Nhiếp ảnh gia Bobby Nguyễn: “Tôi chọn đam mê để thành công, vật chất cứ từ từ sẽ có
- hang
- July 25, 2017
Được mệnh danh là phù thủy của những bộ ảnh thời trang, Bobby Nguyễn có những khoảnh khắc xuất thần nhờ nhãn quan của một nhà thiết kế. Thành công của Bobby Nguyễn đến từ đam mê thực sự với nghệ thuật. Với tay máy này, không có đam mê là khó khăn lớn nhất cản trở bước đường của người nghệ sĩ.
Bobby Nguyễn tên thật là Nguyễn Khắc Trung. Từng tốt nghiệp Học Viện Thiết kế và Thời Trang London chuyên ngành Thiết kế, nhưng anh lại chọn trở thành một nhiếp ảnh gia. Khi còn trẻ đừng sợ thất bại, đừng lo bấp bênhTừ khi còn nhỏ, Nguyễn Khắc Trung (tên thật của Bobby Nguyễn – PV) đã thích vẽ vời. Anh luôn ấp ủ mong muốn được trở thành họa sĩ hoặc nhà thiết kế thời trang. Nhưng gia đình không có ai theo nghề này nên làm sao để biến ước mơ thành hiện thực, bản thân anh không hề biết.
Có lẽ nghệ thuật đã chọn anh khi đang băn khoăn giữa nhiều cánh cửa để bước vào đời, Bobby biết tin Học viện Thiết kế và Thời trang London tổ chức cuộc thi tìm kiếm tài năng thiết kế trẻ. Với những sáng tác rất bản năng, anh đi thi và giành giải, được thêm một học bổng “khủng”. Đó thực sự là cơ hội để chàng trai đam mê nghệ thuật chọn cho mình một nghề.
Nhưng chọn rồi và theo học rồi cũng đâu có đơn giản, đã có khi người thân, bạn bè khuyên Bobby dừng lại, kiếm một công việc ổn định hơn vì thiết kế thời trang nghe “rất lông bông”. Nhớ lại thời điểm đó, Bobby nói: “Nhiều người nghĩ học thiết kế chỉ là vẽ một bộ quần áo, may một cái váy. Nhưng không phải. Học ở Học viện, tôi có được kiến thức, cái nhìn tổng quát về cả ngành thời trang và gu thẩm mĩ tinh tế. Các thầy cô đã giúp tôi đánh thức được đam mê bên trong mình”.
Suốt quá trình học thiết kế, Bobby luôn là học sinh có tiềm năng và sáng tác nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Học bổng giành được cũng là động lực giúp anh phấn đấu không ngừng. Nhiều người đã thắc mắc: “Sao không kiếm một nghề ổn định?”, Bobby chỉ cười: “Khi còn trẻ đừng sợ thất bại, đừng lo lông bông. Hãy cứ theo đuổi thứ mình thích đi. Nếu có thất bại thì cũng không ân hận vì mình đã sống, đã dám làm những điều mình muốn. Cảm giác được học, được chạy cật lực theo thức mình thích đã lắm”.
Đúng như những gì đã nói, Bobby học miệt mài ở trường, tự học và căng sức để cho ra những sản phẩm tốt nhất chỉ vì thích. Đúng là sở thích không “phụ” anh. Dù sau này không trở thành nhà thiết kế, anh vẫn thành công nhờ những kiến thức học được trong khoảng thời gian còn trẻ.
Tốt nghiệp Học viện Thiết kế và Thời trang London, song một lần nữa Bobby lại “lông bông” khi rời Hà Nội, lập nghiệp tại Sài Thành và bén duyên với nhiếp ảnh. Lối rẽ bất ngờ để hôm nay, công chúng đã đón nhận anh với tên gọi Nhiếp ảnh gia Bobby Nguyễn – phù thủy của những bộ ảnh thời trang.
Lý do đến với nhiếp ảnh của Bobby cũng thiên về cảm xúc nhiều hơn lý trí. Khi hoàn thành một bộ sưu tập tốt nghiệp rất tâm huyết, anh không tìm được nhiếp ảnh gia nào chụp đồ của mình ưng ý. Chẳng còn cách nào khác ngoài tự chụp, nhà thiết kế trẻ lúc đó cảm thấy: “À thì ra mình cũng có khiếu”, “Ồ thực ra chụp ảnh rất hay”, “Ừ mình cũng chụp được đó chứ”.
Lại bỏ qua nhiều lời ngăn cản, Bobby quyết định trở thành một tay máy chuyên chụp ảnh thời trang. Khởi đầu này bớt chông gai hơn khi anh đã có vốn kiến thức chắc chắn về thời trang, cái nhìn bao quát về ngành công nghiệp này từ khi còn theo học ở học viện. Nhìn một bộ đồ, chàng nhiếp ảnh gia mới vào nghề biết đâu là điểm đẹp nhất, hợp với người mẫu nhất để chọn góc chụp đẹp và sáng.
Với Bobby, khó khăn nhất của việc theo đuổi nghệ thuật dù Thời trang hay Nhiếp ảnh đó là đam mê. Anh cho rằng: “Khó khăn đối với người theo đuổi nghệ thuật là đam mê chưa đủ nhiều. Nếu bạn chưa đam mê đủ nhiều tức là bạn đang cản trở chính mình trên con đường đến thành công”. Sống giữa showbiz hào nhoáng, nhiều người đẹp, nhiều ham mê vật chất, Bobby cũng có lúc tự hỏi: “Chọn vật chất hay chọn đam mê?”. Nhưng cuối cùng đam mê vẫn chiến thắng trong anh như ngày đầu tiên anh lựa chọn theo Thời trang: “Tôi có quan điểm rất rõ ràng về đam mê của mình và luôn biết mình muốn gì trong công việc. Với ngành khác tôi không biết nhưng với nghệ thuật phải trân trọng đam mê của mình”.
Nguồn: Kenh14.vn