Loạt sản phẩm đầu tay của sinh viên Thời trang LCDF-Hanoi – tưởng đơn giản mà là cả một công trình
Sơ-mi trắng được xếp vào nhóm trang phục kinh điển không bao giờ lỗi mốt và trở thành món đồ “must-have” tủ đồ của bất kỳ ai, dù là nam hay nữ, già hay trẻ bởi sự linh hoạt của nó. Chỉ cần vài biến tấu, người mặc có thể tạo ra vô số set đồ khác nhau.
Kết quả chỉ là một chiếc sơ mi trắng, nhưng sự thực đằng sau đó là cả một khối lượng kiến thức lớn mà sinh viên các chuyên ngành Thời trang LCDF-Hanoi đã tích lũy được.
Và đây là kết quả của các Nhà thiết kế trẻ, những người kiến thức từ “zero” khi vào lớp và tư duy lớn nhanh như thổi sau từng kỳ học tập.
Đề án thiết kế của Nguyễn Thuý Quỳnh lấy cảm hứng từ năng lượng dạng sóng. Từ những khối thạch nhũ trong hang động, đến những cồn cát trên sa mạc và những dãy núi kì vĩ đều là những tạo tác của thiên nhiên xuất hiện dưới dạng sóng.
Để ghi lại chuyển động của sóng, Thuý Quỳnh đã sử dụng sáp nóng chảy, kĩ thuật chụp phơi sáng và ngọn lửa từ cồn. Những hình ảnh ghi lại được chuyển sang dạng 3D bằng những kĩ thuật xử lý chất liệu đa dạng như gathering, smocking, layering trên chất vải mềm mại.
Nguyễn Thu Ngân thể hiện thiết kế của mình bằng những đường xiên, đường cắt bất cân xứng đặc trưng của Trường phái Biểu hiện trong nghệ thuật.
Trường phái Biểu hiện được hình thành sau thế chiến thứ nhất tại Đức với mục đích khắc hoạ tinh thần ảm đạm của xã hội lúc bấy giờ. Trong hầu hết những tác phẩm nghệ thuật thuộc trường phái này, điểm đặc trưng nhất mà ta nhìn thấy đó chính là những khối lập thể bất cân xứng, những đường xiên, bóng gắt và khoảng tối…
Cũng lấy cảm hứng từ những hình khối trong hình học nhưng Chu Thị Thái Hà lại có một cách thể hiện khác. Thiết kế mang phom dáng quá khổ, sắc nét và cứng cáp, điểm nhấn là phần tay áo.
Phần thân áo được Nhà thiết kế dùng kỹ thuật xếp ly, xếp tầng và đan tạo cảm giác mới mẻ cho chiếc sơ mi trắng.
Lịch sử của cây bông được viết bằng máu và nước mắt của những người da đen bị bắt cóc và đem bán thành nô lệ. Xúc động mạnh trước câu chuyện về Harriet Tubman, một người phụ nữ da đen đã chạy trốn thành công và sau này đã quay lại và giải thoát cho hơn 70 người nô lệ da đen khác, Cao Hoàng Lâm đã phát triển thiết kế của mình từ trang phục những năm 1860.
Cũng giống với Cao Hoàng Lâm, Bùi Thu Hường thể hiện quan điểm cá nhân với những bất công mà người thuộc giai cấp lao động trong xã hội phải chịu đựng trong quá khứ thông qua thiết kế của mình.
Những chi tiết như ô vuông có bề mặt nổi được tạo từ kỹ thuật gấp nếp cross tucking hay những đường pin-tuck chạy ngang, dọc được nhấn ở phần trước và phần sau chiếc áo.
Lấy cảm hứng từ lối sống Zen cân bằng, bình thản của người Nhật Bản và những ngôi vườn Thiền tại đất nước mặt trời mọc, đề án thiết của Nguyễn Phượng Linh chứa đựng sự tinh tế của phong cách Á Đông với điểm nhấn xếp li hình quạt nổi bật ở thân áo.
Vẻ đẹp bay bổng và lãng mạn của Phong trào Nghệ thuật Rococo tại Pháp thế kỷ 18 là nguồn cảm hứng chính cho thiết kế sơ mi trắng kỳ này của Nguyễn Ngọc Trâm.
Thiêt kế nữ tính với điểm nhấn là cầu vai và những phần cut out gợi cảm trên thân áo. Một điểm thú vị nữa của đề án này đó là Nguyễn Ngọc Trâm vừa là nhà thiết kế và cũng chính là… người mẫu cho bộ ảnh của mình! Đây đúng là một cơ hội để các bạn sinh viên có thể khai thác thế mạnh của mình ở mọi khía cạnh trong ngành Thời trang!
Trên đây mới chỉ là những thiết kế đầu tay của các Nhà thiết kế trẻ, hãy cùng chờ đón xem họ sẽ còn đem lại những bất ngờ gì trong hành trình sắp tới nhé!