Cô gái dành ‘cả thanh xuân’ để sáng tạo ‘thời trang bền vững’
- hang
- May 7, 2018
“Sustainable fashion” – “Thời trang bền vững” được xem là xu hướng phát triển tương lai của thời trang, thể hiện sự nhân văn và tiến bộ của những người theo đuổi. “Thời trang bền vững” bao gồm hệ thống tôn chỉ toàn diện từ quy trình sản xuất, chọn vật liệu, thiết kế, gia công cho đến bán hàng và truyền thông. Tất cả các tiêu chí đều chung mục đích bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.
1. Vì sao bạn lại yêu thích dòng “Thời trang bền vững” Lúc đầu biết đến thời trang, mình chưa xác định được hướng đi cho bản thân, nhưng nhân một lần tìm hiểu tài liệu nghiên cứu mình đã bị lôi cuốn bởi “tinh thần” của “Thời trang bền vững”. Mình muốn theo đuổi dòng thời trang này, thân thiện với môi trường và có lợi cho sức khỏe. Hà Thu say mê thực hiện các nghiên cứu chất liệu và thử nghiệm độc lập để khám phá những điều mới mẻ trong thiết kế thời trang.Nhiều người thắc mắc, thời trang thì có liên quan gì tới môi trường, đẹp thì mua, hết mốt lại thay. Nhưng câu chuyện đằng sau những sản phẩm thời trang lại là vấn đề vô cùng nhức nhối. Hiện tại, ngành công nghiệp thời trang đang gây tác động tiêu cực đến môi trường. Những xưởng dệt may lớn của thế giới như Trung Quốc, Bangladesh đang gây ô nhiễm môi trường nước trầm trọng bởi thuốc nhuộm độc hại thải ra biển. Trong khi đó, ngành may mặc Việt Nam cũng là một trong những ngành mũi nhọn và xuất khẩu rất nhiều. Nếu không rút được bài học từ các nước bạn thì chính chúng ta sẽ phải hứng chịu thảm họa môi trường và mắc phải vô số bệnh nguy hiểm.
Đây chính là lý do thôi thúc mình chọn học thiết kế thời trang và phát triển theo hướng thời trang xanh bền vững (eco-fashion/sustainable fashion), hay còn gọi là thời trang thân thiện với môi trường. Trong 3 năm qua mình đã theo sát những tin tức và cố gắng kết hợp các giá trị về thời trang có đạo đức / bền vững vào các thiết kế và giới thiệu khái niệm này với bạn bè và gia đình của mình.”
2. Bạn đã làm gì để nuôi dưỡng ước mơ “Thời trang xanh”Mình rất may mắn có gia đình ủng hộ toàn phần, từ mặt tài chính đến phương diện tinh thần để mình tập trung theo đuổi đam mê. Bên cạnh đó là sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè khi mình xin học bổng Học viện Thiết kế và thời trang London - Hà Nội. Khởi đầu này đã cho mình nhiều tự tin tiếp tục cuộc hành trình khám phá thời trang xanh.
Khi theo học tại trường, các đề án thời trang trong mỗi kỳ học của Hà Thu đều liên quan tới “Thời trang bền vững. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Singapore Air, Hà Thu chia sẻ: Vấn đề đạo đức trong thiết kế và sản xuất đang bùng nổ, vì vậy chúng ta cần phải có ý thức bảo vệ môi trường hơn bao giờ hết.
LCDF cũng đã cho mình cơ hội để tiếp tục chinh phục học bổng của Đại học Gloucestershire về thiết kế bền vững, giao lưu với các sinh viên quốc tế thiết kế khác với bài luận về đề tài Thời trang bền vững tại Đông Nam Á.
Hà Thu trong chuyến du học và trải nghiệm cuộc sống sinh viên ở Đại học Gloucestershire
Song song với học thiết kế, mình cũng lập Blog và Facebook Vandalism in Vogue (https://www.facebook.com/vandalisminvogue/) để nâng cao nhận thức về thời trang bền vững. Viết các bài báo nghiên cứu về thời trang bền vững ở Đông Nam Á. Hiện tại Vandalism in Vogue đang cùng kết hợp với hai tổ chức là Sạp hàng chàng Sen và Deplasticize Project thực hiện chuỗi sự kiện chiếu phim, thảo luận & Workshop về thời trang bền vững như: “ Thanh lọc tủ quần áo”, “Yêu nhau vá áo cho nhau”, “The True Cost” - Nói về mặt trái của dòng thời trang “mì ăn liền”.
Năm nay, mình đã tham gia Sự kiện Kết nối Thanh niên Khu vực phía Bắc 2018 do Viện FES tại Việt Nam và Trung tâm Live & Learn hợp tác thực hiện, với mục tiêu kết nối các bạn trẻ đang thực hiện các dự án về môi trường và phát triển bền vững tại khu vực phía Bắc.
Tại triển lãm kết thúc môn học Truyền thông Thời trang ở LCDF, mình cùng các bạn xây dựng blog Anti Fashion và triển lãm Infographic “6 vấn đề hiện nay của ngành công nghiệp thời trang”.
Nhóm của Hà Thu sử dụng phế thải da của các nhà làm ghế Sofa để thiết kế nên những chiếc túi đeo chéo hợp thời trang cho nhãn hàng khởi nghiệp. Sắp tới đây, kết thúc môn Khởi sự kinh doanh Thời trang, lớp mình sẽ tổ chức sự kiện Green Fashion Pop Up market để bán các sản phẩm thời trang có yếu tố bền vững, nhằm tác động và thay đổi tư duy của người tiêu dùng, hướng họ tới xu hướng “Sống không lãng phí”. 3) Bạn thích NTK/ thương hiệu nào trong lĩnh vực Thời trang bền vững ? Mình đang khá bị ấn tượng bởi NTK Christopher Raeburn (1982, Người Anh ). Ông ấy chuyên tìm các nguồn trang phục quân đội hoặc trang phục chuyên dụng như đồ cứu hộ, quân phục … từ nhiều nước Châu Âu khác nhau để làm nguồn vải cho các Bộ sưu tập mới. Chính vì thế nên trang phục có những ưu điểm nổi bật nhờ chất liệu chuyên dụng đặc biệt như chống nước, chống cháy... Các thiết kế mang hơi thở hiện đại Streetwear cực chất, không hề giống với ấn tượng mọi người hay nghĩ về đồ tái chế là cũ, xấu, không hợp thời. Ngoài ra, ở Việt Nam, mình rất thích cách làm Thời trang bền vững của NTK Vũ Thảo – Người sáng lập thương hiệu Kilomet 109. Chị ấy làm một quy trình khép kín bền vững từ ý tưởng đến thiết kế, sản xuất, dệt may, nhuộm và marketing đều bền vững. Đó là một cách làm việc vô cùng khó khăn mà không phải nhà thiết kế nào cũng đạt được. 4) Hà Thu sắp tốt nghiệp, vậy bạn mang đến điều gì mới lạ ở BST quan trọng này? BST “Hai Mươi” của mình chuẩn bị cho Tuần lễ thời trang tốt nghiệp là bộ sưu tập dành cho tuổi trẻ, cho thanh xuân, vừa là tôn vinh, vừa khóc thương tiếc nuối cho những gì đã qua và sẽ qua. Mình lấy cảm hứng từ chính những trải nghiệm của bản thân và bạn bè mình. Thông qua những bức ảnh phim, những đoạn video, các dòng lưu bút - những vật chứa kỉ niệm, để gợi nhắc về tuổi trẻ. Đặc biệt, mình mang hết tâm huyết dành cho Thời trang bền vững vào Bộ sưu tập này với phần lớn vải được sử dụng là vải tái chế. Mình mua các trang phục truyền thống Nhật Bản gồm Yukata và Obi 2ndhand và sau đó tháo gỡ ra làm vải. Vì bản chất các trang phục này đều là các mảnh vải hình chữ nhật lớn được ghép lại với nhau nên có thể dễ dàng cắt thành trang phục mới. Ngoài ra mình còn mua các loại vải được dệt thủ công và nhuộm thực vật hoặc thuốc không gây ô nhiễm môi trường từ các nhà sản xuất trong nước như Hanhsilk và Textile Linker. Các nguyên phụ liệu như khóa kéo, cúc cũng là tái chế từ quần áo 2ndhand, hoặc làm bằng nguyên liệu tự nhiên. Qua đó, mình muốn làm mới phom dáng thời trang Á Đông trong những thiết kế Streetwear, casual chic, unisex như một phía đối chọi với phong cách Tây phương đang là trang phục thường ngày của chúng ta hiện nay. 5) Hà Thu có thể chia sẻ về ước mơ tương lai để phát triển “Thời trang bền vững” ? Công việc mình muốn hướng tới là cố vấn về thời trang bền vững cho các thương hiệu thời trang. Chính vì thế mình cần tiếp tục nghiên cứu sâu rộng và học lên cao. Trong tương lai gần mình sẽ tiếp tục viết và nói về thời trang bền vững thông qua mạng xã hội, tổ chức các sự kiện nâng cao nhận thức và tham gia các diễn đàn. Các tác phẩm “Thời trang bền vững” của Hà Thu trong 2 năm học tại LCDF-Hanoi Thùy Dương