Những thiết kế thời trang “khác biệt” cảnh báo về ô nhiễm môi trường, dịch bệnh và bạo hành trẻ em
- hang
- Jan. 2, 2018
Những nhà thiết kế trẻ của Tuần lễ thời trang tốt nghiệp “4.0 Khác biệt” đã dùng nghệ thuật thời trang một cách tinh tế nhất để báo động về các hiểm họa đang đe dọa cuộc sống của loài người.
Bộ sưu tập mang tên S.O.S của Nhà thiết kế Nguyễn Thùy Linh thể hiện nhưng suy nghĩ về xã hội loài người dường như đang chìm trong những căn bệnh. Chúng ta làm việc đến nỗi kiệt sức, trong những môi trường độc hại và bầu không khí ô nhiễm. Cùng với việc thảm họa thiên nhiên xảy ra khắp toàn cầu, các chứng bệnh cũng ngày càng lan rộng.
Ý tưởng của BST đến từ những tế bào và cơ thể sinh vật lây bệnh khi được quan sát dưới kính hiển vi.
Thời trang không chỉ để mặc, nó cũng có vai trò quan trọng tác động tới xã hội nên nhà thiết kế muốn truyền tải thông điệp “khẩn cấp” tới từng cá nhân, nhằm thay đổi hành vi của chúng ta, giúp cho cuộc sống ngày một tốt hơn, tránh những thảm họa do chính con người gây ra.
Xuyên suốt bộ sưu tập, Nhà thiết kế sử dụng các chi tiết thiết kế như mũ chùm đầu, dáng vai rộng cùng với những đường cắt mở táo bạo và phom dáng cứng rắn lạ mắt để cảnh báo về thảm họa dịch bệnh đang có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới.
Những bệnh nhân đang chịu đựng các căn bệnh đau đớn do tác hại của môi trường sống qua hình ảnh ẩn dụ của thời trang; với gam màu đen chủ đạo thể hiện những vết thương và bề mặt mầm bệnh.
Nhà thiết kế sử dụng các kỹ thuật đính hạt, xử lý bề mặt vải được kết hợp với chất liệu PVC, TPU, giả da, jersey, nhung và nylon, kết hợp với các phụ kiện bảo hộ, phòng chống độc hại để nói về vấn đề rác thải, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.
Bộ sưu tập S.O.S mang phong cách thời trang đường phố, muốn hướng tới những khách hành nam và nữ trẻ tuổi, cá tính và phá cách.
Ngoài vấn nạn ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, trong xã hội còn đang nhức nhối hành vi bạo hành trẻ em ( thể chất và tinh thần). Nhà thiết kế Hoàng Hồng Hải đã lấy ý tưởng từ cuộc sống dưới góc nhìn của những đứa trẻ bị bạo hành và câu chuyện “Alice ở xứ sở thần tiên” để tạo nên Bộ sưu tập “Thế giới tối - Alice’grotesque land ”
Hồng Hải chia sẻ: “BST là ký ức, cảm xúc và vấn đề mà tôi quan tâm. Tôi muốn tạo nên một thứ gì đó đẹp mà không nông cạn, vượt qua giới hạn đơn thuần là thời trang.”
Đặc biệt, NKT Hồng Hải đã phá vỡ cấu trúc rập trong thời trang và sử dụng nhiều sáng tạo chất liệu mới lạ như nhuộm chuyển màu, tẩy vải, nhuộm màu kết hợp, chắp vá, tạo hình... “Dù rủi ro là rất cao nhưng tôi thấy mãn nguyện với kết quả mình đạt được.”
Nhà thiết kế Hoàng Hồng Hải tâm sự: Thế giới đầy màu sắc, đẹp đẽ với nhiều đứa trẻ khác, nhưng với những đứa trẻ không ai quan tâm, thế giới của chúng tối và đặc quánh hơn nhiều..
Các kỹ thuật phá bỏ rập, phá bỏ giới hạn phom dáng và các hình dáng khổng lồ cũng như đập khoét lõm các hình khối đã được ứng dụng tối đa để thể hiện ý tưởng của BST. Màu sắc chạy xuyên suốt BST là các gam màu mạnh và rõ ràng: trắng, đen, đỏ và xanh nước biển. Các chất liệu được sử dụng là các chất liệu hợp xu hướng thu đông 2018 như: vải da, vải bò, da lộn và organza. Thiết kế muốn gửi tới các bạn trẻ năng động, yêu nghệ thuật và thích sự đổi mới khác biệt.
Giảng viên Thiết kế thời trang Tamara Joseph chia sẻ: “Tôi chứng kiến cả quá trình trưởng thành của các nhà thiết kế. Tất cả đều như một giấc mơ, đi từ bản vẽ phác thảo tới sản phẩm như là siêu thực”. Thời trang không chỉ là nghệ thuật, không chỉ là trang phục, nó còn mang sứ mệnh xã hội, gắn liền với sự phát triển, văn hóa, đạo đức và tầm nhìn của thế hệ trẻ. Các nhà thiết kế muốn dùng thời trang để truyền tải những thông điệp mang ý nghĩa nhân văn lớn lao hơn để góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.