Câu chuyện bới phế liệu để làm đèn của sinh viên Thiết kế Nội thất
- hang
- April 18, 2018
Hãy xem sinh viên khoa Thiết kế nội thất và kiến trúc đã hô biến những ống nước, vỏ đèn cũ, đế quạt trần, đồ điện tử bỏ đi thành những chiếc đèn Độc – Lạ như nào nhé!
Hành trình tìm ý tưởng từ “rác”
Xu hướng thiết kế, sáng tạo sản phẩm bền vững thân thiện với môi trường đã có từ lâu trên thế giới và ngày càng được chú trọng trong ngày giáo dục. Nhiều công ty thiết kế hiện đại càng quan tâm đến vật liệu tái chế, giảm thiểu tối đa những thứ có thể trở thành mối nguy hiểm đối với môi trường.
Cùng với xu hướng đó, các sinh viên khoa Thiết kế nội thất và Kiến trúc của LCDF-Hanoi đã triển khai dự án sáng tạo đèn từ phế thải, cả thầy và trò cùng đi kiếm những thứ bỏ đi để làm vật liệu và thổi hồn cho “rác”.
Một ngày miệt mài tại khu tập kết phế liệu của thầy và trò khoa Thiết kế Nội thất & Kiến trúc, cuối cùng họ đã thu được khá nhiều thứ trở thành ý tưởng cho dự án tái chế.
Quá trình tìm kiếm mất khá nhiều thời gian, nhưng cái khó hơn chính là liên kết những gì đã có với ý tưởng thiết kế.
Sau khi làm sạch vật liệu, sinh viên bắt đầu tiến hành thử lắp ráp hình dáng ban đầu
Đánh bóng và tân trang các chi tiết
Sinh viên Lily cho biết: “Trong quá trình làm, chúng tôi mới nảy sinh nhiều ý tưởng, thậm chí nó còn khác xa so với phác thảo ban đầu bởi vì cảm hứng phụ thuộc vào nguồn vật liệu đã thu thập được. Thậm chí có những thứ mình dự định sẽ mang về đưa vào thiết kế, nhưng sau đó lại không dùng tới mà nó được lấy ý tưởng từ những vật liệu không ngờ tới.”
Những “siêu phẩm đèn” từ phế liệu
Thật không đơn giản để mang lại sức sống và thổi hồn vào những đồ bỏ đi, nhưng bằng sự say mê sáng tạo, những sinh viên của Khoa Thiết kế nội thất và kiến trúc – LCDF Hanoi đã làm được điều đó.
Những tác phẩm được tạo nên đưới đôi tay tài hoa của họ không chỉ mang tính nghệ thuật cao, có giá trị độc đáo mà còn mang tính ứng dụng thực tế.
Tác phẩm hoàn chỉnh của Phương Liên (Lily) là một chiếc đèn bàn, dùng để đọc sách. Sản phẩm được làm từ ống nước và đế quạt trần. Sau khi được lắp ráp và phủ một lớp sơn mới, nó mang một vẻ đẹp rất cổ điển, cá tính.
Ở tác phẩm của mình, sinh viên Mỹ Linh đã tận dụng ống nước bằng kim loại, vỏ đèn cũ để sáng tạo nên một chiếc đèn bàn độc lạ với chi tiết uốn cong ở thân. Thiết kế vừa có nét hiện đại bởi cấu tạo đơn giản, vừa cổ điển vì những chi tiết nhỏ có vẻ gồ ghề được hình thành từ ốc xoáy của ống nước.
Khác với Lily và Chloe, Lucas tìm thấy cảm hứng sáng tạo với những thiết bị điện tử. Trong quá trình nghiên cứu về Tái chế đồ nội thất, Lucas nhận thấy có những nghệ sĩ đã tận dụng phế liệu ngành điện tử để tạo tranh 3D khá thú vị nên anh đã bị cuốn hút bởi điều đó.
Ý tưởng thiết kế và vật liệu chuẩn bị sẵn sàng cho sản phẩm của Lucas.
Lucas chia sẻ: “Rác thải ngày càng chất đầy trên trái đất này và ngành điện tử cũng góp phần không nhỏ làm ô nhiễm môi trường gây hại cho sức khỏe con người. Tôi hy vọng tác phẩm của mình sẽ mang lại một giá trị nghệ thuật và suy nghĩ tích cực đối với mọi người về việc chống lãng phí và bảo vệ cuộc sống.”
Bạn có nhìn thấy bảng mạch điện tử trong cấu tạo của chiếc đèn đặc biệt có một không hai này?
Tác phẩm đèn từ phế liệu điện tử được hoàn thành với kiểu dáng độc lạ, đặc biệt đèn còn tháo lắp dễ dàng để lau chùi từng bộ phận.
Một chiếc đèn khác, không kém phần ấn tượng được làm từ ống nước, hộp cối xay trong máy xay sinh tố của Cư Việt Dũng
Với Dũng, điều khó khăn nhất khi thực hiện thiết kế này là tìm giải pháp giữ thăng bằng cho cây đèn, Dũng chia sẻ: Đế đèn làm từ inox của bộ dụng cụ bếp trong nhà hàng, nó khá nhẹ nên tôi đã phải gắn bê tông giữ thăng bằng. Chiếc đèn cao, 1m7 vừa có thể trang trí ở phòng khách, vừa đọc sách thư giãn cạnh sofa mà không gây trở ngại cho người dùng.
Thầy Stephen Larcombe – Trưởng khoa Thiết kế Nội thất và kiến trúc vui mừng chia sẻ: Những sinh viên của chúng tôi thực sự đã lao động miệt mài và không ngừng sáng tạo. Tái chế là một trong những cảm hứng sáng tạo và ý nghĩa đạo đức của những người làm việc trong lĩnh vực thiết kế. Họ đã thử sức mình trong những dự án của từng kỳ học và tôi rất tự hào với những gì họ đã làm được những sản phẩm độc đáo.
Thùy Dương