7 nguyên tắc theo nghề Stylist thời trang
Mai Diệu Vi hiện là stylist thời trang chuyên về chụp lookbook quảng cáo cho các hãng thời trang và ảnh tạp chí cho nhiều celeb như: Hoa hậu Tiểu Vy, Đỗ Mỹ Linh, siêu mẫu Võ Hoàng Yến, Ninh Dương Lan Ngọc, Châu Bùi…. Tốt nghiệp chuyên ngành Thời trang từ năm 2016, stylist thời trang có những chia sẻ đáng suy ngẫm về 7 nguyên tắc để bám trụ được với nghề stylist.
1 - Xác định đổ mồ hôi, sôi chất xám
Làm stylist, hãy xác định bạn sẽ phải thường xuyên chạy lòng vòng khắp nơi gom đồ hoặc giang nắng mỗi khi có buổi chụp ngoài trời. Hồi mới vào nghề, buổi chụp đầu tiên đã có ekip chuẩn bị trang phục, mình chỉ việc tới mix đồ, nên tưởng công việc “ngon ăn”. Lần sau, công ty gọi đi tiếp, mình hồ hởi nhận ngay, nhưng lần này thì hoàn toàn khác, không ai lo đồ nữa, mình phải tự đi liên lạc tự tìm đồ, tự cân bằng chi phí mà vẫn phải có đồ phù hợp cho buổi chụp, quá nhiều thứ phải làm. Vất vả tới nỗi khi đó mình đã nghĩ sẽ chỉ cố làm nốt buổi chụp này vì đã lỡ nhận lời.
Những sản phẩm do Mai Diệu Vi làm stylist. Cô nàng rất chịu khó update công việc trên facebook cá nhân vì cho rằng, đó là một cách nghiêm túc để giới thiệu bản thân tới khách hàng.
Cặp đôi hot trong giới trẻ Ba Duy – Nam Thương trong bộ ảnh mà Mai Diệu Vi mới thực hiện.
2 - Kiểm tra kỹ số đo và yêu cầu của người mẫu
Hãy gửi ảnh trang phục người mẫu sẽ mặc trước buổi chụp vì sẽ có celeb không chịu mặc một số thứ. Ví dụ đồ quá hở hang, style quá khác với hình ảnh họ đang xây dựng trên truyền thông hoặc đôi khi nếu celeb đang là đại diện của một thương hiệu thời trang, họ sẽ từ chối mặc đồ của các nhãn hàng đối thủ.
Ngoài ra, bạn không nên chụp trộm hay update buổi chụp hình lên mạng khi còn đang làm việc. Như vậy dễ ảnh hưởng đến hình ảnh của celeb cũng như độ bảo mật trong chiến dịch quảng cáo của khách hàng.
Stylist cho người nổi tiếng càng áp lực và cần nhiều tính chuyên nghiệp.
3 - Biết phân chia thời gian
Stylist đã nhiều việc lặt vặt, nhiều stylist lại thường có thêm một hoặc nhiều nghề khác, đó là lý do bạn phải học cách quản lý thời gian cho hiệu quả.
Ví dụ, mình đang làm stylist kiêm kinh doanh thời trang. Mình luôn có một cái “to do list for a day”, trong đó, đề ra 5 việc cần làm quan trọng trong ngày, gồm có: 1 về kinh doanh, 1 về stylist, 1 về sức khỏe, 1 về học tập, 1 việc liên quan tới dọn dẹp. Sau đó là những việc khác. Cách này giúp mình tận dụng được tối đa thời gian trong ngày, không có thời gian chết.
Mai Diệu Vi trong cửa hàng thời trang đầy màu sắc và không đụng hàng của mình.
4- Biết tạo thế mạnh riêng
Stylist thời trang hiện có nhiều nhánh: stylist cho cá nhân, chụp lookbook cho nhãn hàng, cho người nổi tiếng chụp tạp chí, chuyên lên đồ cho phim ảnh, MV…
Mình thích đi sâu vào chụp lookbook và chụp chân dung, cụ thể là làm bộ ảnh cho khách hàng cá nhân, là những người bình thường không nổi tiếng, cơ thể không hoàn hảo như model. Mình thích sáng tạo trên những gì họ yêu thích, như: màu sắc, mùi hương, địa điểm, loại trang phục... từ đó tạo ra những ý tưởng chụp hình sáng tạo và phù hợp.
Trong số nhiều người nổi tiếng từng cộng tác, nữ stylist 9x ấn tượng nhất với Hoa hậu Tiểu Vy vì suốt buổi chụp nắng gắt ở Lăng Cô, hoa hậu không hề có nửa lời kêu than mà rất chủ động hỗ trợ ekip.
5- Tôn trọng trang phục, nhãn hàng tài trợ đồ
Trang phục đắt tiền phải được bảo quản trong túi đựng riêng, treo trên móc. Cấm vo tròn, nhồi nhét sản phẩm. Không tận dụng đồ đi mượn cho mục đích khác ngoài buổi chụp.
Mình cũng luôn phải canh để trang phục không bị vết son, phấn hoặc lưu lại quá nhiều mùi hương của người mẫu. Ngoài ra, sau mỗi buổi chụp, mình sẽ viết một tấm thiệp nhỏ để cảm ơn nhãn hàng, Nhà thiết kế vì họ là những người hỗ trợ mật thiết nhất cho công việc stylist.
Mai Diệu Vi giải thích về ý tưởng buổi chụp để trợ lý hiểu và chuẩn bị trang phục.
6 - Luôn sẵn sàng túi đồ chuyên dụng
“Bảo bối Doraemon” mà mình không thể thiếu gồm: kéo, kim chỉ, miếng dán ngực, kim băng các loại, ghim cài cố định, khuy bấm, băng dính, lược, keo nến, kìm cắt… Có “túi thần kỳ” này mình có thể chỉnh trang phục cho vừa với người mẫu hoặc điều chỉnh nó thành ngắn dài, đủ kiểu luôn.
Ngoài ra còn những thứ cồng kềnh hơn một chút như: móc quần áo, cây là cầm tay, vải quấn thay đồ, quạt cầm tay… Nếu chụp ở biển mình còn mang theo kem chống nắng và kem nhuộm da nâu cho mẫu.
7 - Có kiến thức thời trang bài bản mới đủ tầm nhận job lớn
Ngày trước, mình cũng tưởng stylist là kết hợp quần áo thôi. Nhưng vào nghề mới biết, nếu không có kiến thức sâu về thời trang thì stylist sẽ rất thiếu tự tin và không đủ trình độ để lên ý tưởng cho những dự án lớn hay xin tài trợ đồ từ các thương hiệu thời trang cao cấp.
Là dân thời trang (tốt nghiệp Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội), mình không chỉ biết thiết kế hoàn thiện sản phẩm mà cũng đã học cả về mix đồ, lịch sử thời trang, nhiếp ảnh, đồ họa. Cũng nhờ thế mà làm stylist mình biết bắt xu hướng tốt, khi khách đưa ra ý tưởng là có thể làm ý tưởng hoàn chỉnh dưới nhiều hình thức (Photoshop, AI, Excel). Nhớ lại, hồi đó học khá vất vả, sinh viên thường phải tự stylist để chụp đồ cho rất nhiều bài tập nên chưa ra trường mình đã được thuê đi làm stylist và sống tốt với nó cho tới tận bây giờ.
Một thiết kế tốt nghiệp của Mai Diệu Vi trong Tuần lễ thời trang tốt nghiệp 2016. Vì thích đính kết nên cô có thể tự chế phụ kiện và quần áo cho mẫu, tiết kiệm chi phí cho khách hàng mà lại độc đáo, thỏa sự đam mê thích mày mò.