News from LCDF

Mình đã học thiết kế thời trang như thế nào?

Bui Thanh Lam chia se 1.jpg

Chào mọi người! Mình là Bùi Thanh Lam, sinh viên năm cuối chuyên ngành Thiết kế Thời trang tại Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội. Năm nay đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với mình đó chính là năm tốt nghiệp. Nhìn lại 3 năm vừa qua mà thấy bản thân trưởng thành hơn rất nhiều. Các bạn có muốn biết sinh viên thiết kế thời trang học như thế nào không? Để mình kể lại cuộc hành trình ấy nhé!

Lam Bui 3.jpg

Ước mơ về thời trang của mình bắt đầu lớn dần từ hồi còn bé xíu, ba mẹ đồng ý cho tham gia lớp học vẽ ngoại khóa. Sau nhiều năm tham gia các lớp học này, tới cấp 3, mình bắt đầu học các lớp năng khiếu chuyên nghiệp hơn.

Mình biết tới Học viện Thiết kế và Thời trang London - Hà Nội qua các buổi Ngày hội trải nghiệm thiết kế. Khi bước chân vào trường, ấn tượng đầu tiên đó là sự ấm áp và nhiệt tình của các thầy cô và anh chị nhân viên, họ luôn tiếp đón các bạn học sinh rất tận tình. Đặc biệt là các workshops giúp mình được tiếp xúc với thời trang theo những lối tư duy mới lạ. Vừa kết thúc lớp 12, mình đăng ký thi vào đây, nộp portfolio (hồ sơ nghệ thuật), phỏng vấn. May mắn là mình được trường trao học bổng đến 50% - một động lực cực lớn để cố gắng tiếp.

minh da hoc thiet ke thoi trang nhu the nao (7).jpg

Một workshop trong ngày hội Trải nghiệm thiết kế ở LCDF-Hanoi

Bản thân mình đã trải qua 3 năm học, mỗi năm 2 kỳ. Có rất nhiều môn chúng mình được trải qua như: Lịch sử văn hóa thời trang (môn học đem lại cho mình nguồn cảm hứng và khám phá được nhiều kiến thức), Sáng tác và phát triển ý tưởng (một môn thế mạnh của Nhà trường), Vẽ minh họa, cắt rập (môn này đòi hỏi sự logic nhưng là yếu tố quyết định đầu tiên để cho ra một sản phẩm hoàn hảo), thiết kế trên máy tính, kinh doanh thời trang, truyền thông thời trang, nhiếp ảnh thời trang v.v…, bản thân mình tự nghiệm ra cùng với những chia sẻ của các anh chị đã ra trường và đi làm rồi thì những kiến thức này “không thừa một giọt”.

Một cách để chứng minh kết quả học tập là mỗi cuối kỳ chúng mình sẽ có một đồ án thực tế mà sinh viên phải hoàn thiện A-Z một sản phẩm và lưu lại toàn bộ quá trình nghiên cứu, lên ý tưởng, thử nghiệm trong sketch – những tập sketch có thể khiến cơ tay bạn run lên sau khi ôm nó được 10 phút.

minh da hoc thiet ke thoi trang nhu the nao (6).jpg

Một cuốn sketch trong thư viện trường mình. Nó nặng gần 7 kg chứ chẳng đùa.

Sản phẩm thực tế mà chúng mình phải hoàn thành ở kỳ học đầu tiên là chiếc áo sơ mi trắng. Không hề đơn giản tí nào. Ở giai đoạn đầu này, nhiều môn học và kiến thức mới khiến một đứa hừng hực đam mê như mình đôi lúc cũng nản lòng. Nhưng nhờ có thầy cô rất biết truyền cảm hứng và gần gũi như bạn bè nên tụi sinh viên chúng mình liên tục được tiếp năng lượng.

Rồi tiếp tục các môn mới, các đề án như đồ streetwear, công sở, dạ hội… Cuối cùng mình đối diện với kỳ tốt nghiệp với khối lượng công việc nhiều gấp… 6 lần. Thay vì làm 1 bộ trang phục như các kỳ trước thì lần này là 6 bộ để trình diễn thời trang tốt nghiệp – một sự kiện hoành tráng vốn là thương hiệu của trường. Khi nghe những chia sẻ của các anh chị sinh viên khoá trước, thì trong thời kỳ “về đích” này, từ chuyện ngủ lại trường, ngủ chỉ 4 tiếng/ngày, khâu thủ công tới rộp tay hay quay clip từ 5h30 sáng đến đêm họ đều đã trải qua.

minh da hoc thiet ke thoi trang nhu the nao (1).jpg

Ai bảo học thiết kế thời trang là sang chảnh đâu nào!

Rồi cũng đến lượt mình phải đối mặt với cuộc đua “về đích”, nghe vừa đáng sợ vừa khó tin nhưng mình cũng đã phải đổ máu vì thời trang. Khi thêu, vô số lần kim đâm vào tay, mỗi khi nhuộm vải là có vết bỏng khi đun nước nhuộm. Ngày ngày thức khuya dậy sớm, làm bạn với máy khâu đến đau lưng và chạy xe khắp nơi để thùa khuyết, đóng khuy rồi in ấn. Quả thực, áp lực về bài tập, deadline vốn là “đặc sản” khi học thiết kế thời trang tại LCDF-Hanoi mà bao lứa sinh viên truyền miệng. Trải qua rồi thì vẫn còn toát mồ hôi nhưng nếu có cơ hội chọn lại thì vẫn sẽ dấn thân.

minh da hoc thiet ke thoi trang nhu the nao (2).jpg

Một trong 6 mẫu thiết kế tốt nghiệp của mình từ phần nghiên cứu, phác thảo...

minh da hoc thiet ke thoi trang nhu the nao (3).jpg

…Cho tới khi hoàn thiện.

Không chỉ mỗi “đặc sản” bài tập, kỷ niệm mình sẽ nhớ mãi thời đi học ở đây là về những người thầy rất khác so với các thầy cô cấp 3. Họ tận tình và đầy nhiệt huyết, luôn sẵn sàng là người truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế trẻ. Như thầy Gary Wilson, khi dạy thì thầy vô cùng khó tính và tỉ mỉ. Các tiết học của thầy luôn chất bởi không chỉ kiến thức suông bởi còn cả những chia sẻ về kinh nghiệm thực tế mà thầy đúc kết được trong những năm tháng đi làm. Vì mình thường làm bánh ngọt mang đến trường tặng mọi người, nên đến kỳ sau, khi lớp không được phân học thầy, thỉnh thoảng thầy lại ghé qua lớp hỏi “Hôm nay Lam có làm bánh mang đi không?”.

Nhiều người có hỏi mình, có phải dân thiết kế thời trang cá tính mạnh, chảnh và độ cạnh tranh cao. Đúng là có sự cạnh tranh nhưng chúng mình vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ nhau khi bạn học gặp khó khăn. Các bài tập nhóm đã giúp chúng mình thêm thấu hiểu và nhường nhịn nhau hơn.

minh da hoc thiet ke thoi trang nhu the nao (4).jpg

Hội lớp mình hồi năm 2, còn đi dự show tốt nghiệp của các anh chị khóa trên.

Một điều mình muốn nhấn mạnh với các bạn học thiết kế chính là phải tự học rất nhiều. Quá trình làm đồ án phát sinh các khái niệm mới, phần công việc mới mà thầy cô không dạy, tự bản thân chúng ta sẽ phải không ngừng tìm tòi và học hỏi từ sách, báo và kiến thức thực tế. Lớn nhanh về kinh nghiệm, bản lĩnh chính là từ tự học.

Ngập deadline, chẳng có mấy thời gian mà chơi Tiktok hay lướt Facebook vì quá bận và chìm đắm vào sáng tạo, cuộc sống đại học của mình trôi qua có nhữnglần nản chí nhưng sự đánh đổi đó là xứng đáng cho những kinh nghiệm, kiến thức khổng lồ mà mình nhận được. Cuối cùng khi mặc tất cả các bộ đồ lên người mẫu, ngắm nhìn họ toả sáng trong cuốn lookbook, mình như được sạc thêm pin vậy.

Biết ơn nhất bởi mình may mắn khi được học tập và làm việc với những thầy cô và bạn bè tuyệt vời, biết ơn bởi ba mẹ luôn ủng hộ từ những bước chập chững đầu tiên trên con đường chinh phục ước mơ, biết ơn chính bản thân mình vì đã không bỏ cuộc.

Mình nghĩ, không chỉ riêng mình, mà tất cả mọi người đều có những ước mơ đẹp cho riêng mình. Đích đến cuối cùng của những ước mơ không phải là một ngôi sao sáng rực trên bầu trời mà là khi chúng ta đặt niềm tin và nỗi lực hết mình thì tức là chúng ta đã thành công.

Thanh Lam