Những bản sketch nổi tiếng chứng minh vẽ đẹp không phải điều tiên quyết để trở thành nhà thiết kế
Biết vẽ là một lợi thế, nhưng nhà thiết kế không bắt buộc phải vẽ đẹp bởi ý tưởng mới là yếu tố ghi điểm nhất.
Sketch (bản phác thảo) thường được người ta hiểu là những bức vẽ sơ bộ được thực hiện nhanh chóng để mô tả ý tưởng của nhà thiết kế. Nó có thể là bản vẽ tay bằng chì hoặc màu thô. Những bản phác thảo của các nhà thiết kế nổi tiếng thế giới trong 3 lĩnh vực thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang và nội thất kiến trúc dưới đây sẽ cho bạn thấy muốn làm nhà thiết kế giỏi, vẽ đẹp không phải điều kiện tiên quyết.
Thiết kế đồ họa
Vẽ tay được coi là một kỹ năng bổ trợ chứ không bắt buộc trong nghề thiết kế đồ họa. Một sản phẩm đồ họa tốt không chỉ phải đẹp mà còn phải truyền tải được thông điệp. Thiết kế đẹp nhưng không giải quyết được vấn đề của khách hàng thì đó sẽ là một sản phẩm tồi. Vì thế, yếu tố tư duy sáng tạo, đưa ra giải pháp được đặt lên trên hết, sau đó mới tới tính thẩm mỹ.
Năm 1976, logo cho chiến dịch I love New York được Milton Glaser thiết kế chớp nhoáng trên giấy. Sau đó, logo đã trở thành một biểu tượng với người dân Mỹ suốt gần nửa thế kỷ. Nó thể hiện tư duy thiết kế thông minh của Glaser, đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả trong việc truyền tải thông điệp. Điều thú vị là Nhà thiết kế đồ họa đáng kính này chưa bao giờ nhận tiền từ việc sử dụng thiết kế của mình bởi ông xem đây là sự cống hiến cho lợi ích chung . “Có ba phản hồi về một phần thiết kế - được, không được và WOW! Wow là cái ta nhắm tới.” – là câu nói nổi tiếng của Milton Glaser.
Logo của thương hiệu đình đám Starbucks đã qua nhiều lần thay đổi. Trên đây là bản phác thảo đầu tiên và bản vẽ mực của logo của nhà thiết kế Terry Heckler. Theo thời gian, nàng tiên cá 2 đuôi ngày càng được cách điệu và tối giản hơn.
Paula Scher là một trong những nhà thiết kế đồ họa giỏi nhất thế giới với hàng loạt logo thương hiệu nổi tiếng như CNN, Windows và CitiBank. Bà đã vẽ bản phác thảo đầu tiên của logo Citibank trên một chiếc khăn giấy trong cuộc họp với công ty đối tác.
“Họ muốn một logo mới cho sự sát nhập của Citicorp và Traveller Group” – Paula chia sẻ. Và chiếc logo huyền thoại đã được ra đời chỉ trong 3 giây.
Thiết kế Nội thất & Kiến trúc
Trong ngành nội thất & kiến trúc, nếu không có bản phác thảo ban đầu, sẽ không thể có được những bản phối cảnh 2D, 3D long lanh như thật mà bạn vẫn thấy trong các sản phẩm quảng cáo nhà mẫu, công trình… Bản vẽ của các kiến trúc sư thường để minh họa cho ý tưởng của họ, đôi khi chúng trông khá nguệch ngoạc, lộn xộn và rối mắt.
Santiago Calatrava là kiến trúc sư nổi tiếng thế giới có công trình trải khắp châu Âu và Mỹ Latinh. Các công trình dưới bàn tay Calatrava đều đầy cảm xúc và có hình khối độc đáo. Đây là bản phác thảo nhà ga đường sắt Lyon – Satolas của Calatrava.
Ảnh: designtheorykje
Nhà ga Lyon – Satolas được mô phỏng hình cánh chim. Ảnh: designtheorykje
Một phác thảo nổi tiếng khác của kiến trúc sư Santiago Calatrava: Nhà hát Tenerife Tây Ban Nha - địa danh du lịch nổi tiếng châu Âu. Có thể thấy phác thảo ban đầu của công trình này không quá cầu kỳ, vừa đủ để người xem hình dung về cấu trúc, hình dáng thiết kế.
Ảnh:Arcspace
Người ta nói rằng không ai có nhiều thiết kế cầu đẹp như Catralava. Trong hình là phác thảo và ảnh thực của một cây cầu do ông thiết kế.
Ảnh: Kientrucpho
Phác thảo thiết kế sân bay Stuttgart của Kiến trúc sư nổi tiếng người Đức Von Gerkan chỉ là tập hợp của những được gạch, xiên vội. Công ty GMP của ông và các cộng sự cũng chính là đơn vị thiết kế Trung tâm hội nghị quốc gia Việt Nam và Tòa nhà quốc hội.
Ảnh: kientrucpho
Phác thảo tòa nhà chọc trời 100 tầng John Hancock Center, Mỹ của kiến trúc sư Fazlur Khan. Tòa nhà cao gần 350m, từng đoạt giải thưởng Kiến trúc xuất sắc do Viện kiến trúc sư Hoa Kỳ trao tặng năm 1999.
Thiết kế Thời trang
Nhiều người nghĩ tới nghề thiết kế thời trang là nhớ tới các bản vẽ đẹp lung linh. Tuy nhiên, rất nhiều trong số các bản vẽ thời trang đẹp mà bạn thấy trên mạng thuộc nhóm “diễn họa thời trang”. Nhà diễn họa thời trang (Fashion Illustrator) là người tái hiện lại những thiết kế có sẵn thành những tác phẩm đẹp truyền cảm hứng.
Không yêu cầu hoa tay nhiều như diễn họa, trong bản phác họa thời trang, nhà thiết kế chỉ cần mô tả được đúng các chi tiết, tỷ lệ, phom dáng của sản phẩm.
Phác thảo và thiết kế của Claire McCardell. Bà là nhà thiết kế thời trang nổi tiếng hàng đầu nước Mỹ những năm 40s, 50s, nằm trong top những Nhà thiết kế quyền lực và thời trang nhất thế giới như Coco Chanel, Mary Quant, Jeanne Lanvin.
Bà giúp thời trang trở nên phổ biến và bình dân hơn bằng những thiết kế có chức năng cụ thể. Ví dụ: một chiếc váy có túi để vừa đi làm vừa đi chơi... Thiết kế của bà trở thành biểu tượng của những phụ nữ Mỹ hiện đại, năng động. McCardell từng chia sẻ: “Phần lớn ý tưởng của tôi đến khi tôi cố gắng giải quyến các vấn đề của chính mình”. Nhìn vào các bản phác thảo của bà,
Paula Scher, Santiago Calatrava hay Claire McCardell đều là những cái tên hàng đầu trong ngành công nghiệp thiết kế của thế giới. Họ đã thành công nhờ các giải pháp, ý tưởng hiệu quả và sáng tạo mà chưa cần tới khả năng vẽ xuất sắc. Vậy là bạn đã hiểu, điều gì là quan trọng nhất để trở thành một nhà thiết kế tốt rồi đúng không nào!