Có một việc quan trọng, giúp Portfolio của bạn ghi điểm dù mới chỉ là... giấy nháp
- hang
- Jan. 8, 2018
Nếu sớm làm được điều này thì khi ấy, dù bộ hồ sơ nghệ thuật còn chưa có hình hài cụ thể nhưng chắc chắn, bạn đã gần như định hình được “phần khung" của nó.
Để có thể theo học những trường thiết kế hàng đầu trên thế giới, ngoài khả năng, các sinh viên nhất định phải có một bộ hồ sơ nghệ thuật (hay còn gọi là portfolio). Đây là điều hiển nhiên, nhưng không phải bạn trẻ nào cũng biết, nhất là ở Việt Nam.
Quá trình chuẩn bị một Portfolio thường kéo dài từ 1-2 năm để thể hiện sự phát triển của bản thân sinh viên Portfolio, theo định nghĩa của trường Đại học Nghệ thuật London, là một bộ sưu tập các tác phẩm, cho thấy kỹ năng và ý tưởng của tác giả đã phát triển như thế nào trong một khoảng thời gian nhất định. Nó thể hiện sự sáng tạo, tính cách và khả năng của người thực hiện, giúp đánh giá được tiềm năng của người ấy.
Trong khi đó, theo Giáo sư Douglas Maclennan – Nguyên Giám đốc phát triển hợp tác quốc tế - Đại học Northumbria (Anh Quốc) và Cố vấn đào tạo của Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội thì Portfolio chính là “tấm vé” giúp các bạn trẻ được chọn vào trường đại học nghệ thuật mà mình mong muốn.
Duy chỉ có điều, không giống như những “tấm vé" thông thường, cầm vé trên tay là được “qua cổng". Nếu như không thể chinh phục được hội đồng tuyển sinh, chúng cũng chỉ như những tấm vé số “thiếu may mắn".
Tham khảo và học hỏi cách làm Portfolio từ những người khác là điều cần thiết để làm mới và hiện đại trang hồ sơ nghệ thuật của mình.
Vậy, làm thế nào để một bộ hồ sơ nghệ thuật có thể lọt “mắt xanh” của những nhà thẩm định nổi tiếng khó tính. Chỉ cần một thao tác tìm kiếm trên Google sẽ ra ngay cả ngàn lời khuyên. Tuy nhiên, trước khi áp dụng những lời khuyên ấy thì có điều vô cùng quan trọng cần làm mà không phải ai cũng để ý. Đó là xác định rõ nguyện vọng của bản thân, xác định rõ đâu là ngôi trường mình muốn học.
Việc này quan trọng bởi lẽ, bên cạnh những nơi khá cởi mở trong việc nhận portfolio thì lại có nhiều trường đại học vô cùng khắt khe với đủ thứ yêu cầu cụ thể. Và khi nắm rõ được các yêu cầu này, sinh viên sẽ chủ động hơn rất nhiều.
Ví dụ, với một số trường, việc đưa vào portfolio một sản phẩm hoàn chỉnh luôn được đánh giá cao. Tuy nhiên, lại có những trường khác quan tâm hơn tới quá trình hình thành và phát triển ý tưởng của sinh viên chứ không phải là kết quả cuối cùng. Có trường còn đưa sẵn chủ đề cụ thể cho những ai muốn theo học dựa vào đó để sáng tạo. Nếu không biết trước để chuẩn bị thì xác định là bị loại từ “vòng gửi xe".
Trong một Portfolio bạn nên để từ 20-30 sản phẩm bạn đã làm và tùy thuộc vào trường và trình độ mà bạn muốn đăng kí là năm thứ, năm thứ 2 hay năm cuối đại học.
Ngoài ra, còn có rất nhiều những yêu cầu khác mà các bạn sinh viên không thể bỏ qua. Đó có thể là kích thước, định dạng của một bộ hồ sơ nghệ thuật, là những yêu cầu về việc trình bày, thậm chí là cả số lượng trang. Như mới đây, tại một buổi Talk show về đề tài portfolio được tổ chức tại Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội, một bạn trẻ đã chia sẻ rằng ngồi trường mà mình muốn nhập học chỉ nhận những bộ hồ sơ có tối đa là 15 trang.
Bên cạnh đó, với các sinh viên quốc tế, những người khó tham gia các buổi tuyển chọn trực tiếp như sinh viên bản địa, họ có thể phải đáp ứng thêm những đòi hỏi khác từ ngôi trường mà mình muốn học để có thể thể hiện được bản thân nhiều hơn qua portfolio.
Bạn nên lưu ý kích cỡ của Portfolio không quá khổ, số trang không quá nhiều và không lộn xộn. Và cuối cùng, dù chỉ là một chi tiết nhỏ, nhưng cũng không kém phần quan trọng. Đó chính là thời hạn nộp hồ sơ. Có những trường nhận portfolio cùng lúc với đơn xin nhập học, nhưng cũng có những trường cho sinh viên một khoảng thời gian tương đối dư dả để chuẩn bị. Vì đây là chi tiết dễ nhớ nhưng lại chóng quên, nên hãy đánh dấu lại một cách cẩn thận trên lịch để bàn hoặc trong điện thoại.
Đặc biệt, như Giáo sư Douglas Maclennan từng chia sẻ thì portfolio cần phải được thực hiện trong cả một quá trình, chứ không phải ngày một ngày hai. Vậy nên, việc xác định này phải nên làm càng sớm càng tốt. Không chỉ xác định một trường, mà còn có thể tìm cả những trường với yêu cầu tương đồng để có thêm giải pháp cho tương lai.
Nếu làm được như vậy thì khi ấy, dù bộ hồ sơ nghệ thuật còn chưa có hình hài cụ thể nhưng chắc chắn, bạn đã gần như định hình được “phần khung" của nó. Đó sẽ là một điểm cộng không nhỏ giúp bạn có thể biến giấc mơ thành hiện thực sau này.
Duy Linh