Học thiết kế thời trang vì yêu… môi trường, nữ sinh Amser nhận học bổng trăm triệu đồng
- hang
- May 23, 2017
Với mục tiêu rõ ràng và cao đẹp khi theo đuổi ngành thiết kế và cách thể hiện Hồ sơ nghệ thuật (porfolio)chuyên nghiệp, Nguyễn Ngọc Hà Thu đã giành được học bổng (100 triệu) từ trường đào tạo thiết kế quốc tế danh tiếng.
Trò chuyện với Hà Thu, chúng tôi nhận ra khá nhiều điều thú vị về quan điểm thiết kế, bí quyết săn học bổng từ cô bạn 18 tuổi dễ thương này. Cùng nghe những chia sẻ về hành trình biến ước mơ thành thật của cựu Amser này nhé.
Hà Thu cùng các bạn tại lớp học Thiết kế Thời trang
Điều gì đã tạo động lực để bạn đam mê và theo đuổi ngành thiết kế thời trang?
Tôi khởi đầu bằng việc thích vẽ, cảm thấy mình có khả năng sáng tạo và thích quần áo. Nói thì bảo chẳng giống ai, người ta có thể học thiết kế thời trang vì muốn làm đẹp cho mình, cho mọi người, còn tôi lại vì muốn... bảo vệ môi trường. Tôi muốn theo đuổi dòng thời trang bền vững, thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe, không gây ô nhiễm.
Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc thời trang thì có liên quan gì tới môi trường đâu, đẹp thì mua, hết mốt lại thay. Nhưng câu chuyện đằng sau những sản phẩm thời trang là cả một thế giới khác. Hiện tại, ngành công nghiệp thời trang đang gây tác động vô cùng tiêu cực đến môi trường (gây ô nhiễm và tiêu tốn nước chỉ đứng sau nông nghiệp). Đặc biệt, ngành may mặc Việt Nam là mũi nhọn phát triển kinh tế và xuất khẩu rất nhiều. Nếu chúng ta không học được bài học xương máu từ Trung Quốc và Bangladesh (đều là xưởng dệt may của thế giới và đang bị ô nhiễm nguồn nước rất nặng nề) thì chính bản thân tôi và mọi người sẽ phải hứng chịu một thảm họa môi trường và các bệnh nguy hiểm.
Đây là một lí do lớn thôi thúc tôi chọn học thiết kế thời trang và đi theo hướng thời trang xanh bền vững (eco-fashion/sustainable fashion) hoặc còn gọi là thời trang thân thiện với môi trường.
Bạn hãy chia sẻ bí quyết để phỏng vấn săn học bổng thành công với giảng viên quốc tế?
Tôi học cấp 3 ở trường Hà Nội Amtesdam và tham gia câu lạc bộ Thời trang Lamode của trường nên đã tìm hiểu về thời trang khá nhiều. Ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường, tôi đã tìm kiếm thông tin về các trường chuyên đào tạo ngành này. Tôi cảm thấy có hi vọng khi biết Học viện thiết kế và thời trang London Hà Nội có chương trình học bổng “Tài năng thiết kế trẻ” . Từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu cách làm Hồ sơ xin học bổng, đó là chuẩn bị một Hồ sơ nghệ thuật (Portfolio) để giới thiệu đầy đủ về bản thân và khả năng sáng tạo của mình.
Khi đã trải qua buổi phỏng vấn cùng giảng viên Anh quốc, tôi thực sự được ấn tượng bởi không khí buổi phỏng vấn giống như một buổi trò chuyện trao đổi cùng chuyên gia với tư cách là những người có kinh nghiệm đi trước. Tôi không được ấn định về những lựa chọn của mình mà được chia sẻ thông tin để có thể lựa chọn tốt nhất hướng đi tiếp theo cho nghề nghiệp sau này của mình.
Nhiều bạn yêu thiết kế gặp khó khăn trong việc làm hồ sơ nghệ thuật. Bạn có thể chia sẻ bí quyết của mình không?
Khoảng thời gian đầu tiên tôi dành khá nhiều thời gian tìm hiểu về định nghĩa hồ sơ nghệ thuật và cách thức thực hiện từ rất nhiều website và kênh youtube.Vì bản thân tự tìm hiểu và không được đào tạo trước nên tôi cố gắng làm tốt nhất những gì mình có theo khả năng của tôi.
Hồ sơ nghệ thuật là tổng hợp các tác phẩm nghệ thuật tốt nhất của bạn trong vòng một đến hai năm gần nhất. Tôi bắt đầu thu thập lại các tác phẩm cũ của mình và lọc ra những tác phẩm tốt, sau đó tiếp tục thực hiện các dự án để đưa thêm vào hồ sơ. Một hồ sơ nghệ thuật nên có ít nhất 70% tác phẩm liên quan tới chuyên ngành của mình, ngoài ra bạn có thể cho thêm các tác phẩm thử nghiệm với các loại hình nghệ thuật khác.
Mục đích của hồ sơ nghệ thuật là thể hiện cách bạn tư duy sáng tạo, thể hiện tài năng, và quan trọng hơn là tiềm năng phát triển của bạn. Do vậy, bên cạnh tác phẩm, bạn cần cho vào các ghi chép về ý tưởng, sự hình thành ý tưởng, và quá trình thực hiện tác phẩm của mình, các khó khăn và cách bạn giải quyết để giảng viên có thể hiểu về bạn.
Điểm tựa giúp sức cho bạn theo đuổi đam mê của mình là gì?
Tôi rất may mắn có được một gia đình ủng hộ toàn phần, từ mặt tài chính đến phương diện tinh thần để tôi tập trung theo đuổi đam mê. May mắn hơn nữa là tôi có những người bạn rất giỏi trong các lĩnh vực khác giúp đỡ trong quá trình chuẩn bị hồ sơ phỏng vấn học bổng. Bạn cùng lớp chuyên Anh có trình độ ngoại ngữ rất cao, bạn đã cho tôi những ý kiến thú vị bổ sung cho bài luận. Bạn thân của tôi làm đồ họa nên đã giúp tôi phần trình bày của Portfolio. Tất cả những điều đó khiến tôi cảm thấy mình được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn ban đầu.
Có gì mới lạ trong phong cách học tại Học viện thiết kế và thời trang London Hà Nội (LCDF)?
Lí do tôi chọn LCDF chính là "môi trường đào tạo và giảng viên Anh quốc": Điều tôi rất tâm đắc và thích thú trong cách dạy của trường là sinh viên có rất nhiều tự do để phát huy hết sức khả năng sáng tạo của mình. Với mỗi đề án học tập, tôi được tự do lựa chọn thiết kế và chính kiến của mình thông qua những kiến thức lí thuyết định hướng của thầy cô. Sau đó, thầy cô sẽ giúp đỡ tôi hiện thực hóa ý tưởng của mình và đưa ra lời khuyên, nhưng thầy cô nhấn mạnh "em là nhà thiết kế, người đưa ra quyết định là em". Tôi được thực hiện thiết kế và tự đánh giá kết quả từ sự quyết định của mình.
Nếu muốn đạt kết quả cao và nhận học bổng, bạn phải làm "nhiều hơn những gì thầy cô yêu cầu", thực hiện các nghiên cứu và thử nghiệm độc lập để khám phá những điều mới mẻ. Trong quá trình học tập tôi thường xuyên phải tự nhận xét và đánh giá bài tập của mình (nếu không làm thì sẽ trượt luôn). Khả năng tư duy độc lập, khả năng tự phê bình, và quan trọng nhất là niềm tin vào bản thân. Đây là những yếu tố cần phải có ở một người làm nghệ thuật sáng tạo.
Cảm ơn Hà Thu với những chia sẻ rất bổ ích cho các bạn trẻ đang tìm kiếm học bổng ngành thiết kế. Chúc bạn luôn hạnh phúc và thành công trên con đường đã chọn!.
Nguồn: Kenh14.vn