Mặc đẹp mà chẳng đè bẹp môi trường - Xu hướng thiết kế thời trang không lãng phí.
- hang
- April 26, 2018
Làm thế nào để vừa mặc đẹp vừa bảo vệ môi trường sống chính là tiêu chí đạo đức của các tín đồ và nhà thiết kế thời trang đang theo đuổi xu hướng thời trang bền vững. Cùng khám phá xem có gì hấp dẫn mà mê đến vậy!
“ Zero Waste Fashion” là gì?
Có thể hiểu đơn giản “Zero Waste Fashion” là Thời trang không lãng phí nằm trong chuỗi Thời trang bền vững – Nó đang trở thành xu hướng sáng tạo của các nhà thiết kế quan tâm đến vấn đề đạo đức và môi trường, đồng thời đó cũng là xu hướng sống của những tín đồ thời trang có chung quan điểm. Mỗi người sẽ tận dụng những cách khác nhau để vừa có phong cách đẹp mà vẫn bảo vệ được môi trường sống.
Có thể kể tên các nhà thiết kế và thương hiệu nổi tiếng đi tiên phong trong lĩnh vực này như: Evrnu, Fabregrap, Reroll by Zero Waste Daniel và Tonlé, Trmtab, Patagonia, Kilomet 109…
Ngày càng nhiều các nhà thiết kế gia nhập xu hướng “Thời trang bền vững” bằng cách sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường như đũi, lanh, lụa
Có 5 cách phổ biến để chính bạn tạo ra “Thời trang không lãng phí” như:
- Bảo quản và trận trọng sản phẩm thời trang, sử dụng lâu dài
- Mua đồ Secondhand (đồ cũ)
- Đổi đồ với bạn bè
- Ủng hộ các thương hiệu thời trang bền vững
- Tái chế đồ cũ trở thành những món đồ mới phá cách.
6 cách dành cho các Nhà thiết kế tạo ra “Thời trang bền vững” như: :
- Chất liệu tự nhiên, tái chế, phân hủy được thời trang
- Sản phẩm có tuổi thọ cao
- Sử dụng cách cắt không hao phí
- Hạn chế bao bì đóng gói sản phẩm
- Bảo vệ quyền của người lao động
- Tư vấn cho khách hàng về tính hữu ích của thời trang bền vững
Đỉnh cao sáng tạo của những người “dấn thân”
Ở Việt Nam, NTK Vũ Thảo – Người sáng lập thương hiệu thời trang Kilomet 109 đã trở thành người dẫn đầu xu hướng thời trang bền vững với việc sử dụng vải tự nhiên (lụa, đũi, lanh, …) và tái chế thời trang.
NTK Vũ Thảo chia sẻ: Chất liệu tái chế mình gọi là thứ chất liệu cảm xúc. Tạm không nói đến những tác động chéo của nó đến xã hội, môi trường... thì nó đã là một thứ chất liệu có độ gắn bó hơn hẳn chất liệu mới tinh. Dù gì nó cũng đã có một đời sống nhất định, chứng kiến biết bao thăng trầm của người dùng. Chất liệu tái chế còn có một bộ dạng thật đặc biệt, độc bản không gì so sánh nổi. Sự cũ kĩ, bạc phếch, xơ xác thậm chí màng màng, tơi tả...lại mang đến cho chất liệu tái chế một hiệu ứng đương đại, ngầu ngầu, là lạ, khác thường, duyên duyên, "chất như nước cất" mà thời nay phải dùng công nghệ cao để can thiệp như giặt cát, mài đá, vá giả, hay phun bẩn bằng tia lazer, cào xước bằng máy chuyên dụng...
Chiếc áo khoác Sui này của NTK Vũ Thảo là phần còn lại của tấm chăn Tày hàng trăm tuổi, có đến 5 thế hệ gia đình đã đắp nó.
NTK Vũ Thảo bật mí câu chuyện lịch sử về nguồn gốc của thiết kế đặc biệt này: “Năm 2014 mình đã may mắn có được tấm chăn này và đã dùng một phần lớn của tấm chăn để làm tác phẩm cho một cuộc triển lãm nhóm về Ecoart tại bảo tàng Mỹ Thuật, Việt Nam. Lúc mang về nó đen thui, hôi hám, nhiều chỗ có nấm mọc lơ thơ. Mình đã dành đúng 1 tuần để luộc, giặt, đập, phơi. Được tắm gội em ấy dần dần trắng ngần và bông tơi, mườn mượt như ruốc sao. Các thớ thịt săn chắc của em ấy có một cấu trúc thật lôi cuốn và tính đàn hồi thì kỳ ảo. Càng tước càng tơ, càng giặt càng mềm và có độ rủ thật ngạc nhiên.”
Cùng chung ý tưởng với chị Thảo, BST “Bụi” của NTK Bằng Anh (LCDF-Hanoi) lấy nguồn cảm hứng từ việc tái sử dụng và phát triển sản phẩm dựa trên những quần áo bò cũ.
Bằng những phương pháp như phá vỡ, tái tạo cấu trúc sản phẩm cũ, đan, tẩy trắng, nhuộm, chắp vá, xổ sợi, Nhà thiết kế muốn định nghĩa lại khái niệm cũ mới, biến những điều tưởng như không còn giá trị thành vô giá. Thiết kế của anh không chỉ là phản chiếu của những thăng trầm trong cuộc đời, mà còn là một dẫn chứng về một cách sống mới thông minh hơn khi xã hội ngày một có nhiều biến đổi gây ô nhiễm.
Hãy trở thành một tín đồ “ Zero Waste Fashion”
Đang theo đuổi một dự án ZERO về Thời trang không lãng phí, Nguyễn Thu An (sinh viên Khoa thiết kế/kinh doanh thời trang) của LCDF-Hanoi cho biết: “Qua những nghiên cứu về lĩnh vực này. Tôi giật mình vì ngành thời trang thải ra 60 tỷ tấn vải thừa trong 400 tỷ tấn vải được sản xuấ tmỗi năm. Sau dầu mỏ, ngành công nghiệp may mặc đứng thứ 2 trên thế giới về ô nhiễm môi trường. Bạn có dám tưởng tượng, liệu một ngày nào đó, con người sẽ không còn đất để đứng, không có không khí sạch để thở và không có nước sạch để uống?
Hy vọng dự án của chúng tôi có thể mang lại cho cộng đồng những hiểu biết về thời trang bền vững, nâng cao ý thức về sử dụng đồ, từ đó mỗi người có những lựa chọn tốt hơn về tiêu dùng quần áo để bảo vệ môi trường sống. Thay vì việc mình xả rác để mất công dọn rác thì hãy có ý thức về việc ngừng tạo ra rác thải.”
Học tập từ những thế hệ đi trước, các sinh viên khoa Thiết kế/ kinh doanh thời trang của LCDF-Hanoi đang viết tiếp những trang mới của Thời trang bền vững bằng những ý tưởng sáng tạo khác nhau, điển hình như sinh viên Lê Ngọc Hà Thu
Thiết kế này sử dụng chất liệu gồm vải denim được tẩy (bleached) thành họa tiết bàn tay Hamsa. Phần legging làm từ vải jersey in kĩ thuật số họa tiết tự thiết kế. Đặc biệt chiếc áo khoác Denim được cắt theo kĩ thuật Zero waste – không hao phí.
Vừa sử dụng chất liệu lụa tơ tằm tốt cho sức khỏe, thân thiện với mô trường, Hà Thu cũng ứng dụng cắt theo kĩ thuật Less waste - Tiết kiệm khổ vải nhất có thể (tổng lượng hao phí vải dưới 5%) để tạo thiết kế này. Phần vải thừa được sử dụng để trang trí tạo bề mặt trên thân váy, hạn chế tối đa phế thải.
Một trong những khó khăn nhất trong lĩnh vực “Thời trang không lãng phí” là thay đổi rất nhiều về thiết kế. Nhà thiết kế rất “hại não” để có được một mẫu vừa với khổ vải, tái tạo từ những sản phẩm cũ, tìm cách đổi mới để nó hiện đại trẻ trung hơn. Hiện tại, nhóm các bạn sinh viên cùng lớp Hà Thu đang thực hiện dự án DMVL - Dùng phế liệu da để sáng tạo nên các thiết kế túi đeo chéo đa năng và bao Laptop. . Bên cạnh đó là những Dự án khác như: DREAM WEAVER - Thiết kế và sản xuất túi đan Macrame 100% thủ công, 100% Cotton; ORIGIN - Sản phẩm túi xách được tái chế từ bao cà phê và kết hợp với chất liệu da, in thủ công; SHARED LOVE – Thiết kế đồ ngủ đa năng dành cho nữ giới bằng vải lụa.
Họ hy vọng truyền được cảm hứng “Sống thân thiện với môi trường, sử dụng thời trang bền vững” đến giới trẻ, những người sẽ trở thành khách hàng mua sắm chính trong những thập niên sắp tới.
Một số mẫu thiết kế các sản phẩm từ sinh viên LCDF-Hanoi.
Thời trang bền vững không phải là những sản phẩm “già nua” của các chất liệu 100% nhiên mà ngày này các bạn trẻ đã tìm phương án cách điệu chúng trở hiện đại, độc đáo khác phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Để góp phần hạn chế chất thải ngành may mặc, tiết kiệm sức lao động, phí sản xuất vải, tài nguyên... Chính người tiêu dùng hãy trở thành những tín đồ thời trang thông thái, biết mua sắm và sử dụng hợp lý, thay đổi suy nghĩ và hành động để bảo vệ mình và môi trường sống.
Các bạn có thể ghé thăm và trải nghiệm các sản phẩm thiết kế thời trang bền vững tại Triển lãm Dự án Kinh doanh thời trang của sinh viên LCDF-Hanoi. Đăng kí nhận vé mời https://goo.gl/forms/DdbzRi9r0sOTNvcF3
và theo dõi chi tiết sự kiện thú vị này tại