toàn thế giới như hiện nay, bạn nên có một nền tảng thời trang vững chắc. Điều đó sẽ đảm bảo cho bạn có thể đứng vững.
“2 năm học thời trang ở LCDF-Hanoi, mình học được khả năng sáng tạo và tầm nhìn xa. Nó giống như việc bạn đi giữa đi giữa sa mạc có la bàn và bản đồ. Quan niệm về cái đẹp của mình cũng đã được nâng tầm lên rất nhiều. Mình và đồng sự bây giờ tìm kiếm vẻ đẹp thời trang đương đại, thông minh chứ không đơn thuần nằm trong 2 từ “vừa mắt”.
Quỳnh Anh Shyn diện trang phục của Cường Đàm tại Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2020
Cùng với Bộ sưu tập tốt nghiệp 2020, Cường Đàm còn gây ấn tượng khi lọt top 6 cuộc thi thiết kế thời trang Vietnam NewGen Fashion Award. Sau đó, Nhà thiết kế liên tiếp tung ra 2 Bộ sưu tập mới gần như là một sự lột xác so với các Bộ sưu tập thời trang trước đó của CHATS. Các mẫu thiết kế mới của anh có những đường cắt cúp sáng tạo đòi hỏi kỹ thuật cao, đặc biệt tôn đường cong và hiện được nhiều người nổi tiếng quan tâm như hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, hot girl Sam, Quỳnh Anh Shyn, ca sĩ Lưu Hương Giang…
Nhiều người nổi tiếng yêu thích thiết kế Chats by C.Dam
Một thiết kế áo dài cách điệu của Cường Đàm từng tạo nên cơn sốt nhỏ mùa lễ hội cuối năm 2020
Vũ Anh – Vượt qua giới hạn, hoàn thiện kỹ năng còn thiếu
“Mình từng học đại học chuyên ngành Quản trị Kinh doanh, hồi đó lựa chọn chỉ mang tính tương đối, không chắc rằng bản thân có hoàn toàn hợp với nó không. Chưa kể vì không có định hướng nên không ý thức được việc học sẽ bổ trợ cho công việc tương lai của mình ra sao. Tuy nhiên may mắn là chuyên ngành này phần nào giúp mình có tư duy quản lý, điều phối trong những công việc sau này” – Vũ Anh nói về ngành học trước đây.
Bộ sản phẩm thước sáng tạo của Vũ Anh giúp nhiều bạn trẻ phá vỡ những quy chuẩn về mỹ thuật, thả trí tưởng tượng bay xa.
Tốt nghiệp đại học, Vũ Anh đã đảm nhận nhiều công việc liên quan tới truyền thông sáng tạo trong đó có vai trò Creative Copywriter - người chuyên đưa ra giải pháp truyền thông, sáng tạo nội dung nhằm giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp. Bên cạnh việc đưa ra các giải pháp sáng tạo bằng nội dung (làm content) bằng câu chữ, Vũ Anh nhận thấy mình rất hứng thú với phần content bằng hình ảnh.
Vậy là từ vị trí một trưởng phòng sáng tạo (Creative Lead), Vũ Anh chọn cách tạm dừng sự nghiệp, đi học thiết kế đồ họa để hoàn thiện thêm kỹ năng về sáng tạo nội dung.
Gian triển lãm tốt nghiệp Đồ họa của Vũ Anh gây tò mò vì cách bài trí hấp dẫn, sản phẩm độc đáo và người tham gia có thể tương tác.
Cũng giống như Phương Thảo, Vũ Anh cho rằng đi học ở tuổi 30, người học tỉnh táo hơn “Mình hiểu bản thân cần gì, muốn gì và ý thức được giá trị của việc học nên toàn bộ sức lực, trí lực, vật lực đều được vận dụng”. Vừa học vừa nhìn lại, so sánh với những gì mình từng trải qua trong công việc, Nhà thiết kế đã đúc rút được tư duy mạch lạc, toàn diện hơn về nghề sáng tạo nội dung.
“Mình đã vượt qua rất nhiều giới hạn trước đây trong sáng tạo, thử nghiệm nhiều thứ mới. Quan trọng nhất là bây giờ, mình đã có nền tảng kiến thức và kỹ năng hoàn thiện để tự tin phát triển” – Vũ Anh nhìn nhận lại quyết định của mình một cách hài lòng.