CÔ CHỦ NHÃN HIỆU THỜI TRANG KILOMET 109
Nhà thiết kế trẻ biết nắm cơ hội
Vũ Thảo là người sáng lập, chủ sở hữu, đồng thời là giám đốc thiết kế của nhãn hiệu thời trang “Kilomet 109” - thương hiệu thời trang cao cấp quy tụ những nghệ nhân địa phương cùng sáng tạo sản phẩm may mặc cho cả nam và nữ tại Việt Nam và châu Âu.
Doanh nhân - Nhà thiết kế trẻ Vũ Thảo
Không những thế, Kilomet 109 còn xử lý thiết kế và sản xuất sản phẩm cho một số thương hiệu thời trang tại London, Paris và Berlin. Chị cũng chịu trách nhiệm quản lý và sản xuất dây chuyền sản xuất cho 3 nhãn hiệu thời trang tại Berlin, như A.D.Deertz, Thone Negron và Sal-Bazaar. Hiện tại, chị đang đàm phán để hợp tác với nhãn hiệu thời trang Correll Correll ở New York trong tương lai gần. Tốt nghiệp Học viện Thời trang London (LCFS - Hà Nội) chuyên ngành thiết kế và sáng tạo năm 2008. Hai năm sau, Vũ Thảo trở thành giảng viên chuyên ngành thiết kế của Học viện tại Hà Nội. Năm 2008 đến 2010, chị làm việc cho Công ty Thời trang Victoria Roe (Anh) ở Hà Nội. Từ năm 2010 đến 2012, chị là nhà thiết kế và quản lý chất lượng của nhãn hiệu thời trang nam A.D.DEERTZ (Đức). Đảm nhận những vị trí này đã giúp chị thu thập được những kinh nghiệm thực tế trước khi bắt đầu sự nghiệp kinh doanh. Đặc biệt, việc chị trở thành quán quân của Giải thưởng Doanh nhân trẻ sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế/thời trang 2014 (YCE) do Hội đồng Anh tổ chức đã khiến chị tự tin hơn vào khả năng sáng tạo trong thiết kế và công việc kinh doanh của mình. Đích đến trong cuộc sống của nhà thiết kế 35 tuổi, gốc Thái Bình này là được đi đây đó. Một người ham mê, sôi nổi và kiên tâm, nên càng đi, chị càng nhận ra, mình càng cần phải đi. Đó cũng là lý do chính để chị đặt tên cho nhãn hiệu thời trang Kilomet 109 của mình. Một cái tên không nữ tính quá, mà cũng không nam tính quá. Trong may mặc, đây là đơn vị đo lường, với khách hàng nó là sự di chuyển, với phát âm là sự thông dụng ở mọi quốc gia với cùng một ý nghĩa, còn 109 là khoảng cách tính bằng ki-lô-mét giữa Hà Nội và Thái Bình (quê chị). Nhưng đặc biệt với bản thân chị, Kilomet cũng là điểm đến, là chặng đường. Và như thế, ngôi vị quán quân YCE 2014 là cái kết rất đẹp, nhưng cũng mở ra những con đường mới, những thách thức mới và rất dài trong sự nghiệp của doanh nhân trẻ sáng tạo này. Theo chị, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đã nhuốm màu sáng tạo? Có thể nói, nền công nghiệp thời trang Việt Nam vẫn còn trong thời kỳ trứng nước, mang tính tự phát cao. Con số nhãn hiệu “Made in Vietnam” thực sự tồn tại được vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việt Nam đang bị cuốn theo những trào lưu chung trên thế giới, mà chưa có tính gạn lọc. Ở Việt Nam, đang xuất hiện hai hướng thời trang chính. Một là, những sản phẩm nhập khẩu cao cấp như LV, CC, D&C… Hai là, những sản phẩm hàng loạt. Lý do cho hiện tượng này là vì những nhãn hiệu có xuất xứ Việt chưa thực sự gắn với chất lượng, tính nguyên bản, cũng như tính chuyên nghiệp… Tuy nhiên, bối cảnh đó là sự đương nhiên của quá trình hình thành và là cơ hội lớn cho những nhà thiết kế trẻ như tôi. Ngoài việc chăm lo cho đứa con tinh thần - Kilomet 109, tôi có cộng tác với môi trường đào tạo cụ thể là Học viện Thời trang London (Hà Nội). Tại đó, tôi đã chứng kiến rất nhiều tài năng Việt giàu tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Và Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin về khả năng sáng tạo, khi các nhà thiết kế được đào tạo và trang bị trong một môi trường chuyên nghiệp và liên tục cập nhật. Chị sẽ đưa Kilomet 109 xuất hiện trên những con đường, đại lộ nào? Ở Hà Nội, Kilomet 109 đang được trưng bày tại địa chỉ duy nhất Module 7 (83 - Xuân Diệu). Ở Berlin là A.D.DEERTZ, Tortrase… Đây là những con phố chính tập trung rất nhiều khách qua lại, cả người bản địa và nước ngoài. Họ là những người đang ở độ tuổi đi làm, có thu nhập, quan tâm và trân trọng những giá trị đằng sau của các sản phẩm tiêu dùng, ưa những sản phẩm có tính thẩm mỹ, chất lượng, có sức sống lâu bền hơn là đại trà, rẻ, nhanh và ẩu. Trở thành quán quân của YCE 2014, giờ đây, chị muốn mình là nhà kinh doanh thời trang hay nhà thiết kế chuyên nghiệp? Cách đây hơn 2 năm, tôi nghĩ, tôi chọn nghề này. Còn bây giờ, tôi nghĩ, nghề đã chọn tôi. Và phải nói thật rằng, tôi đam mê công việc thiết kế hơn là kinh doanh. Kinh doanh là địa hạt rất mới đối với tôi và tôi phải vừa làm, vừa học. Để đảm trách được hai vị trí cùng một lúc là vô cùng khó. Tuy nhiên, càng sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế bao nhiêu, tôi càng nhận ra rằng, tôi cần phải sáng tạo trong lĩnh vực kinh doanh bấy nhiêu. Đối với tôi, mảng kinh doanh mà giậm chân tại chỗ, tức là không đưa sản phẩm thiết kế đến được tay người tiêu dùng, thì sự sáng tạo trong thiết kế của tôi cũng xếp xó. Tôi cho rằng, kinh doanh đòi hỏi đầu tư thời gian, sức sáng tạo và đột phá không thua kém thiết kế, thậm chí trong một số thời điểm, kinh doanh là yếu tố tiên quyết. Nhà kinh doanh thời trang cần một tầm nhìn khác với nhà thiết kế. Chị đã chuẩn bị cho mình những gì ở chặng đường tiếp theo? Thời gian này, tôi nhận ra mình quá mơ hồ và bản năng khi bắt tay vào kinh doanh. Mặc dù tôi có hơn 5 năm kinh nghiệm trước đó khi làm việc cho một vài nhãn hiệu quốc tế. Song bài học của họ không hoàn toàn là bài học của tôi. Tôi cho rằng, thật may mắn cho những nhà thiết kế thời trang có khả năng kinh doanh. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực có tính tập thể cao. Tôi không thể đơn độc sáng tạo trong thiết kế và đơn độc trong kinh doanh. Để Kilomet 109 tiếp tục phát triển, tôi đã và đang nỗ lực hoàn thành một xưởng thiết kế chuyên nghiệp của riêng tôi. Tôi cũng thiết lập một đội ngũ hỗ trợ về mảng thương hiệu, truyền thông, quảng bá. Ngoài ra những khóa học về chất liệu, kỹ thuật và thiết kế mà tôi cộng tác với các nhóm dân tộc thiểu số, với Work Room Four, với London College for Fashion Studies là một hướng đi mà tôi sẽ tập trung rất cao. Với tôi, giáo dục là cốt lõi của nhân tài. Tạo sự tinh túy của sản phẩm 3 năm dự thi YCE, nhưng năm nay, Vũ Thảo mới đạt đến ngôi vị quán quân. Tại YCE 2014, chị mang tới câu chuyện đầy cảm hứng của thương hiệu thời trang Kilomet 109. Là một nhà thiết kế, Thảo lấy cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau thể hiện đặc trưng về kỹ thuật dệt, nhuộm và in sáp ong truyền thống của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Mai Châu và Cao Bằng. Lần này, chị chinh phục Ban Giám khảo bằng những thiết kế đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, sản phẩm hoàn hảo và một định hướng phân khúc thị trường rõ ràng tại Việt Nam. Đặc biệt, chị thể hiện sự hợp tác hiệu quả và chặt chẽ với các nhà thiết kế, nghệ sĩ và người sản xuất. Xuyên suốt kinh doanh thời trang là tạo sự tinh túy của sản phẩm? Vậy sản phẩm của chị thường mang những yếu tố tinh túy nào mà chị trung thành với nó? Chất lượng là quyết định cuối cùng cho tuổi thọ của sản phẩm. Một sản phẩm dù có quảng cáo rầm rộ đến đâu, mà chất lượng nửa vời, thì rất nhanh chóng thành phế phẩm. Tôi luôn xác định điểm mạnh cho các thiết kế của tôi chính là chất lượng. Chất lượng ở đây xuyên suốt từ khâu chọn lựa chất liệu, khâu thiết kế, khâu dựng mẫu, khâu sản xuất cho đến khâu hoàn thiện. Sự “tinh túy” như bạn gọi, trong sản phẩm của tôi nhiều khi người tiêu dùng không nhìn thấy ngay, mà phải đợi đến khi mặc, thậm chí mặc một thời gian rồi mới nhận ra rằng, tại sao cái chi tiết đó lại phải như thế, tính công năng của nó, tính thẩm mỹ của nó… Tôi mê muội tính khoa học của cấu trúc sản phẩm. Đôi khi mất ngủ chỉ vì chưa nghĩ ra được giải pháp để giấu cái túi đó sao cho khéo, mà vẫn phải đảm bảo tính trang trí của nó. Vậy khái niệm thành công của chị về một nhà kinh doanh thời trang khác một nhà thiết kế như thế nào? Nó khác nhau về tính chất công việc, giống nhau về sức sáng tạo, tính quyết đoán, niềm tin vào những thứ mình làm và thái độ lao động nghiêm túc. Để sáng tạo thành công, hay tìm kiếm cơ hội, thì điều gì thôi thúc chị? Nó thuộc bản năng hay lý trí? Tôi hay hành động theo bản năng hơn là lý trí. Cái này vừa hay, vừa dở. Sự bốc đồng dễ thăng hoa, nhưng cũng hay bị trả giá. Tuy nhiên, nó thuộc về bản chất, nên tôi tìm cách khác để cầm cương bản năng cho mình. Đó là, chấp nhận và rút kinh nghiệm, cũng như học hỏi từ đó. Nhưng hầu hết các cơ hội đến với tôi vì tôi làm ra những sản phẩm mà tôi tin tưởng, nó xuất phát từ tình yêu thực sự. Ở Vũ Thảo, tính cách và gu thời trang cá tính là hai yếu tố dễ khiến người ta nhận ra chị ở chỗ đông người. Về cá tính, xác định mình là người của công chúng, nhưng là người ưa sự thẳng thắn, nên mỗi khi xuất hiện, chị lột tả đúng bản chất sâu xa của con người mình hay những quan điểm về vấn đề thời cuộc. Chị bảo, càng trưởng thành, chị càng muốn sống thật, nói thật và làm thật. Thế nhưng, thời trang với chị, cũng là một trong rất nhiều phương tiện thể hiện tính cách, thẩm mỹ và phông văn hóa của người mặc. Theo Anh Hoa – Báo Đầu TưXem thêm bài viết tại: http://baodautu.vn/co-chu-nhan-hieu-thoi-trang-kilomet-109.html