Có những nhà thiết kế nội thất dành cả thanh xuân chỉ để... vẽ
- hang
- Dec. 26, 2017
Nhu cầu thị trường cao, phân khúc khách hàng phong phú, cơ hội làm việc nhiều, nhưng các nhà thiết kế nội thất vẫn có thể rơi vào tình trạng thất nghiệp như thường.
Thiết kế nội thất, dù không quá mới, nhưng vẫn đang là một ngành rất phát triển ở Việt Nam. Lý do là bởi khi cuộc sống ngày càng đủ đầy thì nhu cầu làm đẹp không gian sống ngày càng cao.
Không chỉ là nhà riêng, căn hộ mà các điểm sinh hoạt cộng đồng, các văn phòng làm viêc vốn thường bị bỏ bê thì nay cũng rất được chú ý. Đó là chưa kể đến các không gian thương mại như nhà hàng, quán cafe, khách sạn... đang mọc lên ngày càng nhiều.
Thiết kế nội thất là một trong những ngành rất đắt hàng
Nhu cầu của thị trường cao, phân khúc khách hàng phong phú, cơ hội làm việc nhiều như nấm sau mưa, tuy nhiên có một thực tế là các nhân sự giỏi của ngành, những người nắm bắt được xu thế thời đại thì lại rất ít. Và tình trạng này sẽ còn kéo dài, nếu như các nhà thiết kế trẻ vẫn dành cả thanh xuân chỉ để... vẽ.
Tất nhiên, vẽ là một kỹ năng không thể thiếu trong ngành thiết kế nói chung. Với dân thiết kế nội thất, vẽ chính là cách để họ thể hiện ý tưởng của mình, nhưng chủ yếu là tính thẩm mỹ của không gian được thiết kế.
Thế nhưng, vấn đề đáng nói ở đây là, các bản vẽ nhẽ ra phải là thành quả có được sau quá trình nghiên cứu về công năng, tìm hiểu về kết cấu, tìm kiếm các nguyên vật liệu phù hợp thì nay, chúng lại trở thành bước thực hiên đầu tiên khi các nhà thiết kế nội thất làm việc với khách hàng.
Lúc này, các bản vẽ chả khác gì một chiếc bánh vẽ, được vẽ ra để thuyết phục đối tác. Tính khả thi đến đâu, có thể thực hiện được hay không thì... để mai tính. Để rồi, có không ít trường hợp, thành quả cuối cùng so với bản vẽ đầu tiên khác nhau một trời một vực.
Thực ra, chuyện gì cũng có lý do của nó. Một phần là do tâm lý ham đẹp của người tiêu dùng. Cứ thấy “lung linh" là gật đầu “lên luôn". Kế đến là do khả năng của nhà thiết kế có hạn, bởi kỹ năng thuần thục nhất của họ chính là vẽ. Và cuối cùng, là do môi trường đào tạo.
Hầu hết những trung tâm dạy nghề, thậm chí là các trường đại học chính quy, cũng chỉ hướng sinh viên đến việc luyện vẽ bằng các phần mềm là chủ yếu. Ngay cả việc làm mô hình, một trong những kỹ năng quan trọng nhất của sinh viên ngành thiết kế nội thất, cũng không được chú trọng.
Còn nhớ, mới đây, lễ ra mắt các đề án chuyên ngành Thiết kế nội thất/ Kiến trúc giới thiệu những kết quả đạt được sau 1 năm học tập của các sinh viên Học viện Thiết kế và Thời trang London tại Hà Nội (LCDF) đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tại sự kiện này, đã có 5 bộ thiết kế hoàn chỉnh với kích cỡ thật cho mô hình không gian sử dụng ngắn hạn được giới thiệu.
Sinh viên tại LCDFHanoi thực hành mô hinh nội thất
Cả 5 bộ mô hình đều được các bạn sinh viên dựng bằng tay từ những vật liệu thân thiện với môi trường. Không chỉ dừng lại ở việc trưng bày, tất cả đều có thể đưa vào sự dụng lâu dài trong thực tế nếu được sử dụng nguyên vật liệu phù hợp.
Khu trưng bày các sản phẩm thiết kế nội thất của sinh viên LCDFHanoi, từ các mô hình nhỏ đến tỷ lệ thật, khách tham quan có thể trải nghiệm.
Tận mắt chứng kiến sản phẩm của các sinh viên năm nhất, không ít dân nội thất chuyên nghiệp cảm thấy bất ngờ. “Phần lớn thời gian ở trường, mình được học nhiều về kỹ năng thiết kế bằng phần mềm. Việc làm mô hình cũng có được học, nhưng chỉ qua loa. Bản thân mình cũng chưa từng nghĩ đến việc tự tay dựng một mô hình hoàn chỉnh,” một nhà thiết kế nội thất có mặt tại sự kiện chia sẻ.
Quy trình thiết kế nội thất chú trọng tới những nguyên tắc cơ bản từ “mục đích”, “sự ổn định” và “tính thẩm mỹ”.
Nhà thiết này cũng cho biết rằng bản thân đã phải học thêm rất nhiều kể từ khi làm nghề. Bởi rõ ràng, không ai có thể trở thành một nhà thiết kế nội thất thực thụ nếu “trình" chỉ dừng lại ở mức vẽ, dù cho là vẽ đẹp.
Trở lại với năm 1982, sự ra đời của phần mềm vẽ kỹ thuật Auto Cad đã hỗ trợ cho các nhà thiết kế, các kỹ sư rất nhiều. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có không ít phần mềm mới ra đời với vô vàn tính năng hữu ích. Quả thực, không thể phủ nhận các ưu điểm mà chúng mang lại. Nhưng dù cho những phần mềm có được nâng cấp thế nào đi chăng nữa, thì vai trò của chúng vẫn chỉ là một công cụ hỗ trợ. Và vẽ bằng phần mềm cũng chỉ là một kỹ năng căn bản mà một nhà thiết kế cần có, sau rất nhiều các kỹ năng khác.